Tái thiết Li-bi - nhiệm vụ không dễ dàng

Thứ tư, 14/09/2011 16:08

Sau khi lực lượng đối lập chiếm được thủ đô Tri-pô-li, việc thực hiện hình thành chính quyền mới như thế nào đang trở thành vấn đề quan trọng hàng đầu đặt ra cho Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp (NTC) ở Li-bi. Cho dù NTC đã và đang nhận được sự trợ giúp không nhỏ từ bên ngoài, nhưng bài học từ I-rắc, Áp-ga-ni-xtan vẫn đang "nóng hổi". Thực tế cho thấy, để thành công, người dân Li-bi phải làm chủ vận mệnh của mình.

Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc V.Tru-rơ-kin (V.Churkin), trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Nga Rossiya-24, cho biết, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng sẽ bãi bỏ các lệnh trừng phạt Li-bi trong tuần sau. Theo ông Tru-rơ-kin, các nước đã bắt đầu xem xét một nghị quyết mới nhằm dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Li-bi theo tinh thần các nghị quyết trước đây. Nghị quyết mới này cũng có thể đề cập việc thành lập một hệ thống chính trị mới và tổ chức tổng tuyển cử cũng như cơ chế thúc đẩy dân chủ và giải quyết xung đột giữa các phe phái ở Li-bi.

Trung Quốc cũng đã khẳng định sẽ hợp tác với NTC. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mã Triều Húc nêu rõ, Trung Quốc tôn trọng sự lựa chọn của nhân dân Li-bi, đồng thời coi trọng địa vị và vai trò của NTC. Tuyên bố khẳng định, Bắc Kinh sẽ hợp tác với NTC để quá trình quá độ diễn ra thuận lợi và phát triển các mối quan hệ song phương. Trung Quốc hy vọng, tất cả mọi hiệp định và thỏa thuận trước đây giữa hai nước sẽ được tiếp tục có hiệu lực và thực hiện một cách nghiêm túc.

Sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế là sự thuận lợi của NTC. Mặc dù vậy, các chuyên gia đã đánh giá rằng, hiện tại Li-bi vẫn sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, chủ yếu đến từ trong nước. Trước hết, đó là những vấn đề chính trị nội bộ. Tình trạng phân hóa nội bộ của các phe phái trong lực lượng đối lập đang xuất hiện có thể trầm trọng hơn do những tranh chấp quyền lực lãnh đạo đất nước. Có thể thấy rõ, NTC chưa giành được sự ủng hộ tuyệt đối từ người dân và các phe phái, bộ tộc trong nước. Tại Li-bi vẫn còn nhiều nhánh quyền lực khác cũng đấu tranh vì mục tiêu của riêng mình.

Căng thẳng chính trị nội bộ, mà theo đánh giá khó có thể kết thúc trong một sớm một chiều, đang và sẽ dẫn tới những bất ổn an ninh ở Li-bi. Trong bối cảnh “tranh tối, tranh sáng”, các thế lực khủng bố có gốc từ các nhóm Hồi giáo cực đoan sẽ nhân cơ hội phát triển lực lượng và tổ chức các hành động khủng bố. Theo Cục tình báo Trung ương Mỹ, một số vũ khí hủy diệt hàng loạt như tên lửa tầm trung và xa ở Li-bi đã rơi vào tay khủng bố. Trong khi đó, tình trạng tội phạm và các hoạt động phạm tội như cướp của, trộm cắp, lừa đảo, buôn bán ma túy, vũ khí… cũng gia tăng. Trong bối cảnh NTC chưa có một nhân vật lãnh đạo có đủ uy tín, kinh nghiệm điều hành đất nước, chưa có hệ thống luật pháp và các cơ quan thi hành pháp luật mới, bất ổn an ninh đang là thách thức thực sự đối với công cuộc tái thiết một nước Li-bi mới. Điều này nếu không giải quyết tốt sẽ lặp lại “vết xe đổ” I-rắc và Áp-ga-ni-xtan.

Một trong những vấn đề được đánh giá là nguyên nhân của mọi khó khăn chính là tình trạng trì trệ của nền kinh tế. Sau nhiều năm bị cấm vận, nền kinh tế Li-bi đã trở nên lạc hậu và phụ thuộc chủ yếu vào việc xuất khẩu dầu mỏ. Tình trạng khó khăn về kinh tế đẩy Li-bi tới cuộc khủng hoảng về nhân đạo, cho dù chưa ở mức báo động, nhưng nó có thể xảy ra nếu sự lãnh đạo của hệ thống chính trị mới không đi đúng hướng.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực