Rạn nứt ngày càng sâu trong phe nổi dậy ở Libya
Thứ ba, 16/08/2011 17:42 (GMT+7)
Tình hình hiện nay ở Libya giống với việc nước này bị chia cắt, Hội đồng dân tộc chuyển tiếp (NTC) có mối quan hệ đối ngoại riêng, trong khi chưa có dấu hiệu nào cho thấy chế độ Gaddafi bị cô lập, đặc biệt là ở châu Phi và Mỹ Latinh.
|
Phe nổi dậy ở Libya. Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet) |
Thêm vào đó là rạn nứt và chia rẽ sâu sắc giữa các phe phái trong nội bộ phe nổi dậy. Một mâu thuẫn nội tại lớn của NTC là cuộc đối đầu hiện nay giữa phái quân sự và phái dân sự.
Theo tạp chí Statafrik, phái quân sự cho rằng NTC ngày càng ít đại diện cho họ hơn và phê phán NTC đã không thành công trong việc xin vũ khí hạng nặng của phương Tây và các nước vùng Vịnh. Việc bổ nhiệm một số đại sứ của TNC tại các nước châu Âu dường như cũng không làm hài lòng tất cả các phe nhóm.
Một nhà ngoại giao Algeria cho biết NTC càng nỗ lực về phương diện đối ngoại bằng cách cử đại diện thường trực ở nước ngoài bao nhiêu, các chỉ huy quân sự chiến trường càng có cảm giác mình bị qua mặt bấy nhiêu.
Báo "Horizon" cho rằng rạn nứt sâu rộng trong NTC thể hiện rõ nhất ở cuộc tranh giành ngôi lãnh đạo dẫn đến việc thanh trừng Tổng tư lệnh quân nổi dậy, tướng Abdel Fatah Younès. Hai chục nhóm chiến binh tình nguyện - vốn tạo thành nòng cốt của lực lượng quân sự của phe nổi dậy - mới đây đã ký đơn tập thể yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng Jallal al-Digheily từ chức vì gián tiếp có liên quan đến cái chết của Younès.
Họ còn đòi TNC phải loại bỏ những phần tử thuộc "đội quân thứ năm" và tuyên bố sẵn sàng đứng ra tố cáo những phần tử trung thành với Gaddafi thâm nhập vào hàng ngũ quân nổi dậy.
Các chỉ huy quân sự nói trên còn đòi cách chức Ahmed Hussein Al Darrat, Bộ trưởng Nội vụ, chỉ vì làm việc với các cảnh sát của chế độ cũ mà phớt lờ các nhóm chiến binh nổi dậy.
Ngoài cuộc đấu giành ngôi vị lãnh đạo đang gia tăng trong NTC, theo báo El Watan, còn hai yếu tố khác đang làm tổn hại đến thể chế này. Thứ nhất, NTC bao gồm một số nhân vật hoạt động nhân quyền có trụ sở ở Londo ở Anh, một số theo phái quân chủ Senoussi hoạt động ở Geneva ở Thụy Sĩ và một số kẻ Hồi giáo thuộc Mặt trận dân tộc bảo vệ Libya đóng trụ sở ở Ryad ở Arập Xêút. Tất cả các tác nhân đó đều không có cùng chí hướng.
Thứ hai, các nhân vật trụ cột cũ của Gaddafi đối đầu với những người thuộc phe nổi dậy chưa từng nắm giữ vị trí lãnh đạo cao cho đến trước khi nổ ra cuộc nổi dậy. Các vị trí chủ chốt hiện đang nằm trong tay các nhân vật xuất thân từ chính quyền Gaddafi, trong đó có tướng Younès. Đối với nhiều nhà quan sát, chính tính chất hỗn tạp này khiến chủ tịch TNC, Mustapha Abdeldjalil, thực sự không kiểm soát được nội tình.
Một cuộc khủng hoảng khác liên quan đến rạn nứt lớn giữa phái Hồi giáo cực đoan và phái không phải Hồi giáo đang chia rẽ NTC. Các nước thành viên liên quân sau khi giảm tối thiểu ảnh hưởng của mình trong NTC lo ngại trước sự lớn mạnh của các nhóm chiến binh nổi dậy theo trường phái Hồi giáo cực đoan hay gần gũi với phong trào Những người anh em Hồi giáo. Không thể loại trừ khả năng các phe nhóm đó có liên quan với al-Qaeda ở Bắc Phi.
Trong khi mọi việc còn chưa xong ở Irắc và Afghanistan, chính quyền Mỹ ngày càng lo ngại trước viễn cảnh các đồng minh nhất thời đó sau này sẽ trở thành kẻ thù của Mỹ.
Do vậy, Mỹ ngày càng gây sức ép để buộc NTC thu xếp nội bộ ổn thỏa. Song, sức ép của Mỹ lại gây căng thẳng trong nội bộ NTC.
Tạp chí Afrik không loại trừ khả năng các phe nhóm trong TNC có thể đối đầu nhau, thậm chí bằng vũ khí như đã xảy ra ở Somalia vào cuối những năm 1980. Đó sẽ là một kịch bản tồi tệ mà các nước thành viên NATO không hề muốn vì như vậy sẽ làm tổn hại tới hình ảnh của một phe nổi dậy thống nhất và đoàn kết chống Gaddafi./.