(ĐCSVN) – Theo đúng như kế hoạch đã định từ trước, ngày 23/9, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã thực hiện một hành động lịch sử khi đệ đơn yêu cầu Liên hợp quốc công nhận Palestine là một quốc gia thành viên của tổ chức này. Liệu sự kiện lịch sử này có mở ra tương lai mới cho tiến trình hoà bình Trung Đông? Câu trả lời vẫn còn ở phía trước.
|
Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas trong bài phát biểu trước khóa họp 66 của Đại hội đồng Liên hợp quốc (Ảnh: Reuters) |
Bài phát biểu trước khóa họp Đại hội đồng bảo an Liên hợp quốc lần thứ 66 của ông Abbas đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân Ả rập trên khắp thế giới. Tất cả mọi kênh truyền thông Ả rập, từ đài phát thanh đến các kênh truyền hình, internet đều đăng tải đầy đủ bài phát biểu của ông Abbas hôm 23/9. Thậm chí nhiều người còn ví đây là một “sự kiện mang tính lịch sử”.
Không lâu trước khi đọc bài diễn văn trước Đại hội đồng Liên hợp quốc, ông Abbas đã đệ trình lên Tổng thư ký Ban Ki-moon đơn xin gia nhập, để có thể cho phép Palestine trở thành một thành viên đầy đủ của Liên hợp quốc. Thậm chí ông Abbas cũng đã lên tiếng kêu gọi Hội đồng bảo an Liên hợp quốc ủng hộ những nỗ lực mà người Palestine đang theo đuổi. Ông Abbas đã ví bài diễn văn của mình trước Đại hội đồng Liên hợp quốc là “một khoảnh khắc của sự thật” và nhận được sự tán thưởng nhiệt tình từ dư luận.
Từ việc Palestine phản đối kế hoạch định cư của người Israel
Trong bài phát biểu vốn được đánh giá là mang tính “cứng rắn” trước Đại hội đồng Liên hợp quốc, ông Abbas đã lên tiếng cáo buộc Israel đang phá hỏng những nỗ lực hòa đàm. Tổng thống Palestine nhấn mạnh: “Người của chúng tôi sẽ tiếp tục phản kháng một cách hòa bình trước sự chiếm đóng cũng như kế hoạch định cư, những chính sách phân biệt chủng tộc và những mưu đồ thôn tính của người Israel”. Bên cạnh đó, ông Abbas còn nhấn mạnh rằng, mục tiêu mà hiện người Palestine đang theo đuổi là nhằm hiện thực hóa quyền dân tộc không thể chuyển nhượng của một nhà nước Palestine độc lập với thủ đô là Đông Jerusalem, vùng lãnh thổ ở khu Bờ Tây, gồm cả dải Gaza, vốn đã bị người Israel chiếm đóng trong cuộc chiến hồi tháng 6/1967.
Cũng theo quan điểm của ông Abbas, hiện Tổ chức giải phóng Palestine (PLO) và người Palestine luôn tuân thủ nghiêm túc quy tắc từ bỏ bạo lực, từ chối cũng như lên án chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức và tôn trọng mọi thỏa thuận đã được ký kết giữa PLO và Israel.
Theo nhận định của giới quan sát, với việc đưa ra những tuyên bố dứt khoát quan điểm về một nhà nước Palestine của người Palestine, ông Abbas đã thể hiện quyết tâm sắt đá theo đuổi mục tiêu đưa Palestine trở thành thành viên chính thức của Liên hợp quốc. Trên thực tế, bản thân Israel, nhóm bộ tứ về Trung Đông gồm: Mỹ, Nga, Liên hợp quốc và Liên minh châu Âu (EU) cũng đã chuẩn bị tinh thần sẵn sàng cho vấn đề này.
Trong khi đó, có một thực tế mà ai cũng biết, đó là những kế hoạch định cư của người Israel trên đất của người Palestine đã trở thành một rào cản chính của tiến trình hòa đàm tại Trung Đông. Cả người Palestine và nhóm bộ tứ đều yêu cầu Israel nên dừng lại, hoặc chí ít là đóng băng công việc xây dựng các khu định cư. Tuy nhiên, yêu cầu này đã bị Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thẳng thừng bác bỏ.
Cho đến Israel yêu cầu được công nhận…
Trong bài phát biểu dài 40 phút trước Đại hội đồng bảo an Liên hợp quốc (sau ông Abbas), ông Netanyahu tuyên bố: “Tâm điểm của cuộc xung đột giữa người Israel và người Palestine không phải là vấn đề định cư của người Israel”. Theo quan điểm của Thủ tướng Israel, “các kế hoạch định cư chỉ là kết quả do các cuộc xung đột trên mang lại”. Bên cạnh đó, ông Netanyahu cũng xác định, trọng tâm của các cuộc xung đột giữa người Israel và Palestine nằm ở chỗ, người Palestine luôn từ chối công nhận nhà nước Do thái cho dù ở bất kỳ phạm vi biên giới nào. Ông Netanyahu nhấn mạnh: “Tôi cho rằng, đã đến lúc các nhà lãnh đạo Palestine thừa nhận một thực tế đã được nhiều nhà lãnh đạo lỗi lạc trên thế giới thừa nhận, từ Lord Balfour; Lloyd George năm 1917 cho đến Tổng thống Truman năm 1948 và mới cách đây hai ngày là Tổng thống Mỹ Barack Obama rằng “Israel là một nhà nước Do thái”.
Bên cạnh đó, ông Netanyahu còn đề nghị ông Abbas khởi động ngay lập tức các vòng hòa đàm giữa hai bên, thậm chí ngay tại trụ sở Liên hợp quốc. Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Israel còn nhắc lại ý tưởng mới đây của ông Obama rằng, các vòng đối thoại trực tiếp có khả năng mang lại hòa bình nhiều hơn là các bản nghị quyết từ phía Liên hợp quốc.
…Và một tương lai mờ mịt
Từ ngày 26/9, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc chính thức xem xét đề nghị của Palestine và Mỹ cũng đã công khai bày tỏ sẽ dùng quyền phủ quyết trước yêu cầu của ông Abbas. Để được thông qua, đề nghị của Palestine cần ít nhất 9 trong tổng số 15 quốc gia thành viên Hội đồng Bảo an ủng hộ. Thủ tục này cần hàng tuần mới kết thúc. Trong trường hợp nỗ lực được trao quy chế thành viên đầy đủ của Palestine không trở thành hiện thực, nhiều nhà phân tích đưa ra dự báo rằng, ông Abbas sẽ đề nghị Hội đồng bảo an Liên hợp quốc trao cho Palestine quy chế “là một nước quan sát viên”. Quy chế này sẽ mở ra cho người Palestine nhiều cơ hội, quan trọng nhất là cho phép Palestine đưa trực tiếp các vấn đề của mình lên Tòa án tội phạm quốc tế (ICC). Tại ICC, Palestine có thể kiện Israel về việc chiếm đóng lãnh thổ và xây dựng trái phép các khu định cư.
Trong khi đó, nhóm bộ tứ cũng vừa thông qua một tuyên bố kêu gọi Israel và Palestine khởi động các vòng đối thoại nhằm hướng việc nối lại các cuộc đàm phán trong vòng 1 tháng tới và cam kết đạt được một thỏa thuận vào cuối năm 2012. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho biết, nhóm "Bộ tứ" đã đưa ra một đề xuất cụ thể cho việc nối lại các cuộc đàm phán này và hối thúc hai bên tranh thủ cơ hội để tiến hành đàm phán. Trưởng đoàn đàm phán Palestine Saeb Erakat đã hối thúc Israel nắm lấy cơ hội trên.
Những gì đang diễn ra cho thấy, mọi thứ lại bắt đầu đang trở về vị trí cũ khi các bên lại đang nói về vấn đề nối lại các cuộc đối thoại. Cục diện về cuộc xung đột giữa người Palestine và người Israel cho đến nay, xem ra vẫn chưa có dấu hiệu thay đổi nào đáng kể./.