Sự “rạn nứt” quan hệ đồng minh Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ liệu có được hàn gắn?
Thứ hai, 22/05/2017 14:43 (GMT+7)
(ĐCSVN) - Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã có chuyến công du 2 ngày (16-17/5) tới Mỹ trong bối cảnh mối quan hệ đồng minh giữa hai quốc gia này đang có những dấu hiệu “rạn nứt”, nhất là khi chính phủ Mỹ quyết định vũ trang cho lực lượng người Kurd tại Syria – một tổ chức bị Ankara xếp vào danh sách khủng bố.
Theo giới quan sát, chuyến thăm lần này của ông Erdogan với hy vọng sẽ tạo ra một bước “khởi đầu mới” trong mối quan hệ giữa hai nước. Tuy nhiên, với chính sách “khác lạ” của ông Trump, khả năng hàn gắn quan hệ hai bên trong tương lai gần là khó thực hiện.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải). (Ảnh: vietnamnet.vn)
Từ những mâu thuẫn về quan điểm…
Kể từ sau khi xảy ra cuộc đảo chính bất thành hồi tháng 7/2016 tại Thổ Nhĩ Kỳ, quan hệ đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ - Mỹ đã xấu đi đáng kể, do Mỹ đã từ chối yêu cầu của Ankara về việc dẫn độ giáo sĩ Fethullah Gülen - người bị Thổ Nhĩ Kỳ coi là chủ mưu cuộc đảo chính.
Mối quan hệ giữa hai nước lại càng trở nên căng thẳng hơn khi mới đây (9/5) chính quyền của Tổng thống D.Trump đã quyết định vũ trang cho lực lượng Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) – một tổ chức mà Thổ Nhĩ Kỳ xếp vào danh sách các tổ chức khủng bố. Ông Erdogan cho đây là một quyết định “sai lầm” của Mỹ, và ông sẽ đưa vấn đề này ra thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh NATO vào ngày 25/5 tại Brussel (Bỉ).
Theo giới phân tích, ông Erdogan đã bày tỏ quan điểm mạnh mẽ của nước này trong vấn đề người Kurd và yêu cầu người Mỹ phải lựa chọn giữa mối quan hệ đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ hoặc ủng hộ lực lượng YPG tại Syria.
Ông Erdogan tuyên bố: “Chúng tôi muốn tin rằng các đồng minh của chúng tôi muốn đứng về phía chúng tôi chứ không phải đứng về phía một tổ chức khủng bố nào. Tôi hy vọng rằng quyết định vũ trang cho người Kurd sẽ được thu hồi khi tôi đi đến Mỹ”.
Tuy nhiên, để trấn an đồng minh, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ông James Mattis tuyên bố sẽ bảo vệ đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có việc thắt chặt an ninh tại khu vực biên giới phía Nam của nước này, tiếp giáp với Syria. Ông James Mattis cũng khẳng định những bất đồng giữa hai nước sẽ dần được giải quyết.
Đến sự khác biệt về giải pháp…
Giải thích cho quyết định của mình, chính quyền của Tổng thống Mỹ D.Trump đã cho rằng, thông qua việc cung cấp vũ khí cho lực lượng YPG là giải pháp thiết thực nhằm hỗ trợ chiến dịch giải phóng thành phố Raqqa từ tay tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer nhấn mạnh, từ lâu Mỹ luôn coi lực lượng dân chủ Syria (SDF) và YPG là những thành phần ưu tú và nòng cốt trong cuộc chiến chống khủng bố tại Syria.
Còn giới chức quân sự Mỹ lại cho rằng vũ trang cho lực lượng YPG - lực lượng nòng cốt và ưu tú trong cuộc chiến chống khủng bố là giải pháp khả thi nhất để Mỹ có thể giành thắng lợi quan trọng trong cuộc chiến suốt 10 năm qua.
Ngày 10/5, trong một phát biểu trên truyền hình, Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Nurettin Canikli nói rằng, Thổ Nhĩ Kỳ không thể chấp nhận sự hiện diện của các nhóm khủng bố đe dọa tương lai của Nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ. Việc vũ trang cho các đơn vị YPG là điều không thể chấp nhận được.
Còn ông Erdogan cho rằng, quyết định vũ trang cho người Kurd tại Syria là có từ thời chính phủ tiền nhiệm của Mỹ. Ông hy vọng, chính phủ mới của Tổng thống D.Trump sẽ thay đổi quyết định này.
Và khó khôi phục mối quan hệ…
Trong cuộc hội đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan ngày 16/5, Tổng thống Mỹ D.Trump tuyên bố sẽ tái lập quan hệ kinh tế - quân sự giữa hai nước. Tuy nhiên, ông Trump không nhắc đến các vấn đề nhạy cảm mà Thổ Nhĩ Kỳ đang quan tâm như vấn đề người Kurd ở Syria và giáo sỹ Fethullah Gulen.
Phát biểu trước báo giới, Tổng thống Mỹ D.Trump cho rằng: “Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ là bạn bè và đồng minh trong rất nhiều thập kỷ qua”. Ông Trump nêu rõ: “Chúng tôi ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến chống các tổ chức khủng bố như IS, hay nhóm PKK và đảm bảo rằng sẽ không có chỗ an toàn cho bất cứ nhóm khủng bố nào. Chúng tôi cũng hoan nghênh lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ tham gia nỗ lực tìm kiếm giải pháp chấm dứt cuộc chiến tồi tệ tại Syria”.
Theo giới quan sát, quan điểm của hai bên vẫn còn khá khác biệt, trong khi ông Erdogan tuyên bố việc cho phép các tổ chức người Kurd có vai trò trong khu vực là không thể chấp nhận được, thì ông Trump lại không có phản ứng nào rõ ràng.
Theo quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ thì các lực lượng YPG tại Syria là một chi nhánh của PKK - đảng mà cả Washington, Ankara và châu Âu đều liệt vào danh sách các nhóm khủng bố.
Tuy nhiên, ông Spicer cũng tìm cách xoa dịu sự giận dữ của Thổ Nhĩ Kỳ rằng: “Tổng thống D.Trump vừa cho phép Bộ Quốc phòng Mỹ trang bị cho lực lượng người Kurd tại Syria những vũ khí cần thiết để ủng hộ chiến dịch giành lại từ tay IS thành phố Raqqa. Để giải phóng thành phố chiến lược này, chúng tôi nhận thức rõ về mối quan tâm của các đối tác liên minh của chúng tôi ở Thổ Nhĩ Kỳ”.
“Chúng tôi muốn trấn an người dân và chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ rằng sẽ ngăn chặn các rủi ro an ninh phát sinh và bảo vệ đồng minh trong NATO. Cuộc chiến tại Raqqa sẽ còn tiếp tục khó khăn và phức tạp song tôi tin rằng mối đe dọa mang tên IS sẽ sớm bị loại bỏ để lập lại hòa bình và an ninh trong khu vực và trên thế giới”.
Tuy nhiên, có vẻ như Nhà Trắng vẫn không thay đổi định hướng chiến lược của mình. Theo một số nguồn tin, Lực lượng Dân chủ Syria trước đó đã xác nhận rằng Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ triển khai thêm khoảng 1.000 lính Mỹ tới Syria để trợ giúp kế hoạch tấn công IS ở thành phố Raqqa.
Như vậy, với sự khác biệt về quan điểm và giải pháp chiến lược của cả Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, khiến cho nhận định của giới nghiên cứu rằng, khó có thể khôi phục mối quan hệ giữa hai quốc gia đồng minh Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ trong tương lai gần là có cơ sở./.
Nguyễn Nhâm