Điểm nóng Syria của Trung Đông những ngày qua vẫn rất căng thẳng bởi những cuộc đụng độ giữa các phe phái đối lập và chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad. Cộng đồng thế giới và bản thân các bên xung đột Syria cũng đang có những nỗ lực để hướng tới mục tiêu “hạ nhiệt” lò lửa. Thế nhưng, những biện pháp còn chưa “đồng điệu” liệu có sớm mang lại kết quả?!
Có lẽ, cho đến thời điểm này, “sáng kiến 6 điểm” mà Trung Quốc đưa ra cuối tuần trước được đánh giá cao hơn cả. Nội dung khiến người ta có thể đánh giá như vậy là “kêu gọi chấm dứt bạo lực ngay lập tức và tổ chức đối thoại giữa chế độ của Tổng thống al-Assad và phe đối lập, đồng thời bác bỏ mọi sự can thiệp từ bên ngoài nhằm thay đổi chế độ ở Syria, song ủng hộ vai trò của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong khuôn khổ Hiến chương Liên Hợp Quốc.
Không phải là không có những nỗ lực của các quốc gia thời gian gần đây xung quanh việc “hạ nhiệt” lò lửa Syria, kể cả những biện pháp trừng phạt và tấn công quân sự. Thế nhưng người ta vẫn đang nghiêng về hướng giải quyết bằng biện pháp hòa bình nhiều hơn.
Nguyên nhân là bởi, không giống điểm nóng Libya, Syria không tạo cơ hội để các quốc gia phương Tây hành xử theo cách “tấn công lật đổ”. Với Syria, Nga và Trung Quốc vẫn là hai ủy viên thường trực của HĐBA LHQ đã và vẫn sẽ luôn giữ quan điểm phủ quyết mọi Nghị quyết nào trong đó có “bật đèn xanh” cho tấn công quân sự, trong khi Liên đoàn Arab (AL) cũng không ủng hộ kế hoạch không kích Damascus.
Với Syria, Mỹ không dễ dàng “xuôi tay” để các quốc gia phương Tây khác lôi kéo vào cuộc tấn công quân sự. Bằng chứng là, mới đây nhất, trong một cuộc điều trần trước Ủy ban Quân lực thuộc Thượng viện, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta nói rằng, bất kỳ một hành động tấn công quân sự đơn phương nào đối với Syria đều là sai lầm… Mỹ ý thức được rằng tình hình tại Syria khác với ở Libya, nơi liên minh do NATO đứng đầu đã thực hiện chiến dịch ném bom năm ngoái giúp lật đổ chế độ của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi.
Theo ông Panetta, trường hợp Libya có sự ủng hộ mạnh mẽ trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Liên đoàn Arab cho can thiệp quân sự. Bản thân phe đối lập ở Syria cũng không mạnh và rời rạc với khoảng 100 nhóm nhận là thuộc lực lượng chống đối.
Thế nhưng, trước những diễn biến ngày càng phức tạp ở Syria, không còn cách nào khác, cộng đồng quốc tế vẫn đang phải nỗ lực tìm giải pháp. Cùng với việc đưa ra “sáng kiến 6 điểm”, đặc phái viên Trung Quốc về vấn đề Syria Lý Hoa Tân đang thăm Syria để cùng giới lãnh đạo nước này tìm ra những bước đi cụ thể trên tinh thần của sáng kiến 6 điểm. Syria cũng đã nhân dịp này tuyên bố Syria hoan nghênh kế hoạch hòa bình 6 điểm của Trung Quốc và “sẵn sàng hợp tác” theo kế hoạch này để “ngừng bạo lực”.
Đặc phái viên chung của LHQ và Liên đoàn Arab (AL), cựu Tổng thư ký LHQ Kofi Annan cũng sang thăm Syria trong ngày 9/3 nhằm tìm giải pháp cho vấn đề.
Thế nhưng, bất chấp những nỗ lực và sự cân nhắc “thiệt, hơn” ấy, những động thái đi ngược lại mong muốn chung đang khiến tình hình Syria vẫn khó gỡ. Việc Nga mới đây lên tiếng cáo buộc Chính phủ Libya hỗ trợ một trại huấn luyện cho những kẻ nổi loạn ở Syria, vốn là thủ phạm tấn công các mục tiêu của chính quyền Damascus… lý giải cho những lo ngại này.
Cùng với đó, ngày 8/3, Thứ trưởng Dầu mỏ Syria, Abdo Hussameddin, đã tuyên bố từ chức và sẽ gia nhập phe đối lập, trở thành quan chức cấp cao nhất trong Chính phủ Syria gia nhập hàng ngũ phe đối lập. Hành động này sẽ khiến tình hình Syria càng trở nên phức tạp hơn và chưa thấy “ánh sáng cuối đường hầm” cho mục tiêu “hạ nhiệt”./.