Sự đồng thuận “hiếm hoi” giữa Nga–Mỹ nói lên điều gì?

Thứ hai, 21/12/2015 18:15

CSVN) - Ngày 19/12, với đại đa số phiếu thuận, Hội đồng bảo an LHQ đã thông qua Nghị quyết về Syria do Mỹ soạn thảo và được 5 nước thành viên tán thành. Nghị quyết số 2254, kêu gọi ngừng bắn và đàm phán chính thức về quá trình chuyển đổi chính trị bắt đầu từ đầu tháng 1 năm 2016. Giới quan sát đặc biệt quan tâm đến sự đồng thuận “hiếm hoi” giữa Nga và Mỹ trong vấn đề Syria, kể từ khi nộii chiến nổ ra tại đây.

Các thành viên Hội đồng bảo an LHQ nhất trí thông qua dự thảo nghị quyết về hòa bình cho Syria. Ảnh: EPA.

Nhượng bộ lớn, khó khăn vẫn còn

Nghị quyết số 2254 của LHQ có các nội dung mới đáng chú ý là, người dân Syria mới là người quyết định tương lai của đất nước họ. Đây là điều liên quan đến số phận của Tổng thống Bashar al-Assad do nhân dân Syria bầu ra theo đúng Hiến pháp của nước này và cũng là sự bất đồng quan điểm lâu nay giữa Nga và Mỹ.

Nghị quyết kêu gọi chấm dứt ngay lập tức các cuộc tấn công nhằm vào dân thường; kêu gọi thành lập một Chính phủ chuyển tiếp và tổ chức các cuộc bầu cử dưới sự bảo trợ của LHQ. Đây cũng là sự nhượng bộ từ phía Nga trên cơ sở quyền hợp pháp của chính quyền đương nhiệm được tôn trọng.

Nghị quyết cũng kêu gọi LHQ bảo trợ cho tiến trình đối thoại giữa đại diện Chính phủ Syria và các nhóm đối lập dự kiến diễn ra vào đầu năm tới. Nội dung nêu trên phản ánh quan điểm của Washington đã được “mềm hóa”, không còn coi Tổng thống Assad ra đi như là điều kiện tiên quyết cho các cuộc đàm phán mà Mỹ yêu cầu trước đây.

Nghị quyết cũng kêu gọi việc ngừng bắn và đàm phán được tiến hành song song. Ngoại trừ, các cuộc không kích vào các lực lượng khủng bố của Nga, Pháp, Mỹ và các nước Arab vẫn được thực hiện.

Nghị quyết mới về Syria của Hội đồng bảo an LHQ được thông qua ngay sau cuộc họp cũng tại New York (Mỹ) của nhóm “Những người bạn của Syria” gồm 17 nước và 3 tổ chức Quốc tế (LHQ, EU và Liên đoàn Arab).

Hội nghị nêu trên đã thảo luận ba vấn đề liên quan đến Nghị quyết của LHQ đó là: Danh sách phái đoàn của phe đối lập Syria tham gia đàm phán; các phe nhóm ở Syria được coi là khủng bố, chống dân thường không được tham gia chính quyền chuyển tiếp; và cơ chế giám sát lệnh ngừng bắn tại Syria.

Ông John Kerry - Ngoại trưởng Mỹ, người chủ trì phiên họp của Nhóm “Những người bạn của Syria” nói rằng: Nghị quyết gửi “một thông điệp rõ ràng tới tất cả các bên liên quan rằng, đã đến lúc phải chấm dứt giết chóc ở Syria”.

Theo thống kê của LHQ thì sau 5 năm nội chiến, 250.000 người dân Syria thiệt mạng, hàng triệu người bị thương và phải rời bỏ quê hương. Nghị quyết mới của Syria với nhiều nội dung thiết thực và có tính khả thi cao đã được nhiều người dân Syria và cộng đồng quốc tế hoan nghênh và kỳ vọng vào một nền hòa bình cho khu vực vốn chịu nhiều đau thương này.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, vẫn còn bất đồng giữa các bên về vấn đề tương lai của Tổng thống Assad. Phía Mỹ, Anh và Pháp kêu gọi ông này từ bỏ vị trí với lý do ông không đủ khả năng lãnh đạo đất nước. Trong khi Nga và Trung Quốc cho rằng, việc ông Assad tại chức là điều kiện tiên quyết của cuộc đàm phán được tiến hành. Và cuối cùng, họ đã không đề cập tới vai trò của ông Assad trong Nghị quyết dự thảo, được coi là sự nhượng bộ cần thiết mà Mỹ - Nga đều chấp nhận được.

Sách lược hay chiến lược vẫn phải chờ xem

Dư luận hẳn còn nhớ quan hệ Đông – Tây mà Nga, Mỹ là đại diện kể từ khi cuộc nội chiến ở Syria nổ ra đã luôn bất đồng với nhau trên tất cả những vấn đề lớn và căn bản, quyền tự quyết của nhân dân Syria với người đứng đầu là ông Assad luôn bị Mỹ và phương Tây coi như là “tội phạm” cần được loại bỏ.

Đối với Nga thì trái lại, việc thay thế ông Assad phải do nhân dân Syria quyết định chứ không phải là phe đối lập được gọi là “ôn hòa” do Mỹ dựng lên. Vì thế, chính quyền Syria do ông Assad lãnh đạo không chỉ có vai trò chính trong cuộc chiến IS, mà còn có vai trò quan trọng trong đàm phán hòa giải để lập lại hòa bình ở Trung Đông.

Tuy nhiên, theo giới phân tích sự bất đồng giữa hai nước đều xuất phát từ lợi ích đại chiến lược: “Chim ưng hai đầu” của Nga, “Trung Đông lớn” của Mỹ, và “Đông tiến” của NATO.

Với đại chiến lược “Chim ưng hai đầu”, Nga đã dành hàng chục năm để hướng Tây với chính sách có thể nói là rất “mềm dẻo”, thậm chí Nga còn có thể gia nhập cả NATO và EU, nhưng đã không thành công do sự lấn lướt thái quá của phương Tây.

Trong “điểm nóng” ở Syria, Nga cũng đã có đóng góp quan trọng trong việc giải giáp vũ khí hóa học, để bảo vệ quân cảng duy nhất của LB Nga ở khu vực này. Trong khi ở sát biên giới quốc gia, Nga buộc phải “ra đòn” chặn đà “Đông tiến” của NATO bằng cánh sát nhập Crimea vào Nga và ủng hộ các nhà nước li khai ở phí Đông Ukraine.

Với chiến lược “Đại Trung Đông”, Mỹ đã khơi dậy làn sóng “Mùa xuân Arab” và kiên định trong việc chia nhỏ các nước, theo hướng trở về với cơ chế bộ lạc để dễ bề quản lý, cho nên họ cố tình ủng hộ cái gọi là phe đối lập “ôn hòa” để đạt mục tiêu nêu trên.

Trong bối cảnh cạnh tranh địa - chiến lược, sự cọ sát giữa các đại chiến lược là một tất yếu khách quan. Tuy nhiên, trong bối cảnh xuất hiện một lực lượng khủng bố khét tiếng là Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) mà trước đó, Mỹ đã góp phần nuôi dưỡng thông qua ủng hộ phe đối lập tại đây.

Sau gần 1 năm rưỡi, Liên minh quốc tế chống IS do Mỹ cầm đầu đã không đạt kết quả như mong muốn, thì ngày 20/9/2015, Nga đã ra đòn tấn công IS có hiệu quả tại Syria khiến Mỹ và NATO không khỏi bất ngờ và lúng túng. Ngay cả việc phương Tây cấm vận Nga, Thổ Nhĩ Kỳ - thành viên NATO bắn hạ máy bay chiến đấu Su-24 của nước này cũng không làm mất đi thanh thế của Nga.

Như vậy, những nội dung mà một Nghị quyết mới về vấn đề Syria tại LHQ thể hiện và tình hình sắp diễn ra trên bàn đàm phán hay trên chiến trường kết quả bước đầu của sự nhượng bộ lẫn nhau giữa hai cường quốc Nga - Mỹ.

Vì thế, giới nghiên cứu và dư luận cho rằng, sự đồng thuận “hiếm hoi” trong quan hệ Nga – Mỹ về vấn đề Syria chỉ là đối sách tạm thời giữa hai cường quốc. Chừng nào các đại chiến lược của họ vẫn không thay đổi mục tiêu thì hồi kết của “cuộc chiến” Đông – Tây vẫn còn đang khó đoán định./.


Nguyễn Nhâm

 

 

 

 

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực