|
Nông dân Trung Quốc nghỉ ăn trưa tại An Huy. (Nguồn: Getty Image) (Ảnh chỉ có tính minh hoạ) |
Quản lý xã hội ở Trung Quốc hiện này đang nổi lên là vấn đề trung tâm trong chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế-xã hội theo "Quy hoạch 5 năm lần thứ 12" (2011 -2015). Một trong những vấn đề gay cấn nhất trong quản lý xã hội là phân phối thu nhập. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam giới thiệu bài viết dưới đây trên báo Thanh niên Trung Quốc ngày 12/3 để bạn đọc tham khảo về vấn đề phân phối thu nhập từ góc nhìn thực tế và những con số hiện thực được cung cấp từ phía các học giả.
Trong và ngoài hội trường Lưỡng Hội đầu năm 2011, dường như mỗi người đều cảm nhận được mức độ khó khăn của vấn đề, có thể không kém tầm mức của cuộc cải cách nông thôn (ruộng đất) và cải cách xí nghiệp quốc hữu trước đây, đó là cuộc cải cách phân phối thu nhập bắt đầu được mở màn. Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã nói trong Báo cáo công tác của Chính phủ tại phiên khai mạc Quốc hội ngày 5/3: “Đây vừa là nhiệm vụ lâu dài, cũng vừa là công tác cấp bách trước mắt".
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến phân phối thu nhập bất công ở Trung Quốc là, trong giai đoạn kinh tế phát triển nhanh trước đây, công sức, nguồn lực phải đổ ra đầu tư cho cải cách lẽ ra phải được chia đều cho tất cả mọi thành phần thì phần lớn lại do "nhóm người yếu thế" phải gánh chịu, trong khi đó, thành quả kinh tế lẽ ra mọi người trong xã hội đều phải được hưởng lợi hợp lý thì phần lớn “nhóm người tinh hoa” lại giành giật phân chia, nay đã đến lúc phải quyết tâm điều chỉnh lại tình hình.
Phân tích qua báo cáo cuối năm của các công ty lên sàn cho thấy chênh lệch thu nhập giữa các nhân viên quản lý cao cấp và những công nhân lao động phổ thông ở 208 doanh nghiệp nhà nước đã từ 6,72 lần năm 2006 tăng lên đến 17,95 lần vào năm 2008. Từ năm 1997 đến 2007, thu nhập tài chính của chính phủ trong tỉ trọng GDP đã từ 10,95% tăng lên 20,57%, vốn sinh sôi của doanh nghiệp từ 21,23% tăng lên 31,29%, trong khi lương trả cho người lao động từ 53,4% giảm xuống còn 39,74%. Từ năm 2002 đến 2009, GDP của Trung Quốc hàng năm tăng 10,13%, nhưng giá trị lương công nhân bị khấu trừ đi do yếu tố trượt giá tăng bình quân 8,18%/năm. Có 23,4% số công nhân viên 5 năm không được tăng lương. Những năm gần đây, giá cả hàng tiêu dùng và giá nhà tăng mạnh, khiến cho mức sống của một bộ phận công nhân viên trên thực tế bị giảm đi.
Ủy viên Chính Hiệp toàn quốc, Viện trưởng Viện nghiên cứu cải cách phát triển Trung Quốc (Hải Nam) Trì Phúc Lâm nhận thấy rằng vấn đề phân phối thu nhập liên quan đến toàn cục, đến việc điều chỉnh quan hệ lợi ích giữa các bên. Đây không chỉ là vấn đề trước mắt, mà là vấn đề trung hạn và dài hạn. Đại biểu Quốc hội, Bí thư thành ủy thành phố Thiệu Hưng tỉnh Chiết Giang Trương Kim Như cho rằng vấn đề mấu chốt giải quyết vấn đề phân phối thu nhập là quan chức địa phương có xem xét vấn đề từ vị trí của người dân hay không. Đánh giá thành tích của cán bộ cấp dưới không thể chỉ xem xét tốc độ tăng trưởng GDP, mà phải xét đến thực tế thu nhập của cư dân có tăng trưởng đồng bộ với tăng trưởng GDP hay không. Mục đích tăng GDP chính ở chỗ cải thiện đời sống người dân, nhưng trên thực tế "người dân lại không hay biết GDP tăng giảm thế nào".
Tuy nhiên, đối với một số chuyên gia, ngoài mức lương và chế độ đảm bảo xã hội, vấn đề khó khăn trong cải cách phân phối thu nhập còn thuộc về thể chế tài chính của chính phủ, giảm chi tiêu tài chính thông thường và mở rộng mức chi phí cho dịch vụ công cộng. Tình hình phức tạp hiện nay không những là cơ hội có được dịch vụ công cộng không đều nhau, mà khoảng cách thu nhập còn có xu thế mở rộng thêm. Nguồn vốn của chính phủ phân phối cho chữa bệnh, giáo dục ở nông thôn và thành thị đang nghiêng nặng về khu vực thành thị, giữa các thành phố lớn và thành phố nhỏ cũng khác nhau theo xu hướng như vậy. Những người có khả năng thu nhập cao được hưởng dịch vụ công cộng nhiều hơn, những người thu nhập thấp được hưởng ít hơn. Ông Trương Kim Như cho rằng chính phủ cần thông qua cải thiện dịch vụ công cộng, xử lý tốt vấn đề tái phân phối thu nhập./.