Sau vụ lính Mỹ đốt kinh Cô-ran ở Áp-ga-ni-xtan: Sự phẫn nộ khó kìm nén

Thứ ba, 28/02/2012 18:06

Sau 10 năm đồn trú ở Áp-ga-ni-xtan, rốt cuộc lính Mỹ vẫn không thể hiểu được sự nhạy cảm về tôn giáo và văn hóa địa phương của người Áp-ga-ni-xtan, trong khi người dân nơi đây đã quá mệt mỏi với sự chiếm đóng của quân đội nước ngoài. Đó là bình luận của chính báo chí Mỹ sau khi xảy ra sự cố lính Mỹ tại một căn cứ quân sự Mỹ ở Áp-ga-ni-xtan đốt kinh Cô-ran kéo theo làn sóng biểu tình bạo lực phản đối người Mỹ trong suốt mấy ngày qua ở quốc gia này.

Trong các cuộc biểu tình, người Áp-ga-ni-xtan phẫn nộ, ném đá tấn công lực lượng nước ngoài ở Áp-ga-ni-xtan, hành động vẫn được họ xem như là để xua đuổi quỷ dữ. Trong khi đó, Ta-li-ban đã lên tiếng kêu gọi người dân Áp-ga-ni-xtan tấn công lính Mỹ để trả thù. Với người Áp-ga-ni-xtan, những tín đồ Hồi giáo ngoan đạo, lực lượng Mỹ và nước ngoài trên đất nước họ giống như kẻ thù đã “bôi nhọ” những giá trị của đạo Hồi. Bởi với họ, những người hằng ngày vẫn cầu kinh Cô-ran để thấm nhuần những lời răn dạy của đấng tiên tri Mô-ha-mét, xúc phạm kinh Cô-ran chính là xúc phạm tới niềm tin tôn giáo lớn lao, xúc phạm tới đấng tiên tri tôn kính của người Hồi giáo. Ha-di Si-rin, một người Áp-ga-ni-xtan sống tại khu vực có đông binh sĩ nước ngoài căm phẫn nói: “Chúng tôi không muốn thấy những người theo đạo Cơ Đốc và phi tín ngưỡng tại đây nữa. Họ là kẻ thù của vùng đất này, của danh dự và của kinh Cô-ran”.

Người dân Áp-ga-ni-xtan phẫn nộ tham gia biểu tình chống Mỹ sau vụ lính Mỹ đốt kinh Cô-ran. Ảnh: Roi-tơ

Có thể thấy đấy là phản ứng không khó đoán của người dân Áp-ga-ni-xtan và được cảnh báo là có thể sẽ chưa dừng lại ở đây. Tại Áp-ga-ni-xtan, sứ quán Mỹ ở Ca-bun đã phải tạm đóng cửa và cấm các nhân viên dân sự và quân sự đi lại tự do trong thành phố. Song giới phân tích e rằng, sự nguy hiểm đối với người Mỹ và phương Tây không chỉ có ở Áp-ga-ni-xtan mà sẽ xuất hiện ở bất cứ đâu trên thế giới sau sự cố báng bổ kinh Cô-ran của lính Mỹ. Họ cảnh báo “cơn ác mộng” đối với toàn nước Mỹ đã bắt đầu vì sự cố này sẽ kích động tâm lý chống Mỹ vốn đã sẵn có của người Hồi giáo không chỉ ở Áp-ga-ni-tan mà còn trên thế giới. Và đáng lo ngại nhất là sự cố này sẽ khiến các phần tử Hồi giáo cực đoan đang tiến hành phong trào kháng chiến chống Mỹ sẽ hoạt động mạnh mẽ và tàn khốc hơn.

Thu phục nhân tâm của người dân Áp-ga-ni-xtan luôn là mục tiêu hàng đầu của Mỹ trong nỗ lực đánh bại lực lượng Ta-li-ban tại Áp-ga-ni-xtan. Tuy nhiên, sau sự cố đốt kinh Cô-ran dù là vô tình hay cố ý, cũng cho thấy sự thất bại của Mỹ trước Ta-li-ban bởi hành động báng bổ này sẽ khiến người dân tin vào điều Ta-li-ban từng nói. Đó là lực lượng nước ngoài tới đây là để "xúc phạm sách thánh và văn hóa Hồi giáo". Ông Áp-đu-ra-him Múc-đa-đơ (Abdurrahim Muqdader) tại tỉnh Pa-oan, nơi xảy ra sự cố đốt kinh Cô-ran và phong trào biểu tình chống Mỹ đầu tiên, cảnh báo sự cố sẽ làm gia tăng sự nguy hiểm của chính quân đội và cảnh sát Áp-ga-ni-xtan trong những ngày tới bởi có thể chính họ quay ra tấn công lính Mỹ để trả thù.

Ngoài ra, Mỹ cũng thất bại trước chính mục tiêu chinh phục “khối óc, con tim” của người dân bản địa trong cuộc viễn chinh tới Áp-ga-ni-xtan. Bởi khó mà lấy được tình cảm của họ nếu chính những người trực tiếp tham gia cuộc viễn chinh này không hiểu và không tôn trọng những giá trị văn hóa và tôn giáo tối thiểu của địa phương. Quân đội Mỹ đã đưa hàng trăm nghìn lính Mỹ trẻ tuổi và thiếu kinh nghiệm tham chiến cũng như hiểu biết về văn hóa địa phương tới Áp-ga-ni-xtan. Và hệ quả tất yếu là những sự cố xúc phạm giá trị đạo Hồi cũng như người Hồi giáo liên tục xảy ra. Người phát ngôn của Ta-li-ban đã tuyên bố “đây là lần thứ 10 các giá trị thiêng liêng của người Hồi giáo bị xâm phạm kể từ khi Mỹ tiến hành xâm lược Áp-ga-ni-xtan”. Gần đây nhất là vụ lính Mỹ có hành động xúc phạm thi thể của các chiến binh Ta-li-ban gây căm phẫn. Các vụ việc này cùng những vụ “bé cái nhầm” tấn công khủng bố nhưng lại khiến nhiều dân thường thiệt mạng, càng khiến cho tâm lý chống Mỹ thêm dồn nén ở Áp-ga-ni-xtan. Như nhận định của tờ “Dẫn đường khoa học Thiên chúa giáo”, các sự việc đáng tiếc liên tiếp diễn ra như vậy phải chăng càng bộc lộ rõ sự thờ ơ của Oa-sinh-tơn với giá trị sống của người dân bản địa, qua đó càng làm cho họ chán ghét “những người bạn Mỹ”.

Và như vậy, cho dù Oa-sinh-tơn có ra sức tự quảng bá cho những chiến tích hay thành tựu của họ ở Áp-ga-xtan thì sự thật vẫn là sự thật. Những thất bại của Mỹ ở Áp-ga-ni-xtan là không thể phủ nhận vì trong cuộc chiến này, họ sẽ không bao giờ đi tới đích thắng lợi trọn vẹn.

Tổng thống Ô-ba-ma ngày 23-2 đã chính thức lên tiếng xin lỗi sau sự vụ đốt kinh Cô-ran và cam kết sẽ không bao giờ để sự cố này tái diễn. Thế nhưng, mọi lời xin lỗi của người Mỹ từ Tổng thống Ô-ba-ma cho tới các lãnh đạo hàng đầu của quân đội Mỹ vào lúc này có thể đều đã muộn. Mọi hành động sửa chữa sai lầm của quân đội Mỹ tại Áp-ga-ni-xtan cũng vậy. Sau sự cố đốt kinh Cô-ran, họ tuyên bố rằng sẽ cần tới những cố vấn về văn hóa và tôn giáo địa phương trong mỗi đơn vị đồn trú tại Áp-ga-ni-xtan. Bởi danh dự của những người Hồi giáo Áp-ga-ni-xtan đã bị xúc phạm sâu sắc và niềm tin tôn giáo bị xúc phạm quá mức. Ta-li-ban đã kêu gọi Áp-ga-ni-xtan cần phải dạy cho “những kẻ xâm lược” một bài học để không bao giờ dám xúc phạm đến kinh Cô-ran nữa. Làn sóng biểu tình chống Mỹ tại Áp-ga-ni-xtan được dự báo sẽ còn kéo dài trong những ngày tới và không loại trừ sẽ lại xuất hiện làn sóng đánh bom khủng bố nhằm vào các mục tiêu của Mỹ và phương Tây như vẫn thường thấy sau mỗi lần “xung đột văn hóa” giữa người Hồi giáo với phương Tây xảy ra trước đó.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực