Một tuần sau khi Chính quyền Mỹ xác nhận A.An Au-la-ki (Anwar al-Awlaki), một công dân Mỹ gốc Y-ê-men, thủ lĩnh của mạng lưới Al-Qaeda ở bán đảo A-rập, đã thiệt mạng trong một cuộc không kích của Cơ quan tình báo Trung ương Mỹ (CIA), dư luận Mỹ bày tỏ lo ngại về một tiền lệ nguy hiểm: Công dân Mỹ có thể bị ám sát mà không cần xét xử, nếu bị nghi dính líu đến khủng bố. Vụ việc càng trở nên “nóng” hơn với thông tin, số phận của An Au-la-ki đã được “định sẵn” bởi một “Ủy ban bí mật” gồm một số quan chức cấp cao của chính phủ Mỹ.
|
Lực lượng an ninh Mỹ triển khai tại bang Ca-li-pho-ni-a. Ảnh: Roi-tơ |
Trong khi Chính phủ Mỹ chưa đưa ra lời giải thích chính thức, sự “đồn thổi” của dư luận về việc Ủy ban bí mật của Nhà Trắng sẵn sàng đưa công dân Mỹ vào “danh sách thanh trừng”, đang lan đi chóng mặt. Báo chí Mỹ dẫn nguồn tin từ một quan chức Mỹ giấu tên cho biết, hiện chưa có thông tin công khai nào về các quyết định cũng như hoạt động của ủy ban này. Theo thông tin quan chức này đưa ra, ủy ban trên có thể trực thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC), thuộc Nhà Trắng. Ủy ban này có chức năng cho ý kiến liên quan tới việc “xử lý” những công dân Mỹ “kiểu như” An Au-la-ki. Ủy ban này sau đó sẽ thông báo cho Tổng thống Mỹ các quyết định của mình. Nguồn tin trên cũng cho hay, ông không rõ vai trò của Tổng thống B.Ô-ba-ma (B.Obama) trong việc ban hành và thông qua các quyết định nhằm vào công dân Mỹ.
Liên quan tới các thông tin về Ủy ban bí mật trên, trước đó, ngày 3-10, một số chi tiết trong kế hoạch tiêu diệt An Au-la-ki cũng đã được tiết lộ khi thành viên Ủy ban tình báo Hạ viện, nghị sĩ D.Rắp-pơ-be-gơ (D.Ruppersberger) trả lời chất vấn trước Quốc hội cho biết, nhiều thông tin nhấn mạnh tới “quy trình” làm việc của Ủy ban này. Theo đó, không có một luật nào quy định việc thành lập ủy ban trên cũng như không có quy tắc nào được vạch ra để họ theo đó mà hoạt động. Vì vậy, không có một tài liệu công khai nào ghi lại hoạt động hay quyết định của ủy ban bí mật trên.
So sánh việc tiêu diệt An Au-la-ki với các hành động bí mật trước kia dưới thời cựu Tổng thống Mỹ G.Bu-sơ (George W. Bush), một nhà phân tích mô tả: Việc tiêu diệt An Au-la-ki như một sự thể hiện quyết tâm của Tổng thống Ô-ba-ma trong việc xử lý những kẻ đe dọa nước Mỹ. Tuy nhiên, quá trình dẫn tới việc thủ tiêu An Au-la-ki không hơn gì một số việc “mờ ám” dưới thời cựu Tổng thống Bu-sơ. Vụ việc trên khiến chính giới Mỹ nghi ngờ ông ông Ô-ba-ma - người từng lên án người tiền nhiệm G.Bu-sơ về việc mở rộng quyền hành pháp trong cuộc chiến chống khủng bố. Các nhà phân tích cho rằng, ông Ô-ba-ma chẳng hơn gì ông Bu-sơ khi dùng chiến thuật tương tự. Nếu như ông Bu-sơ mở các nhà tù bí mật và hành xử tàn bạo với tù nhân trong diện tình nghi khủng bố thì những Ủy ban bí mật mới này có hơn gì? Hiện phe bảo thủ tại Mỹ đang chỉ trích ông Ô-ba-ma vì ông từ chối công bố quan điểm pháp lý của Bộ Tư pháp, vốn được cho đã phê chuẩn việc tiêu diệt An Au-la-ki. Họ cáo buộc Tổng thống Ô-ba-ma đang đi theo vết xe đổ khi nhấn mạnh rằng, chính quyền của ông luôn khăng khăng phải công bố những bản ghi nhớ pháp lý thời chính quyền Bu-sơ về việc cho phép dùng các kỹ thuật thẩm vấn gồm cả tra tấn nhưng chính chính quyền của ông lại từ chối công bố lý do thủ tiêu một công dân mà không theo quy chuẩn nào.
Việc Chính phủ Mỹ chưa hoặc không công bố những thông tin liên quan tới việc tiêu diệt An Au-la-ki, một công dân Mỹ ở nước ngoài không chỉ khiến báo chí, người dân, thậm chí nhiều quan chức tiếp tục đặt ra nghi vấn: Chính phủ Mỹ có quyền nhân danh đấu tranh chống khủng bố để ra lệnh tiêu diệt công dân Mỹ ở nước ngoài hay không? Tờ Thời báo Niu Y-oóc nhấn mạnh, các cáo buộc nhằm vào An Au-la-ki đến nay vẫn chưa được làm rõ, trong khi đó, hiến pháp Mỹ quy định, mọi công dân Mỹ được bảo đảm quyền được xét xử bình đẳng và đúng trình tự pháp luật.
Đây không phải lần đầu tiên nước Mỹ “xôn xao” về các quyền công dân liên quan tới kế hoạch chống khủng bố của Chính phủ. Năm 2004, dư luận Mỹ cũng từng một lần “dậy sóng” khi Chính phủ nước này lập danh sách đưa 120.000 người vào diện đối tượng có thể bị tình nghi là "phần tử khủng bố". Bản danh sách này đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của người dân vì đã vi phạm nghiêm trọng đời tư và các quyền của công dân.
Cho dù dư luận tiếp tục bày tỏ sự nghi ngờ, Chính phủ Mỹ vẫn cho rằng, cần phải tiêu diệt những “công dân” như An Au-la-ki. Ông Ô-ba-ma cho rằng, đó là sự đền tội xứng đáng: “Với vai trò là một nhân vật hàng đầu của Al-Qaeda trên bán đảo A-rập, An Au-la-ki đã chỉ đạo các nỗ lực nhằm giết chết nhiều người Mỹ và Y-ê-men vô tội, hắn phải chịu trách nhiệm về cái chết của những người dân này”.