Sự tiếc nuối của người dân Bulgaria

Thứ tư, 29/05/2013 17:53

(ĐCSVN) Trong dịp bầu cử Quốc hội Bulgaria vừa qua, qua báo chí, nhất là báo chí phương Tây, đã nói về sự tiếc nuối của người dân Bulgaria về một thời vàng son dưới chế độ xã hội chủ nghĩa.

 

 Sau hàng rào dây thép gai này là đất đai màu mỡ bị bỏ hoang
(Ảnh: Vũ Cân)


Theo số liệu thống kê gần nhất từ trang mạng bulgaria-history.org, đến hết năm 2012, toàn quốc (Bulgaria) có 183 ngôi làng hoàn toàn bị bỏ hoang (không có người ở) và 1.262 điểm dân cư (chiếm 23,7% trong tổng số 5.329 điểm dân cư trên lãnh thổ Bulgaria) chỉ có từ 10 đến dưới 100 nhân khẩu cư trú.

Gần đây đến Bulgaria, tôi về Thành phố Elin Pelin, thủ phủ một thời trù phú của đơn vị hành chính cùng tên - Tổng Elin Pelin- (cách Sophia khoảng 25km) để mục sở thị. Tổng Elin Pelin là một đơn vị hành chính (như huyện của Việt Nam) với 19 đơn vị làng, dân số của Tổng này từ 24.000 người năm 2001, tụt xuống còn hơn 9.000 người năm 2010. 6/19 làng không có người ở.

Tôi đến một vườn cây ăn quả xưa, nơi đã từng là điển hình của mô hình sản xuất kinh doanh trái cây xuất khẩu. Những cây táo, cây đào, cây mận trĩu trái thơm ngọt lành ngày xưa đã biến mất. Thay vào đó là cỏ tranh cao lút đầu người, được bao quanh bằng những hàng cột xiêu vẹo, liên kết với nhau bằng vài sợi dây thép gai han gỉ.

Ở Quảng trường TP Elin Pelin, bồ câu không còn sà xuống sân, trẻ con không ríu rít nô đùa, cửa hàng tổng hợp không có người ra kẻ vào. Đi mấy bước nữa, bến xe khách trung tâm thành phố một thời nhộn nhịp nay không một bóng khách đi xe. Không gian im ắng lạ thường, bất kể là ngày thường hay ngày nghỉ lễ. Đâu đó, thoáng hoặc có bóng người thì họ cắm đầu, cắm cổ đi như mong muốn mau chóng thoát khỏi cảnh hoang lạnh giữa lòng thành phố.

Tôi gặp những người quen cũ. Họ đã từng là công nhân của Nhà máy bê tông đúc sẵn Ston-nik. Bây giờ họ đã nghỉ hưu với đồng lương ít ỏi. Đó là ba người phụ nữ đã quá tuổi "thất thập cổ lai hy". Hàng ngày, ba người bạn già này cùng nhau kiếm sống thêm bằng quán cà phê mà đồ đạc phục vụ “sự nghiệp” kinh doanh của họ là mấy cái bàn, cái ghế cũ kỹ, xiêu vẹo. Bà Vaska Ptrova, 74 tuổi với 34 năm công tác, nhận số lương hưu tương đương 90 euro/tháng. Con trai duy nhất của bà đã thất nghiệp hơn 4 năm nay. Người bạn gái Totka Georgieva, 73 tuổi, cùng cảnh với bà tham gia câu chuyện. Nhớ lại thời kỳ còn chủ nghĩa xã hội hiện thực, bà nói: “Đó là một thời kỳ tốt đẹp. Ngày đó, luật pháp còn ra pháp luật. Cướp giật rất hiếm khi xảy ra. Ai cũng có công ăn việc làm phù hợp với năng lực, khả năng của mình. Ai cũng có thu nhập”. Thở dài, bà nói tiếp, giọng đầy nuối tiếc: “Kể từ năm 1991 đến nay, cái thời vàng son ấy nó đi đâu mất tăm rồi. Chờ mãi mà không thấy nó trở lại!”

Bà Maria Antanasova, 72 tuổi, thêm vào với giọng đầy mỉa mai nhưng không kém phần bi phẫn: “Những người lật đổ ông Todo Gipkov (nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Bulgaria) không biết có “đào thật sâu, chôn thật chặt” ông ấy không. Nếu mà đưa ông ấy trở lại còn sống để lãnh đạo đất nước này thì chôn sâu mấy, dân Bulgaria cũng đưa ông ấy trở về cõi trần”. Bà quay ra cởi mở với tôi: “Anh đã từng ở đây rồi, không nói anh cũng còn nhớ là vào thời kỳ ấy, chúng tôi có cuộc sống tươi đẹp như thế nào. Chúng tôi nhẹ dạ, cả tin, thích đa nguyên, đã đảng để nhiều đảng phái chính trị tranh nhau chèo lái cỗ xe đất nước. Đến nỗi, nó sa vào bãi lầy bao năm nay chưa thoát được”.

Nhân sự kiện bầu cử Quốc hội ở Bulgaria, vào trang mạng http://www.dw.de và tôi được biết, nhà báo Đức Nobert Mapec-Nidek đã gặp gỡ nhiều người của “đất nước Hoa Hồng, và sự thật là “nhiều người vẫn còn nuối tiếc “thời kỳ vàng son của chủ nghĩa xã hội”. 

Làng Medcovets, nằm ở phía Tây Bắc Bulgaria với 1.900 dân đã từng là một điểm dân cư trù phú. Tên gọi của làng trong quá khứ gắn liền với sản vật đặc trưng là mật ong. Nhưng giờ đây, ngôi làng này đã trở thành vùng quê nghèo nhất của quốc gia thành viên nghèo nhất Liên minh châu Âu. Hỏi người dân ở đây một câu: “Ông (hay bà) có biết phương Tây ở đâu không?”, người ta hồn nhiên trả lời rằng, “Ở nơi Mặt Trời lặn” mặc dù phần lớn trong số họ quan niệm phương Tây là biểu tượng của giàu có và hạnh phúc(?). Cuộc sống bị bần cùng hoá đã làm cho họ không còn tin vào thứ mà trước đây bộ máy tuyên truyền của phương Tây đã gieo vào lòng họ những hy vọng.

Họ nhớ tới quá khứ chưa xa của vùng quê với đồi núi nhấp nhô, đất đai màu mỡ, người dân chăm chỉ cần cù sớm tối trên đồng ruộng để có những mùa vàng no ấm. Thế nhưng bây giờ, công ăn việc làm không có, người thất nghiệp phần lớn đã tha hương. Trên cánh đồng màu mỡ năm xưa giờ không một bóng người. Vào ngày bầu cử, trên phố xá và các con đường chính trong làng không xuất hện băng cờ, khẩu hiệu vận động bầu cử. “Vận động ai khi cả làng chẳng còn ai hăng hái hưởng ứng” – Một người già đã nói như vậy.

Thị trấn Montana – thủ phủ của vùng – cách làng khoảng 30km. Trên con lộ chính không hề có phương tiện qua lại. Quảng trường thị trấn cỏ dại đã chiếm chỗ trong các bồn hoa trang trí. Trên những chiếc ghế đá, vài người già nghỉ hưu tán chuyện gẫu, kể chuyện ngày xưa. Rảo một vòng quanh thị trấn, chốn nhộn nhịp, đông người qua lại và có sức sống nhất là khu chợ. Vào chợ, khách hàng tưởng vào nhầm chợ trên đất Thổ Nhỹ Kì vì hàng hoá ở đây chủ yếu nhập từ quốc gia láng giềng.

Mô tả cuộc sống bần cùng của người dân Bulgaria hiện nay, nhà báo Đức làm một so sánh: Thu nhập trung bình của một người dân Bulgaria là vào khoảng 400 euro/tháng. Giá cả sinh hoạt ở Bulgaria tương đương như ở Đức, trong khi đó, thu nhập trung bình ở Đức cao hơn nhiều lần. Không kể chi phí ăn uống hàng ngày, người dân Bulgaria phải chi trả đến 85% thu nhập cho các khoản điện, nước và những dịch vụ thiết yếu khác. Theo số liệu thống kê của Liên minh châu Âu, hơn 20% người lao động Bulgaria phải sống với mức thu nhập dưới 155 euro/tháng. Khoảng trên 60% người nghỉ hưu ở đất nước này đang tự mình phải đối mặt với nguy cơ nghèo khổ và bị bỏ rơi.

Bungari rơi vào bế tắc chính trị từ ngày 20/2 vừa qua, sau khi Chính phủ của ông Bôrixốp từ chức trong bối cảnh các cuộc biểu tình phản đối nghèo đói, vấn nạn tham nhũng và tội phạm gia tăng. Theo giới quan sát, Bungari cần khẩn cấp thành lập chính phủ mới để thương lượng với Liên minh châu Âu về hỗ trợ tài chính, soạn thảo ngân sách năm 2014 và giải quyết những bất bình trong dân chúng về mức sống thấp và giá năng lượng cao, nhằm tránh nguy cơ đối mặt với làn sóng biểu tình mới.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực