(ĐCSVN) - Trong những năm gần đây, châu Á dẫn đầu thế giới về phát triển năng lượng hạt nhân vì các nước trong khu vực này tìm cách đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện đang tăng vọt cùng với đà tăng trưởng kinh tế, nhưng đồng thời giảm bớt sự phụ thuộc vào các nhiên liệu hóa thạch.
Theo Hiệp hội Hạt nhân Thế giới, trong số trên 62 nhà máy điện hạt nhân đang được xây dựng, có đến 60 nhà máy là ở châu Á. Trung Quốc có 27 nhà máy điện nguyên tử đang được xây dựng và 50 nhà máy khác được dự trù. Thứ trưởng Bộ Bảo vệ môi trường của Trung Quốc vừa tuyên bố sẽ vẫn đẩy mạnh chương trình hạt nhân. Ấn Độ cũng có kế hoạch mở rộng thêm những nhà máy điện hạt nhân. Hàn Quốc trong tuần này cũng vừa cho biết vẫn quyết tâm theo đuổi tham vọng hạt nhân và sẽ đẩy mạnh xuất khẩu công nghệ của họ.
Mỹ có 104 nhà máy điện hạt nhân, nhiều hơn bất kỳ nước nào trên thế giới. Tuy nhiên, Pháp mới là nước phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân hơn các nước khác vì 3/4 điện lực của nước này thu được từ những nguồn hạt nhân. Chính phủ Đức thông báo kế hoạch đóng cửa 7 nhà máy điện hạt nhân đã cũ trong khi chờ đợi duyệt xét lại vấn đề an toàn sau những biến cố mới đây tại Nhật Bản. Trong khi đó, ngày 15/3, EU triệu tập một cuộc họp tại Brussels để thảo luận về việc thiết lập những biện pháp an toàn cho các lò phản ứng hạt nhân trên lục địa này.
Tại Ấn Độ, ngày 14/3, Thủ tướng Manmohan Singh đã ra lệnh kiểm tra an toàn của 2 lò phản ứng hạt nhân hiện có ở nước này. Ngay cả Trung Quốc cũng cho biết sẽ “rút ra những bài học” từ cuộc khủng hoảng ở Nhật Bản.
Chuyên gia về Đông Nam Á, giáo sư Carl Thayer tại Trường đại học New South Wales của Australia nói rằng sự cố ở Nhật Bản có thể khiến một số nước duyệt xét lại những kế hoạch phòng ngừa rủi ro. Tuy nhiên, ông nói rằng nhu cầu về năng lượng đang tăng nhanh chóng ở Đông Nam Á, có nghĩa là sẽ có ít lựa chọn để thay thế cho năng lượng hạt nhân.
Sau khi vụ nổ lò phản ứng số 2 của nhà máy năng lượng hạt nhân Fukushima của Nhật Bản xảy ra vào sáng sớm 15/3, lượng phóng xạ tăng lên ở khu vực xung quanh nhà máy và lan sang các vùng lân cận khiến cho nhiều nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương lo ngại.
Trong khi đó, tại các nước châu Á, một số chính phủ như Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Philipin và Thái Lan cho biết sẽ bắt đầu kiểm tra thực phẩm nhập khẩu từ Nhật Bản xem có bị nhiễm chất phóng xạ không.
Được biết, Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam đã yêu cầu Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt và Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân Hà Nội tiến hành đo mức độ phóng xạ trong môi trường sau khi xảy ra vụ nổ lò phản ứng hạt nhân ở Nhật Bản sáng 15/3.
Trong khi đó, Cục Quản lý Lao động ngoài nước cho biết hiện vẫn chưa có chỉ thị gì từ phía Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về việc di tản công nhân Việt Nam ra khỏi Nhật Bản. Cục này cho biết nếu tình trạng nhiễm phóng xạ tiếp tục xấu đi, các cơ quan chức năng Việt Nam sẽ có kế hoạch đưa lao động về nước.
Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch cảnh báo động đất và các biện pháp bảo vệ công chúng sau vụ động đất mạnh và sóng thần ở Nhật Bản. Bản tin hôm 15/3 của hãng thông tấn Bernama cho hay Chủ tịch UBND Nguyễn Thế Thảo hối thúc các cơ quan phổ biến các kiến thức cơ bản về động đất cho người dân thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng và cảnh báo cư dân thực hiện các biện pháp an toàn khi nhận được cảnh báo về động đất. Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm Cảnh báo Động đất và Sóng thần của Việt Nam, ông Lê Huy Minh cho hay trận động đất ở Nhật Bản không tác động đến Việt Nam.
Hôm 13/3, Đại sứ quán Việt Nam ở Nhật Bản cũng đã thành lập một kênh thông tin để cung cấp thông tin cho các gia đình có người thân đang sinh sống và làm việc tại khu vực bị ảnh hưởng bởi trận động đất vừa qua. Theo tin tức công bố thì không có người Việt Nam nào bị thiệt mạng và tất cả các sinh viên cũng như công nhân và các chuyên gia Việt Nam đã được di chuyển tới nơi an toàn.