Trong một cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Ai Cập mới đây, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã bày tỏ quyết tâm đến dự Khóa họp thường niên lần thứ 66 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ), để đệ đơn xin gia nhập tổ chức này với tư cách thành viên đầy đủ của một Nhà nước Palestine độc lập theo những đường biên giới năm 1967. Vấn đề ủng hộ hay không việc Palestine gia nhập LHQ đang là sự kiện nóng, bởi còn đó không ít bất đồng giữa các quốc gia thành viên LHQ, thậm chí rất bất lợi cho Palestine.
Có một sự thực là mặc dù đã có hơn 2/3 số quốc gia thành viên ủng hộ Palestine trở thành thành viên đầy đủ của LHQ, thế nhưng không ai dám chắc kết quả sẽ như nguyện vọng chung, thậm chí có thể còn ngược lại. Ngày 19/9, Tổng thống Palestine sẽ đệ đơn xin gia nhập và ngày 20/9, Đại hội đồng LHQ sẽ bỏ phiếu. Kết quả mấy ngày sau mới có, nhưng việc Mỹ - nước có quyền phủ quyết tại HĐBA LHQ khăng khăng tuyên bố sẽ sử dụng quyền phủ quyết của mình thì điều ấy đã “mười mươi” là thất bại.
Phân tích diễn biến tình hình ai cũng hiểu, việc Nhà nước Palestine gia nhập LHQ với tư cách thành viên đầy đủ sẽ làm thay đổi vị thế pháp lý của Palestine. Bởi vậy, nó là nguyện vọng rất chính đáng của chính quyền Palestine. Tổng thống Palestine và Ban lãnh đạo nước này cho rằng, đạt được mục tiêu này sẽ tạo thuận lợi cho việc khôi phục tiến trình hòa bình một cách nghiêm túc. Vị thế mới cũng sẽ mở đường và tạo cơ sở vững chắc cho những hành động pháp lý của Palestine đối với Israel tại các diễn đàn quốc tế. Đó chính là lý do để Ban lãnh đạo Palestine nhất trí đệ đơn xin gia nhập LHQ với tư cách Nhà nước Palestine độc lập theo những đường biên giới năm 1967 với chủ quyền là dải Gaza, khu Bờ Tây và thủ đô là Đông Jerusalem.
Một hoạt động mang tên “Chiến dịch quốc gia vì Palestine, Nhà nước thứ 194” bởi vậy đã được phát động ngay trước phiên khai mạc khoá họp thứ 66 của Đại hội đồng LHQ nhằm kêu gọi sự hưởng ứng của người Palestine ở khắp nơi trên thế giới. Cộng đồng quốc tế cũng đã có nhiều hoạt động và tiếng nói ủng hộ Palestine, trong đó có các quốc gia lớn như Nga, Trung Quốc cùng hơn 130 quốc gia thành viên khác. Đặc biệt, Liên đoàn Arab (AL) và một số tổ chức quốc tế lớn đã thông qua kế hoạch ủng hộ Palestine, sau một cuộc họp tại Cairo (Ai Cập) đầu tháng 9 này để thảo luận những nỗ lực ngoại giao chung ủng hộ Palestine được công nhận tại LHQ.
Tuy nhiên, trong khi đa số các quốc gia trên thế giới đã ủng hộ nguyện vọng ấy, Mỹ và đồng minh thân cận trong khu vực này là Israel vẫn kiên quyết phản đối. Trước việc Palestine quyết tâm nộp đơn lên Đại hội đồng LHQ, Mỹ và Israel vừa thuyết phục vừa đe dọa nhằm buộc Palestine phải ngừng cuộc vận động với lập luận rằng, cuộc xung đột cần được giải quyết thông qua thương lượng trực tiếp.
Ông George Mitchell, cựu Đặc phái viên Mỹ về hòa bình Trung Đông, trong một phát biểu mới đây lập luận rằng, hành động của chính quyền Palestine ở LHQ có thể chưa tiến triển trong vài tháng tới, song sẽ đạt được các lợi thế tích cực hơn về trung và dài hạn. Đó là điều Mỹ và Israel không bao giờ mong muốn. Mỹ đã lên tiếng khẳng định dứt khoát sẽ sử dụng quyền phủ quyết tại HĐBA LHQ để ngăn cản nỗ lực của Palestine và cùng với đó là lời đe doạ thực hiện các biện pháp trừng phạt, kể cả cắt các viện trợ tài chính đối với Palestine nếu chính quyền này tiếp tục thúc đẩy các nỗ lực trở thành thành viên đầy đủ của LHQ.
Một khó khăn khác trong tiến trình gia nhập LHQ của Nhà nước Palestine là chính quyền Palestine đang vấp phải sự phản đối ngay trong nội bộ, bởi Phong trào Hồi giáo Hamas đã tuyên bố không ủng hộ kế hoạch của Tổng thống Abbas. Hamas vẫn cho rằng, hậu quả của việc đề nghị LHQ công nhận Nhà nước Palestine đồng nghĩa với việc công nhận các đường biên giới của Israel. Nhà nước Palestine sẽ chỉ tồn tại ở Bờ Tây và Dải Gaza, là những vùng lãnh thổ bị Israel chiếm đóng trong cuộc chiến tranh 1967, chứ không phải toàn bộ Palestine lịch sử như Hamas mong muốn.
Với những khó khăn đó, phái đoàn Nhà nước Palestine do đích thân Tổng thống Mahmoud Abbas dẫn đầu có mặt tại Đại hội đồng LHQ khoá 66 sẽ khó hy vọng mang về được một quyết định khả quan./.