Thách thức mới của châu Âu

Thứ tư, 25/04/2012 19:36

(ĐCSVN) - Cơn bão nợ công ở châu Âu mới  tạm lắng trong ít tuần qua đang có nguy cơ trở lại và lan rộng hơn. .Tuy nhiên, đáng lo ngại hơn là khi “bão nợ” chưa tan, thì một cơn “bão niềm tin” nổi lên với việc người dân đang tẩy chay chính sách kinh tế khắc khổ quyết liệt hơn, đặt các chính khách, chính phủ và số phận đồng Euro trước những thách thức mới.

Nợ công và hiệu ứng domino ở châu Âu (Ảnh IT)


Sau một thời kỳ “vung tay quá trán”, hầu hết những quốc gia có máu mặt ở châu Âu như: Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italy, Hy Lạp...đều “nợ như Chúa Chổm”. Và, lựa chọn duy nhất để tránh rơi xuống vực thẳm vỡ nợ là thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng”, giảm chi tiêu công, bớt các chi phí phúc lợi xã hội...Theo đó, người dân buộc phải san sẻ gánh nặng với chính phủ với hy vọng, các biện pháp kinh tế khắc khổ sẽ sớm giúp họ thoát khỏi vũng lầy khủng hoảng. Tuy nhiên, thực tế đang cho thấy các biện pháp thắt chặt chi tiêu phát huy hiệu quả không đáng kể. Niềm tin của người dân về việc tìm thấy “ánh sáng cuối đường hầm” đang cạn kiệt.

Người dân châu Âu đang “quay lưng” với chính sách kinh tế khắc khổ trong bối cảnh, dù họ đã oằn lưng gánh nợ, nhưng nợ công của ccác nước trong khu vực vẫn cao, thậm chí còn tăng lên tại một số nước. Số liệu chính thức EU vừa công bố tuần này cho thấy, nợ của 17 nước thuộc Eurozone đã tăng lên mức 87,2% GDP, mức cao nhất kể từ năm 1999. Hy Lạp dù đã nhiều lần được “hà hơi tiếp sức” song vẫn dẫn đầu danh sách nợ công với tổng nợ bằng 165,3%. Italy là nước có tỷ lệ nợ/GDP cao thứ 2 (120,1%), trong khi tỷ lệ ở Tây Ban Nha tăng nhẹ từ 61,2% lên 68,5%. Bên cạnh đó, Ngân hàng Thế giới vừa cảnh báo rằng, do mối quan hệ kinh tế khá mật thiết với Eurozone, các nền kinh tế đang phát triển của châu Âu cũng đang đối mặt nguy cơ vỡ nợ...

Ở châu Âu, làn sóng biểu tình phản đối chính sách “thắt lưng buộc bụng” đã bùng phát mạnh từ nhiều tháng qua. Tuy nhiên, nếu nhìn vào “bức tranh chính trị” châu Âu tuần qua, có thể thấy “khủng hoảng niềm tin” đã lên cao độ.
 
Trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vòng 1, hôm 22/4, ông Sarkozy dù là nhà lãnh đạo chính trị quan trọng thứ hai trong Eurozone, song chỉ giành được hơn 1/4 số phiếu, thấp hơn đối thủ chính của đảng Xã hội François Hollande và rất có sẽ thua Hollande tới 8% số điểm trong vòng 2 của cuộc bầu cử diễn ra vào ngày 6/5 tới. Một trong những lý do chính khiến dân Pháp giảm ủng hộ đối với Sarkozy là trong cương lĩnh tranh cử, ông đã cam kết mạnh mẽ về việc cứu đồng Euro (EUR) và chi tiêu tiết kiệm. Trái với Sarkozy, François Hollande được lòng cử tri bởi ông từ chối thực thi chính sách “thắt lưng buộc bụng”; để giảm thâm hụt ngân sách, ông ủng hộ biện pháp tăng thuế nhiều hơn so với cắt giảm chi tiêu.

Trong khi đó tại Hà Lan, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte ngày 23/4 đã phải đệ đơn từ chức của chính phủ lên Nữ hoàng Beatrix, sau khi các cuộc đàm phán giữa ba đảng chủ chốt ở nước này về các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" đổ vỡ. Việc Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy thất thế và chính phủ Hà Lan phải đệ đơn từ chức vì không giải được “bài toán ngân sách”, là tiếng chuông cảnh tỉnh giới lãnh đạo ở châu Âu về việc các chính khách, chính phủ chủ trương “thắt chặt hầu bao” đều bị tẩy chay.

Một điều đáng lo ngại nữa với Eurozone là số phận đồng EUR đang rất mong manh. Trong bối cảnh hiện nay, hầu hết các quốc gia trong khối này không còn mặn mà với việc cứu đồng EUR và điều này được người dân ủng hộ. Bà Marine Le Pen, ứng cử viên của đảng Mặt trận Quốc gia tại Pháp đã giành được tới 18% số phiếu bầu trong cuộc bầu cử Tổng thống cuối tuần qua, nhờ chủ trương từ bỏ đồng EUR và khôi phục đồng tiền quốc gia. Giới quan sát đang lo ngại rằng, một khi ông Sarkozy thất bại, tới đây, “bộ đôi quyền lực” Merkel – Sarkozy không còn nữa, việc hợp tác trong Eurozone chống khủng hoảng nợ và bảo vệ sự tồn tại của đồng Euro sẽ gặp nhiều thách thức.

Tương lai nào cho đồng Euro nói riêng, kinh tế Eurozone và EU nói chung là vấn đề đã được đặt ra nhiều lần kể từ khi “bão” nợ công nổi lên và tàn phá khu vực này từ năm 2008. Tuy nhiên, ở thời điểm này, khi một loạt thách thức cũ chưa giải quyết, thách thức mới xuất hiện, vấn đề nêu trên một lần nữa lại là chủ đề “nóng”.

Từ sau chiến tranh thế giới thứ 2 đến nay, châu Âu từ chiến trường đã trở thành thị trường thịnh vượng. Nước Đức đã dẫn dắt Tây Âu thực hiện “kinh tế thị trường xã hội”, trên cơ sở phát triển "Học thuyết Keynes", thực thi chính sách “nhà nước phúc lợi”, khiến Tây Âu giàu mạnh. Đầu những năm 80, "Học thuyết Keynes" được thay bằng “Chủ nghĩa tự do mới” theo mô hình Anh, Mỹ. Châu Âu vẫn thịnh vượng, song đến thời điểm này, mô hình kinh tế theo Chủ nghĩa tự do mới đã bộc lộ hàng loạt bất cập. Và, giờ là lúc các nhà lãnh đạo châu Âu cần phải tìm ra lý thuyết và mô hình phát triển mới để dẫn dắt khu vực thoát ra khỏi vũng lầy khủng hoảng, tiếp tục hành trình nhất thể hóa châu Âu.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực