(ĐCSVN) - Theo chuyên gia kinh tế Mỹ Ma-tin Phen-xtên dự báo, trong những tháng tới, Chính phủ Trung Quốc có thể sẽ để tỷ giá đồng Nhân dân tệ (NDT) tăng nhanh hơn đồng USD so với năm vừa qua. Trong thời kỳ khủng hoảng tài chính, tỷ giá chuyển đổi bị đóng băng, nhưng từ mùa hè năm 2010 lại được nới lỏng. Trong 12 tháng qua, giá trị đồng NDT tăng 6% so với đồng USD.
Khi đồng NDT tăng giá nhanh, xuất khẩu của Trung Quốc sẽ giảm và nhập khẩu sẽ tăng lên. Đây là cơ hội để các nước châu Á khác đẩy mạnh xuất khẩu. Khi đó, các nước láng giềng sẽ được lợi còn doanh nghiệp Trung Quốc bị ảnh hưởng. Vậy tại sao Trung Quốc lại chấp nhận tăng giá đồng NDT. Theo chuyên gia Phen-xtên, có hai lý do khiến Trung Quốc thực hiện chính sách này.
Thứ nhất, chính sách này sẽ làm giảm rủi ro đối với khối tài sản của Trung Quốc. Bắc Kinh hiện nắm giữ lượng trái phiếu Chính phủ Mỹ và nhiều chứng từ có giá khác của nước ngoài trị giá hơn 3 nghìn tỷ USD. Trung Quốc đang đứng trước hai nguy cơ rõ rệt: lạm phát ở Mỹ, châu Âu; sự mất giá của đồng USD so với đồng Ơ-rô cũng như các đồng tiền khác.
Lạm phát ở Mỹ hay châu Âu làm giảm giá trị của trái phiếu dựa trên đồng USD hay đồng Ơ-rô. Ngay cả khi lạm phát ở Mỹ không tăng, nhưng đồng USD mất giá so với đồng Ơ-rô hay các ngoại tệ khác thì cũng làm giảm sức mạnh của đồng USD khi mua các sản phẩm của châu Âu hay các nước khác. Năm ngoái, sau khi đồng USD mất giá 10% so với đồng Ơ-rô (và giảm nhiều hơn nữa so với các ngoại tệ khác) thì sự lo ngại của Trung Quốc là có cơ sở. Khả năng duy nhất của Trung Quốc để giảm rủi ro nào là giảm khối lượng chứng từ có giá của mình bằng ngoại tệ.
Thứ hai, chính sách này có thể giúp Trung Quốc giảm lạm phát trong nước. Đồng NDT mạnh sẽ làm cho hàng hóa nhập khẩu rẻ hơn và có lợi cho người tiêu dùng. Tuy rằng giá một thùng dầu vẫn ở mức 90 USD, nhưng do tỷ giá chuyển đổi đồng NDT so với đồng USD tăng 10% nên giá dầu bằng đồng NDT cũng sẽ giảm 10% đối với người tiêu dùng Trung Quốc.
Giá nhập khẩu giảm rất có ý nghĩa với Trung Quốc vì đây là nước phải nhập khẩu nhiều loại hàng tiêu dùng, máy móc, thiết bị cũng như nguyên liệu. Hàng năm, nhập khẩu của Trung Quốc trị giá 1,4 nghìn tỷ USD, gần bằng 40% so với tổng sản phẩm quốc nội.
Theo giới phân tích, trong tương lai, điều này còn có ý nghĩa lớn hơn vì Trung Quốc chủ trương kích cầu trong nước, đặc biệt là khuyến khích các hộ gia đình đẩy mạnh tiêu dùng. Một trong những mục tiêu chính của kế hoạch 5 năm lần thứ 12 là gia tăng thu nhập cũng như tăng chi dùng của các hộ gia đình nhanh hơn tăng trưởng GDP.
Trong tình hình xuất khẩu như hiện nay, việc tăng tiêu dùng của các hộ gia đình sẽ dẫn đến tăng nhanh giá hàng hóa sản xuất trong nước. Như vậy, để kích thích tiêu dùng thì phải giảm xuất khẩu - một trong những biện pháp được áp dụng là tăng giá trị đồng NDT.