(ĐCSVN) - Đó là đánh giá mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) về tốc độ tăng kinh tế của khu vực Đông Á. WB nhận định, tăng trưởng GDP thực tế sẽ ở mức khoảng 8% trong hai năm 2011 và 2012, giảm so với mức 9,6% trong năm 2010.
Tốc độ tăng trưởng GDP ở Đông Á đã trở lại mức vừa phải sau khi hồi phục mạnh từ cuộc khủng hoảng toàn cầu. Tăng trưởng chậm của khu vực kể từ giữa năm 2010, mặc dù thấp hơn mức dự kiến, đã xảy ra dù các quốc gia có thu nhập cao phục hồi nhanh hơn dự kiến và việc cắt giảm các gói kích thích tiền tệ và tài chính trong khu vực được tiến hành từ từ.
Theo WB, lạm phát đã trở thành thách thức ngắn hạn chính đối với các nước trong khu vực và bị phức tạp hóa bởi sự tăng vọt trong dòng vốn đầu tư vào và giá cả thực phẩm và hàng hóa tăng nhanh, đặc biệt gây khó khăn cho các hộ gia đình thu nhập thấp. Chấn động về giá cả đang ảnh hưởng đến lạm phát cơ bản, có thể gây ra hiện tượng tăng xoắn ốc lương – giá. Các ngân hàng trung ương khu vực Đông Á đã thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ một cách thận trọng vì lo ngại trước đó về tính bền vững của sự phát triển toàn cầu với kỳ vọng việc tăng giá lương thực và nhiên liệu có thể là tạm thời, cũng như lo lắng rằng tỷ lệ lãi suất cao hơn sẽ thúc đẩy các nguồn vốn vào nhạy cảm với lãi suất.
Theo WB, nhiều quốc gia thu nhập trung bình Đông Á, lựa chọn chính sách giảm lạm phát còn khó khăn. Hầu hết các nước tránh việc kiểm soát vốn và cho phép tăng tỷ giá hối đoái để chống nhập khẩu lạm phát, nhưng lại gây rủi ro cho khả năng cạnh tranh quốc tế. Và sự độc lập của chính sách tiền tệ một phần bị hạn chế bởi các tài khoản vốn mở. Điều này đặt gánh nặng điều chỉnh lên chính sách tài khóa với thách thức là giảm thâm hụt nhanh hơn nhưng đồng thời phải tạo ra nguồn tài chính cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai và đảm bảo các khoản đầu tư xã hội cần thiết và trợ cấp tiền mặt cho người nghèo.
Giá cả hàng hóa tăng mạnh báo trước biến động kinh tế trong tương lai gần. Giá tất cả các loại hàng hóa đang theo chiều hướng tăng lên, và giá một số mặt hàng đã lên mức cao nhất hoặc hoặc vượt quá mức của 2 năm trước đây. Những diễn biến giá mới nhất tiếp tục xu hướng tăng giá thưc của hàng hóa, liên tục bắt đầu từ đầu thập kỷ, ngược lại với xu hướng đi xuống kéo dài cả thập kỉ 90. Chính phủ các nước trong khu vực nên đặt ưu tiên cho các chính sách nhằm tạo điều kiện ưu đãi và bảo đảm đầu tư cần thiết để giúp phát triển nguồn năng lượng mới và xanh hơn, đặc biệt các nguồn năng lượng với lượng khí thải carbon thấp và hiệu quả cao hơn.
Về trung hạn, Đông Á có tiềm năng tăng mức sống cho người dân một cách vững chắc ngay cả khi kinh tế toàn cầu bước vào giai đoạn nhiều thử thách hơn. Không giống như đặc trưng thời kỳ phát triển của Tây Âu, Nhật Bản và các nền kinh tế mới sau Thế chiến II bao gồm tỷ giá hối đoái ổn định và các tài khoản vốn đóng, tương lai dường như sẽ là biến động gia tăng của giá hàng hóa, các dòng vốn, và tỷ giá hối đoái. Nếu dựa vào lịch sử thì sau một đợt tăng trưởng tiền tệ liên tục tại các nước có thu nhập cao thường xảy ra lạm phát toàn cầu, lãi suất danh nghĩa cao và bất ổn kinh tế. Nếu kịch bản này xảy ra, và hoàn toàn có khả năng như vậy, thì nó sẽ là phép thử sự quyết tâm của các chính phủ Đông Á và sẽ làm giảm số lựa chọn chính sách nhằm duy trì tăng trưởng nhanh và bền vững tại các quốc gia này.
WB cho rằng, Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu và đứng đầu trong lĩnh vực xuất khẩu và chế tạo, sẽ vẫn là nguồn cầu mạnh mẽ cho các nhà sản xuất Đông Á trong tương lai gần. Xu hướng tăng thương mại nội khu với Trung Quốc là địa điểm tiêu dùng cuối lớn đối với các sản phẩm của khu vực vẫn tiếp diễn. Triển vọng tăng trưởng cao của Trung Quốc có ý nghĩa tích cực với các mạng lưới sản xuất toàn cầu và khu vực mà các nước trong khu vực đang ngày càng tích cực tham gia. Tiền lương tăng ở vùng ven biển Trung Quốc đang buộc các công ty ở đó hoặc là di chuyển lên chuỗi giá trị cao hơn, chuyển hoạt động vào nội địa hoặc chuyển sang các nước láng giềng có thu nhập thấp (và đôi khi chuyển sang các vùng có thu nhập thấp tại nước láng giềng có thu nhập trung bình). Với việc Trung Quốc đang mạnh mẽ triển khai dự trữ ngoại hối, dòng chảy vốn vào khu vực có thể tăng lên đáng kể. Hội nhập khu vực chặt chẽ hơn sẽ đảm bảo rằng những xu hướng này sẽ tiếp tục đẩy mạnh khả năng cạnh tranh quốc tế của các quốc gia Đông Á đang phát triển đồng thời vẫn tạo ra một động lực phát triển ít phụ thuộc hơn vào các nước có thu nhập cao nhưng lại tốc độ tăng trưởng lại chậm.
WB cũng cảnh báo, tuy các nước Đông Á tiếp tục đạt được tốc độ tăng trưởng cao, nhưng bất bình đẳng vẫn sẽ là một lo ngại lớn, thách thức sự ổn định xã hội trong tương lai. Một nhân tố góp phần gia tăng bất bình đẳng là quá trình toàn cầu hóa mạnh mẽ, làm nới rộng khoảng cách thu nhập do kỹ năng – một hiện tượng thường thấy trên toàn thế giới. Một nhân tố khác gia tăng sự bất bình đẳng là quá trình đô thị hóa nhanh chóng, mặc dù có góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng nhưng đồng thời lại bỏ qua những khu vực vốn tụt hậu. WB cho rằng, các nền kinh tế cần áp dụng những chính sách hướng tới việc đảm bảo bất bình đẳng không gây ra nguy cơ giảm tiềm năng tăng trưởng, đó là: đảm bảo tiếp cận giáo dục bình đẳng cho mọi người; cải thiện sự kết nối giữa các khu vực phát triển và khu vực tụt hậu; mở rộng các dịch vụ xã hội có mục tiêu.
WB khuyến cáo thêm, một phần ba mức tăng trưởng bình quân đầu người tại Đông Á trong nửa thế kỷ qua là do thuận lợi nhân khẩu học. Tuy nhiên, trong tương lai, dân số già đi nhanh chóng sẽ làm chậm tốc độ tăng trưởng tại các nền kinh tế của Đông Á trừ khi hiện tượng này được giải quyết bằng tăng năng suất lao động, đầu tư cố định lớn hơn, sự tham gia nhiều hơn của lao động nữ, tuổi làm việc lâu hơn và các điều chỉnh chính sách để khuyến khích năng suất và giúp kiềm chế chi phí tài chính liên quan đến dân số lão hóa. Không một quốc gia nào phát triển đến mức thu nhập trung bình mà không trải qua quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa. Các thành phố tại Đông Á đã giúp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nhưng tiềm năng của các thành phố này như là nguồn sáng tạo và năng suất lao động cao vẫn chưa được khai thác hết. Các thành phố này sẽ cần phải trở thành nơi thực sự tinh luyện quá trình đổi mới thông qua việc khai thác sự tập trung các công ty và công nhân của họ, và là nơi trao đổi kiến thức cũng như cung cấp vốn cho các dự án sáng tạo cho dù có rủi ro.
WB cũng đưa ra những ý kiến riêng về phát triển bền vững. Theo WB, rủi ro biến đổi khí hậu và thiên tai phức tạp hóa mục tiêu tăng trưởng nhanh liên tục của Đông Á. Một mặt, cần phải kiểm soát mức độ carbon của khu vực này. WB nhấn mạnh, đây là phần cốt lõi của của chiến lược giảm thiểu phát thải carbon. WB khuyến cáo, các nước cần phải học cách thích ứng với những hậu quả của biến đổi khí hậu – một chiến lược thích ứng. Không nơi nào mà việc thông qua và thực hiện một chiến lược thích ứng lại quan trọng hơn ở các trung tâm đô thị của Đông Á, nơi tập trung một phần ngày càng tăng dây chuyền sản xuất và dân số. Quá trình tập trung này đang chịu sự đe dọa nghiêm trọng của thời tiết khắc nghiệt, mực nước biển tăng và các mối nguy hiểm tự nhiên khác – trong đó có một số mối nguy hiểm tự nhiên khác không liên quan đến khí hậu, chẳng hạn như động đất. Tuy nhiên, không phải tất cả các mối nguy hiểm tự nhiên đều tự động dẫn đến mất mát nghiêm trọng về người và tài sản. Trận động đất bi thảm gần đây ở Nhật Bản với cường độ mạnh nhất trong lịch sử 9 độ Richer và cơn sóng thần sau đó cho thấy sự nguy hiểm từ các hiểm họa thiên nhiên. Đây là vấn đề đặt ra cho các quốc gia có phương án để đảm bảo có các biện pháp ứng phó trong trường hợp khẩn cấp…