Chính quyền Tổng thống Barack Obama vừa công bố lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga. (Ảnh: AFP)
Diễn biến này cho thấy những căng thẳng xung quanh mối quan hệ Nga-Mỹ lại tiếp tục được hâm nóng khi những ngày cuối cùng của năm 2016 đang khép lại và được cho là sẽ đặt ra những thách thức cho chính quyền của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump trong việc thực hiện những cam kết đưa ra trong chiến dịch tranh cử về cải thiện mối quan hệ “vốn chưa từng bao giờ êm ả” với Moscow.
Trong một tuyên bố đưa ra cùng ngày, Tổng thống Mỹ Barack Obama nêu rõ, việc áp đặt trừng phạt là một “phản ứng phù hợp và cần thiết trước những mưu toan nhằm gây tổn hại đến các lợi ích của Mỹ, thông qua việc vi phạm các quy tắc ứng xử quốc tế”. Cụ thể, nhà lãnh đạo này cho rằng, các biện pháp trừng phạt này nhằm trả đũa “lối hành xử khiêu khích của chính phủ Nga nhằm vào giới chức Mỹ và các chiến dịch tấn công mạng nhằm vào cuộc bầu cử Mỹ”. “Những biện pháp này được đưa ra sau những cảnh báo lặp lại từ riêng tư cho tới công khai mà chúng tôi đã gửi tới chính phủ Nga” – ông Obama nói.
Cụ thể, lệnh trừng phạt mới của Mỹ được áp dụng đối với hai cơ quan tình báo Nga là Cơ quan Tình báo Quân đội (GRU) và Cơ quan An ninh Liên bang (FSB); 4 quan chức của GRU và 3 công ty khác được cho là đã hỗ trợ vật chất cho các chiến dịch tấn công mạng do GRU thực hiện. Bốn quan chức của Nga được liệt vào “bản danh sách đen trừng phạt” của Mỹ gồm: Lãnh đạo GRU Igor Korobov cùng các cấp phó của ông này là Vladimir Alexeyev, Igor Kostyukov và Sergei Gizunov. Hai cá nhân khác là Evgeniy Mikhailovich Bogachev và Alexey Belan cũng đồng thời có trong danh sách truy nã của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) vì được cho là đã sử dụng các công cụ mạng để biển thủ tài chính và xác định thông tin cá nhân.
Tuyên bố của ông Obama cho biết, theo lệnh trừng phạt mới, Bộ Ngoại giao Mỹ quyết định đóng cửa hai cơ sở giải trí do Chính phủ Nga sở hữu tại thành phố New York và tiểu bang Maryland trước nghi ngờ được sử dụng cho các mục tiêu tình báo. Lệnh đóng cửa này bắt đầu có hiệu lực từ chiều 30/12. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga đang làm việc tại Đại sứ quán Nga tại Washington và tòa lãnh sự Nga tại San Francisco, gia hạn cho những người này và gia đình phải rời Mỹ trong vòng 72 tiếng đồng hồ, với lý do “đây là những đối tượng không được thừa nhận”.
Trong một tuyên bố được xem là “cứng rắn chưa từng có tiền lệ”, ông Obama cảnh báo Mỹ sẽ tiếp tục đưa ra một số biện pháp khác nhằm gia tăng sức ép đối với chính quyền Moscow.
“Những phản ứng của chúng tôi trước các hành vi khiêu khích từ phía Nga chưa phải là đã kết thúc… Chúng tôi sẽ tiếp tục hành động vào thời điểm và nhằm các lĩnh vực mà chúng tôi chọn lựa, với một số trong đó sẽ không được thông báo công khai” – ông Obama nói.
Trong vài tuần trở lại đây, chính quyền của Tổng thống Obama đã nhiều lần lặp lại cáo buộc Nga đã có hành vi can thiệp vào chiến dịch tranh cử của đảng Dân chủ nhằm xoay chuyển tình thế theo hướng có lợi cho ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump – điều mà Moscow luôn bác bỏ. Ông Obama cho biết, các cơ quan tình báo Mỹ đang trong tiến trình thu thập thông tin để làm sáng tỏ nghi ngờ rằng, Tổng thống Nga Vladmir Putin đã giám sát vụ tấn công mạng nhằm vào Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ (DNC) và cố vấn cấp cao John Podesta để đánh bại cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016.
Nga cảnh báo lệnh trừng phạt mới sẽ hủy hoại mối quan hệ giữa Washington và Moscow
Phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố Nga sẽ trả đũa các biện pháp trừng phạt của Mỹ
một cách tương xứng. (Ảnh: Ria Novosti)
Trong một phản ứng đầu tiên vào đêm 29/12, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố, Moscow “rất lấy làm tiếc trước các lệnh trừng phạt mới của Mỹ và sẽ cân nhắc tới các biện pháp trả đũa”. Ông Peskov cho biết thêm, Tổng thống Putin sẽ là người đưa ra quyết định về cách thức phản ứng trước các động thái mới nhất của Mỹ một cách “tương xứng và dựa trên nguyên tắc ăn miếng trả miếng”.
Phát ngôn viên trên nêu rõ, các biện pháp trừng phạt tương tự của Mỹ là vô căn cứ và phi pháp xét trên khía cạnh luật pháp quốc tế. “Chúng tôi bác bỏ những giả thuyết và cáo buộc vô căn cứ chống lại Nga” – ông Peskov nói.
Bên cạnh đó, ông Peskov cũng tỏ rõ sự hoài nghi về tính hiệu quả của các biện pháp trừng phạt mới này trong bối cảnh nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama sẽ kết thúc sau 3 tuần tới. Phát ngôn viên này bày tỏ, hiện Moscow vẫn “chưa chắc chắn” về việc liệu sau khi nhậm chức thì Tổng thống đắc cử Donald Trump có thông qua các biện pháp trừng phạt mới này hay không bởi các nhà lãnh đạo của Nga và Mỹ vẫn chưa tiến hành đối thoại nghiêm túc về vấn đề này.
Trả lời câu hỏi về việc liệu Tổng thống Nga có liên hệ với người đồng nhiệm Mỹ về vấn đề này, ông Peskov cho biết, ông không nắm được thông tin liên quan, song cho rằng “Nga không cần thiết phải hành động vội vã”.
Trong một thông điệp đăng tải trên trang cá nhân, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharov đã chỉ trích các lệnh trừng phạt mới của Mỹ, xem đây là động thái làm “phức tạp hóa” các nhiệm vụ cấp bách mà chính quyền của Tổng thống đắc cử Donald Trump đã đưa ra. Bên cạnh đó, bà Zakharova cũng khuyến cáo Nga sẽ đưa ra các tuyên bố chính thức mang tính chất đáp trả và “thậm chí là còn xa hơn thế”.
Phản ứng trước việc chính quyền Tổng thống Barack Obama vừa công bố một loạt biện pháp trừng phạt về ngoại giao, kinh tế nhằm vào Nga, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump thông báo ông sẽ gặp giới chức lãnh đạo tình báo Mỹ để làm rõ thông tin về việc Nga tấn công mạng để can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016. Ông Trump cho biết sẽ gặp gỡ lãnh đạo cộng đồng tình báo vào tuần tới để cập nhật tình hình vì lợi ích của đất nước và nhân dân, đồng thời nhấn mạnh đã đến lúc nước Mỹ hướng về phía trước với những điều tốt đẹp và lớn lao hơn./.