Sức sống Nhật Bản một năm sau thảm họa

Thứ tư, 14/03/2012 10:53

(ĐCSVN) - Trong bài viết nhân kỷ niệm 1 năm ngày xảy ra thảm họa động đất sóng thần đăng trên  báo The Washington Post (Mỹ), Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda khẳng định: "Mục tiêu của chúng tôi không đơn thuần chỉ tái thiết một Nhật Bản như trước ngày 11/3/2011 mà sẽ xây dựng một nước Nhật Bản mới. Chúng tôi quyết tâm vượt qua thách thức lịch sử này". 

Hơn lúc nào hết, câu chuyện "Lửa thử vàng, gian nan thử sức" được thực tế hồi sinh của Nhật Bản chứng minh một cách hết sức sinh động.


Gian nan thử sức

Người dân Nhật Bản đã quen với “chuyện động đất” bởi đất nước này thường xuyên xảy ra những cơn động đất và dư chấn. Nhưng họ khó có thể tưởng tượng được, có một ngày, động đất – sóng thần đã cướp đi hàng ngàn người chỉ trong ít phút đồng hồ. Con số gần 19.000 người thiệt mạng và mất tích thực sự là một con số ám ảnh. Ám ảnh với cả những người còn may mắn sóng sót và ám ảnh với những người chỉ được nghe, xem hay kể lại.

 

 Một năm sau thảm họa, khung cảnh yên bình đã trở lại tại các vùng chịu ảnh hưởng
bởi động đất - sóng thần ngày 11/3/2011 ở Nhật Bản (Ảnh: AFP)


Thảm họa kép động đất – sóng thần đã đi vào ký ức người Nhật như một trong những thiên tai ám ảnh nhất trong vòng hơn 140 năm qua, đẩy đất nước Mặt trời mọc vào cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ II.

Trận động đất khủng khiếp ở Nhật Bản với sức tàn phá ghê gớm đã dịch chuyển hòn đảo chính của Nhật Bản Honshu khoảng 2,4m và nâng trái đất trên trục của nó. Với một nền kinh tế có GDP hơn 5000 tỷ USD, thì mức độ thiệt hại từ thảm họa này tất yếu sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực cho nền kinh tế thế giới, vốn đang rất mong manh sau khủng hoảng tài chính năm 2008. Nhưng thiệt hại chưa dừng lại ở đó. Chỉ một ngày sau động đất, nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 phát nổ. Sự cố này đẩy nước Nhật đối mặt với thảm họa thứ ba – thảm họa hạt nhân sau động đất và sóng thần. Khó khăn chồng chất khó khăn! Những tưởng tất cả những điều đó sẽ làm Nhật Bản sa sút, người dân hoảng loạn, hoang mang. Nhưng không, họ đã chứng minh cho thế giới thấy cái gọi là “tinh thần của người Nhật” trong khó khăn, hoạn nạn.

Không phải vô cớ mà báo chí hay dành những từ như “tinh thần thép”, “sức sống thần kỳ”,... để nói về Nhật Bản sau động đất. Qua những con số biết nói, chúng ta thêm hiểu về những kỳ tích mà người dân đất nước Mặt trời mọc đã làm được sau đau thương. Chỉ một tháng sau động đất, các tuyến đường giao thông tới các vùng bị nạn cơ bản được khai thông; các nhà máy hoạt động trở lại. Nhiều công nhân xây dựng trở lại làm việc chỉ một ngày sau động đất và sóng thần. Có 70% trong tổng số khoảng 22,52 triệu tấn rác thải phát sinh sau thảm họa ở các địa phương nằm dọc các khu vực ven biển thuộc các tỉnh Iwate, Miyagi và Fukushima đã được chuyển tới các bãi chứa rác thải tạm thời. Sự kiên cường và kỷ luật trật tự của người dân Nhật trong thời gian thảm họa đã khiến cả thế giới phải kính nể. Tốc độ hồi phục của đất nước này được mô tả là “kỳ diệu” khi nền kinh tế Nhật dự kiến sẽ quay trở về mức độ trước thảm họa trong vài tháng tới.

Người ta cũng không thấy cảnh lộn xộn, chen lấn của người dân Nhật Bản trong những sinh hoạt chung. Tất cả đều diễn ra rất tuần tự và kỷ cương. Đó là một điều hiếm thấy trong bối cảnh rối ren sau thảm họa. Sự điềm đĩnh trong đối phó với thảm họa và tính cộng đồng trong cuộc sống hàng ngày là những đức tính cao quý của người Nhật. Người ta thấy cảnh những người già bình tĩnh đón nhận và cùng nhau chia sẻ đồ ăn thức uống trong những ngôi nhà tạm; thấy những người trẻ chung vai góp sức để khắc phục hậu quả thiên tai. Đây cũng là một bài học rất ý nghĩa cho bất cứ quốc gia nào khi đối phó với thảm họa. Cảnh bi thương, tang tóc đã nhanh chóng qua đi. Người Nhật cho rằng, họ không thể cứ chìm trong đau khổ, trong sự mất mát, khổ đau. Họ đã nhanh chóng lấy lại được thế cân bằng để xây dựng lại cuộc sống. Và người ta đã thấy một Nhật Bản hồi sinh!

Sức sống vươn xa

Tất nhiên, để có được sự hồi sinh hôm nay, ngoài những nỗ lực phi thường của chính phủ và nhân dân Nhật Bản, phải kể đến sự giúp đỡ tận tình của cộng đồng quốc tế. Kể từ khi thảm họa xảy ra, hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã tích cực trợ giúp Nhật Bản. Nhiều tình nguyện viên người nước ngoài đã ở lại những vùng thảm họa để giúp cư dân xây dựng cuộc sống mới. Nhân dân Việt Nam cũng chung sức đồng lòng gửi các khoản hỗ trợ tới nhân dân Nhật Bản. Số tiền ủng hộ chuyển qua Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã được Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản sử dụng làm tiền cứu trợ dành cho các chương trình hỗ trợ tái thiết như: Hỗ trợ y tế, giáo dục, hỗ trợ người dân sống trong các trung tâm sơ tán, khu nhà tạm,...

 
 Kinh tế Nhật Bản đang từng bước vực dậy và sẽ còn vươn cao, vươn xa hơn (Ảnh:IT)

Đáp lại sự giúp đỡ nhiệt tình của Việt Nam và cộng đồng quốc tế, Nhật Bản đang từng bước tiến hành công cuộc tái thiết một cách vững chắc và mạnh mẽ. Tàu cao tốc, đường cao tốc và sân bay đã được khôi phục 100%. Các doanh nghiệp đã lấy lại được tinh thần, trong đó, nhiều doanh nghiệp bị thiệt hại đã phục hồi hoạt động theo tiêu chuẩn trước thảm họa.

Hơn thế, Nhật Bản vẫn luôn khẳng định là một cường quốc kinh tế và sẵn sàng hợp tác với các quốc gia khác. Mặc dù nền kinh tế còn nhiều khó khăn, lại chịu hậu quả nặng nề bởi thảm họa thiên nhiên, nhưng trong thời gian qua, nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp (ODA) của Nhật Bản dành cho nhiều nước, trong đó có Việt Nam vẫn được duy trì.

Những điều trên cho thấy, sức sống của Nhật Bản đã không chỉ vươn cao từ những khó khăn, gian khổ mà còn vươn xa so với bè bạn năm châu như lời của Đại sứ Tanizaki Yasuaki: “Chúng tôi không chỉ đơn thuần đưa Nhật Bản trở lại trạng thái trước thảm họa mà sẽ biến khủng hoảng thành cơ hội để tạo ra một Nhật Bản hoàn toàn mới với mục tiêu đóng góp nhiều hơn nữa cho cộng đồng quốc tế, trong đó có Việt Nam. Nhật Bản sẽ chia sẻ với thế giới những kinh nghiệm và bài học từ thảm họa động đất sóng thần, sự cố nhà máy điện hạt nhân... đồng thời sẽ đi trước thế giới trong việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, phòng chống thiên tai, liên kết kinh tế ở cấp độ cao... với quyết tâm cho cả thế giới thấy một mô hình xã hội mới. Nhật Bản cũng sẽ tiếp tục có những đóng góp quốc tế tích cực, thông qua viện trợ ODA... nhằm củng cố hơn nữa “mối ân tình” với cộng đồng quốc tế”.

Mặc dù đã đạt được những bước tiến kinh ngạc trong việc khắc phục hậu quả thiên tai, nhưng công việc của Nhật Bản vẫn còn khá bộn bề để có thể nói đến hai chữ “hoàn tất” và “thành công”. Nhưng với những gì đã làm được, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng vào những kì tích mới mà Nhật Bản sẽ làm được trong tương lai .

Trong bài viết đăng trên báo The Washington Post (Mỹ) hôm 9/3, Thủ tướng Nhật Bản, ông Yoshihiko Noda, cho biết, nhân dân Nhật Bản luôn ghi nhớ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế và khẳng định: “Chúng tôi sẽ không bao giờ quên những người thân yêu, những bạn bè và đồng nghiệp đã thiệt mạng trong thảm họa. Chúng tôi cũng không quên những ủng hộ và tình đoàn kết của cộng đồng quốc tế dành cho chúng tôi. Chúng tôi mãi mãi biết ơn những tình cảm này”.

Thủ tướng Noda khẳng định, Nhật Bản có ý chí tập thể để giải quyết những vấn đề cấp bách nhất sau thảm họa như: Tái thiết và khử phóng xạ những vùng bị ảnh hưởng, dỡ bỏ hoàn toàn Nhà máy Fukushima Dai-ichi và hồi sinh nền kinh tế đất nước. Ông Noda khẳng định: “Mục tiêu của chúng tôi không đơn thuần chỉ tái thiết một Nhật Bản như trước ngày 11/3/2011 mà sẽ xây dựng một nước Nhật Bản mới. Chúng tôi quyết tâm vượt qua thách thức lịch sử này”.

Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế đã lên tiếng ca ngợi sự phục hồi nhanh chóng của Nhật Bản sau thảm họa, đồng thời đánh giá cao tiến bộ lớn của nước này về tăng cường an toàn, an ninh hạt nhân. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon nhấn mạnh thêm rằng, cơ quan này sẽ tiếp tục nỗ lực toàn cầu nhằm thúc đẩy các biện pháp ngăn chặn và xử lý các thảm họa quy mô lớn như vụ Fukushima Dai-ichi. 

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực