(ĐCSVN) - Cuộc khủng hoảng ở Syria đã chính thức bước sang giai đoạn mới đẫm máu và ác liệt nhất kể từ khi các phần tử chống chính phủ nổi dậy ở nước này hồi tháng 3 năm ngoái. Thực tế cuộc chiến này đang gợi lên những liên tưởng mạnh mẽ về hậu quả tàn khốc của “sức mạnh mềm” mà Mỹ và phương Tây đã dùng để can thiệp vào Syria.
|
Cuộc nội chiến ở Syria có sự tham gia của yếu tố bên ngoài. (Ảnh IT) |
Hội Chữ thập đỏ quốc tế vừa tuyên bố rằng, cuộc xung đột ở Syria đã chính thức trở thành một cuộc nội chiến. Sau thủ đô Damascus, tuần qua, Aleppo - một thành phố có 2,5 triệu dân, đang trở thành điểm nóng đẫm máu mới của cuộc xung đột giữa phe chính phủ và phe nổi dậy ở Syria. Hàng trăm người dân và binh sĩ của cả hai phe tại Syria đã ngã xuống mỗi ngày, khiến tờ Al-Watan của Syria mô tả xung đột ở Aleppo là “mẹ của các cuộc giao chiến”. Hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, riêng tối 7/7, đã có gần 2.400 người vượt biên sang Thổ Nhĩ Kỳ để "trốn chạy" bạo lực đang gia tăng ở Syria.
Trong khi đó, theo thống kê của Liên Hợp quốc, tính đến nay, gần một năm rưỡi kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng chính trị ở Syria, đã có tới khoảng 19.000 người bỏ mạng trong các cuộc giao tranh, chủ yếu là dân thường. Khoảng 200.000 người dân Syria đã phải “tha phương cầu thực”, trốn sang các quốc gia láng giềng để lánh nạn. Một câu hỏi không mới, song một lần nữa đang được dư luận nêu ra mạnh mẽ trước cảnh “nồi da xáo thịt” ở Syria lúc này là: Điều gì khiến đất nước Syria trở thành chiến trường đẫm máu và cuộc chiến này sẽ đi về đâu?
Có thể có rất nhiều cách giải thích khác nhau về nguyên nhân dẫn đến cảnh người dân Syria cầm súng tàn sát nhau hôm nay, song thực tế, cuộc chiến Syria những ngày gần đây đã gợi lên những liên tưởng mạnh mẽ về “sức mạnh mềm” - cách thức mà Mỹ và phương Tây đã và đang can thiệp gián tiếp vào nội bộ Syria.
Rút kinh nghiệm từ các cuộc chiến trước tại Iraq, Afganistan, chính quyền Obama đã nhiều lần tuyên bố không muốn tiếp tục đóng vai trò tiên phong trong các chiến dịch can thiệp quân sự vào nước ngoài, dù với bất kỳ lý do hay dưới hình thức nào. Quan điểm này được đưa ra dựa trên chính sách đối ngoại của chính quyền Obama, lấy học thuyết về “Sức mạnh mềm” và "Quyền lực thông minh" của Giáo sư Joseph Nye Jr - nhà tư tưởng đối ngoại hàng đầu Hoa Kỳ, làm cơ sở.
Nước Mỹ gần đây cũng đã trở thành là một ví dụ điển hình cho việc vận dụng thành công “sức mạnh mềm”, thông qua kinh tế, chính trị, đối ngoại… để thu phục các quốc gia khác. Trong đó, vũ khí lợi hại nhất là truyền thông. Với “vũ khí” truyền thông và những “viên đạn bọc đường” mang tên “tự do”, “dân chủ”, “chống độc tài”…Mỹ và các quốc gia phương Tây đã “bắn phá” tơi tả nhiều quốc gia độc lập, có chủ quyền, như: Ai Cập, Lybia…và nạn nhân tiếp theo đang là Syria. Thông qua “sức mạnh mềm” và công cụ truyền thông, báo chí thân Mỹ và phương Tây cũng đã không từ thủ đoạn nào, sẵn sàng “ăn không nói có”, “gắp lửa bỏ tay người”, để đạt mục đích...
Minh chứng mới nhất là việc giữa tuần này, nhiều cơ quan truyền thông thân phương Tây, chống Syria đã đồng loạt loan tin hai bộ trưởng trong chính phủ Syria đào tẩu cùng cựu Thủ tướng Riyad Hijab. Truyền hình Syria ngay sau đó đã phải “đập lại” bằng cách phát rộng rãi hình ảnh về cuộc họp của chính phủ nước này và nhấn mạnh: “Cuộc họp có sự tham dự của tất cả các bộ trưởng”. Những thông tin bịa đặt của một số cơ quan truyền thông nói trên hoàn toàn không do nhầm lẫn, mà thật ra là trò “chơi bẩn”, nhằm gây hoang mang, chia rẽ trong quân đội, chính quyền và nhân dân Sirya, trong bối cảnh tình hình chiến sự đang diễn biến theo hướng bất lợi cho phe đối lập.
Nguy hiểm hơn, với cách mà Mỹ và phương Tây dùng “quyền lực thông minh” của mình, “đứng ngoài giật dây” như hiện nay, cuộc khủng hoảng ở Syria có nguy cơ kéo dài và còn lâu mới đến hồi kết. Thậm chí, “bóng ma” về một cuộc chiến tranh ủy nhiệm giống những gì từng diễn ra tại chiến tranh Triều Tiên, Việt Nam…trước đây, đang ám ảnh đất nước này. Cuộc xung đột ở Syria kéo dài hiện nay chủ yếu do có sự bất đồng sâu sắc giữa một bên là các nước phương Tây cùng khối Ả Rập và bên kia là Nga, Trung Quốc, Iran và một số nước ủng hộ chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad.
Hiện giới chức Mỹ vẫn rắp tâm lật đổ ông Bashar al-Assad và tuyên bố trọng tâm của họ là hỗ trợ phe đối lập tại Syria và có thể viện trợ nhân đạo cho những người tị nạn khi giao tranh trở nên ác liệt. Trong khi đó, Nga, Trung Quốc và Iran luôn chống lại các nghị quyết trừng phạt Syria; đồng thời đang ra sức thúc giục Damascus tiến hành cải cách, thương lượng, để có thể bảo toàn thể chế chính trị ở Syria hiện nay. Nỗ lực mới nhất của các nước này là việc tổ chức Hội nghị quốc tế hôm 9/8, tại Tehran để bàn về tình hình Syria, có sự tham gia của gần 30 nước, do Iran chủ trì.
Tuy nhiên, nhìn về tương lai, có thể thấy, Syria sẽ tiếp tục trong cảnh "nồi da nấu thịt" và không thể tự quyết định được vận mệnh dân tộc mình, bởi khi bên này trang bị vũ khí cho các chính phủ đồng minh, thì bên kia ủng hộ quân nổi dậy chống lại chính phủ này.
Nhìn vào bức tranh chiến sự đang diễn ra tại Syria hiện nay, có thể thấy, một khi Mỹ và phương Tây can thiệp thô bạo vào nội bộ một quốc gia khác, thì dù bằng “sức mạnh cứng” của súng đạn, hay “sức mạnh mềm” như đã nói ở trên, hậu quả vẫn tàn khốc như nhau. Ngoại trưởng Nga mới đây cũng đã tố cáo rằng, chính phương Tây và các nước láng giềng của Syria đã khuyến khích, hỗ trợ và chỉ đạo cuộc xung đột chống chế độ tại Damascus và “cái giá phải trả chỉ có máu đổ”./.