Thách thức trên chiến trường Áp-ga-ni-xtan

Thứ sáu, 12/08/2011 10:16

(ĐCSVN) - Cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ và phương Tây phát động trong gần 10 năm qua tại Áp-ga-ni-xtan đã bước vào giai đoạn mới. Quá trình chuyển giao quyền kiểm soát an ninh từ Lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế tại Áp-ga-ni-xtan (ISAF) do NATO cầm đầu cho các lực lượng Áp-ga-ni-xtan đã và đang được xúc tiến. Tuy nhiên, tình hình an ninh ở Áp-ga-ni-xtan còn nhiều bất ổn.

Cuối tháng 7/2011, các lực lượng Áp-ga-ni-xtan tiếp nhận từ ISAF quyền kiểm soát an ninh tại 7 khu vực, gồm 3 tỉnh và 4 thành phố. Quá trình chuyển giao quyền kiểm soát an ninh diễn ra đồng thời với việc Mỹ và nhiều nước bắt đầu rút quân khỏi chiến trường này; Đã có khoảng 1.500 quân Mỹ đầu tiên rời khỏi Áp-ga-ni-xtan. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc tình hình an ninh ở Áp-ga-ni-xtan đã ổn định. Sáu tháng đầu năm 2011, các vụ bạo lực ở nước này đã làm thiệt mạng 1.462 dân thường, tăng 15% so cùng kỳ năm 2010.

Bên cạnh đó, lực lượng Ta-li-ban tiếp tục mở hàng loạt vụ tiến công ở khắp mọi nơi, thậm chí ngay tại Thủ đô Ca-bun, làm hàng chục người chết, trong đó có cả các quan chức cấp cao của chính quyền Áp-ga-ni-xtan. Trong chưa đầy một tuần, Ta-li-ban đã thực hiện 2 vụ tiến công ám sát ngay tại nhà riêng làm ông A.Ca-dai, em trai Tổng thống Áp-ga-ni-xtan, người đứng đầu hội đồng tỉnh Can-đa-ha và nghị sỹ G.M.Khan, cố vấn của Tổng thống Áp-ga-ni-xtan, cựu Tỉnh trưởng tỉnh U-ru-gan bị thiệt mạng. Cuộc chiến kéo dài gần 10 năm qua ở Áp-ga-ni-xtan đã làm ít nhất 1.560 quân Mỹ thiệt mạng, hơn 12.000 quân bị thương và tiêu tốn gần 1.000 tỷ USD. Cuộc chiến tại Áp-ga-ni-xtan cũng khiến chính quyền Mỹ bị dư luận trong nước chỉ trích và cảnh báo, Mỹ sẽ ngày càng lún sâu vào bãi lầy này.

Trước sức ép đòi giảm chi ngân sách trong khi cuộc chạy đua vào Nhà trắng năm 2012 đang đến gần, Tổng thống Ô-ba-ma buộc phải tuyên bố rút dần binh sỹ Mỹ khỏi Áp-ga-ni-xtan và chấp nhận đàm phán với Ta-li-ban để tìm kiếm một giải pháp chính trị. Theo kế hoạch này, khoảng 10.000 quân Mỹ sẽ rút khỏi Áp-ga-ni-xtan trong năm 2011 và khoảng 23.000 quân sẽ về nước vào mùa hè năm 2012. Toàn bộ binh sỹ nước ngoài, gồm hơn 140.000 quân đang đồn trú trên lãnh thổ Áp-ga-ni-xtan, sẽ rút khỏi nước này vào năm 2014. Theo kế hoạch của Tổng thống Ô-ba-ma, Mỹ sẽ rút 33.000 quân từ nay đến cuối mùa thu năm 2012, tức là 2 tháng trước khi các cử tri Mỹ quyết định liệu ông có tiếp tục tại nhiệm hay không. Như vậy, phần lớn lực lượng chiến đấu của Mỹ sẽ rút khỏi Áp-ga-ni-xtan trong mùa tác chiến 2012 và điều đó sẽ gây nhiều khó khăn cho việc bảo đảm an ninh ở Áp-ga-ni-xtan.

Nhiều thượng nghị sỹ và tướng lĩnh Mỹ nghi ngại về kế hoạch rút quân của Tổng thống Ô-ba-ma, cho rằng, việc rút quân này nhằm mục đích chính trị nhiều hơn là căn cứ tình hình thực tế. Nhiệm vụ ổn định an ninh tại Áp-ga-ni-xtan rất cần có sự hợp tác tích cực của Pa-ki-xtan, một đồng minh quan trọng của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố ở Nam Á. Sự tham gia đầy đủ của Pa-ki-xtan sẽ tác động hết sức quan trọng đến thành công tại Áp-ga-ni-xtan. Tuy nhiên, khó khăn lại gia tăng khi quan hệ Mỹ - Pa-ki-xtan gần đây rơi vào tình trạng “lạnh nhạt”. I-xla-ma-bát chỉ trích Oa-sinh-tơn đã “vi phạm chủ quyền lãnh thổ” và “can thiệp công việc nội bộ” của nước này. Đáp lại, Oa-sinh-tơn cắt gần 1 tỷ USD viện trợ cho I-xla-ma-bát. Mặt khác, đến nay chưa có dấu hiệu cho thấy Ta-li-ban sẵn sàng thỏa hiệp cho một giải pháp chính trị, thậm chí nhiều nhà quan sát cho rằng, Ta-li-ban đang tìm kiếm vị thế mạnh hơn so với chính quyền Ca-bun trong cuộc đàm phán này.

Trong bối cảnh trên, tướng Mỹ Giôn A-len, Tư lệnh mới của ISAF thừa nhận, ông sẽ phải đối mặt những thách thức lớn tại Áp-ga-ni-xtan, khi mà Ta-li-ban gia tăng hoạt động tại các khu vực do lực lượng địa phương mới tiếp quản. Các nhà quan sát cho rằng, Tướng G.A-len sẽ không dễ dàng vượt qua những khó khăn chồng chất để thực hiện mục tiêu ổn định an ninh tại đất nước Áp-ga- ni-xtan đầy xung đột, một công việc dang dở mà người tiền nhiệm của ông để lại. Những thách thức lớn tại Áp-ga-ni-xtan liên quan vấn đề bảo đảm an ninh, sự minh bạch của chính quyền Ca-bun cùng khả năng "tự đứng trên đôi chân của mình", cũng như triển vọng của cuộc đối thoại chính trị với Ta-li-ban và sự tham gia tích cực của Pa-ki-xtan trong cuộc chiến chống khủng bố...vẫn là những câu hỏi chưa có câu trả lời.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực