(ĐCSVN) - Thủ tướng Yingluck Shinawatra và nội các Thái Lan đón chào năm thứ hai cầm quyền khi hiểm hoạ chia rẽ và bất ổn đang dần bị đẩy lùi, kinh tế, chính trị, xã hội ở đất nước Chùa Vàng dần đi vào ổn định với những tín hiệu lạc quan.
|
Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra thị sát tình hình lũ lụt hồi tháng 8/2011 (Ảnh IT) . |
Cách đây một năm, bà Yingluck Shinawatra, 44 tuổi, Nghị sĩ thuộc đảng Vì nước Thái (Puea Thai) chính thức trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của Vương quốc Thái Lan. Nữ doanh nhân đã trải qua nhiều thử thách trên thương trường nhưng trở thành người đứng đầu chính phủ trong bối cảnh đất nước đang bị chia rẽ, bất ổn sâu sắc và một loạt những loạt thách thức khác là điều hoàn toàn mới mẻ.
Khác với những người tiền nhiệm, bà Yingluck Shinawatra được đánh giá như một thủ lĩnh chính trị thiếu kinh nghiệm chính trường. Tuy nhiên, một năm cầm quyền vừa qua của vị nữ Thủ tướng đã chứng minh cho các đối thủ chính trị bản lĩnh bình tĩnh và sự mềm dẻo trước nhiều tình huống chính trị phức tạp. "Quyền lực mềm" mà nữ Thủ tướng Thái Lan đang áp dụng đã đem lại những kết quả đầy hứa hẹn cho ba năm còn lại trong nhiệm kỳ đầy khó khăn, bất trắc của bà.
Việc triển khai một loạt chính sách về kinh tế, an sinh xã hội như từng cam kết lúc tranh cử gồm: chính sách tăng tiền công tối thiểu 300 Baht một ngày; chính sách thu mua thóc gạo và nông sản của nông dân; đẩy mạnh chiến dịch bài trừ ma túy; nỗ lực trong việc phòng chống lũ lụt và đền bù thiệt hại cho người dân gặp nạn... đang từng bước phát huy hiệu quả, góp phần cải thiện đời sống của tầng lớp nông dân nghèo cũng như giải quyết các vấn đề bức xúc trong xã hội Thái Lan.
Để đối phó với cơn bão khủng hoảng nợ công đến từ khu vực đồng tiền chung châu Âu – thị trường xuất khẩu to lớn của Thái Lan - Chính phủ Thái Lan đã có những quyết sách khá đúng đắn và kịp thời. Chính phủ Thái Lan đã chỉ thị cho các cơ quan hữu quan tìm kiếm thêm các thị trường xuất khẩu mới như ASEAN, Trung Đông và Đông Á để thay thế thị trường châu Âu, giảm thiểu được những tác động từ cuộc khủng hoảng nợ này. Tăng trưởng kinh tế Thái Lan được dự báo đạt 3,1% trong quý II năm nay – sẽ là mức cao nhất kể từ trận lũ lụt lịch sử năm ngoái, nhờ những biện pháp hỗ trợ tích cực từ nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra.
Dù vấp phải sự chỉ trích mạnh từ các đảng đối lập khi chậm trễ ứng phó với trận lũ lụt lịch sử kéo dài suốt 3 tháng cuối năm ngoái khiến hàng trăm người thiệt mạng, gây thiệt hại cho nền kinh tế Thái Lan hơn 3,3 tỷ USD, nhưng những chính sách được triển khai thực hiện sau đó đã cho thấy khả năng điều hành đất nước linh hoạt của bà Yingluck Shinawatra. Chính phủ Thái Lan quyết định gia hạn ưu đãi thuế đối với những doanh nghiệp bị thiệt hại tới cuối năm 2012. Điều đó như một liều thuốc hiệu nghiệm đã giúp doanh nghiệp hồi sinh, kéo theo cả nền kinh tế.
Tổng sản phẩm quốc nội GDP quýI/2012 của Thái Lan tăng 0,3%. Tuy nhỏ nhoi, nhưng đây là một con số cực kỳ có ý nghĩa và có vai trò quan trọng trong lịch sử phát triển kinh tế của Thái Lan. Sau trận lũ lụt nghiêm trọng nhất trong 70 năm, kinh tế Thái Lan quý 4/2011 tăng trưởng -10,8%. Sau khi lũ rút, Chính phủ mới và nhân dân Thái Lan đã chung sức chung lòng, dốc sức khôi phục sản xuất và đã thu được thành quả rõ rệt. Từ tăng trưởng -10,8% của quý 4/2011 đến tăng trưởng 0,3% của quý I năm nay, kinh tế Thái Lan thực tế tăng trưởng 11,1%. Lũ lụt hoành hành trên diện rộng và gây thiệt hại to lớn cũng như tốc độ phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế sau thiên tai đều là chưa từng có trong lịch sử Thái Lan. Đó là một kỳ tích.
Bước vào quý II/2012, kinh tế Thái Lan tiếp tục thể hiện đà phục hồi nhanh chóng. Theo dự báo của cơ quan hữu quan và nhiều ngân hàng Thái Lan, tăng trưởng kinh tế của Thái Lan sẽ đạt 5% trong quý III và 7% trong quý IV. Dự kiến tốc độ tăng trưởng GDP năm 2012 của Thái Lan đạt mức 5-6%, tỷ lệ lạm phát được duy trì ở mức thấp, khoảng 3,5% và tỷ lệ thất nghiệp cũng thấp, chỉ khoảng 1%.
Nhiều tỷ phú châu Á sau một thời gian tiếp xúc với bà Yingluck Shinawatra, đều cho rằng, Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã thổi một luồng sinh khí mới cho nền kinh tế lớn hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á sau thảm họa thiên tai. Tìm hiểu các giải pháp khôi phục lòng tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhiều chính trị gia trong khu vực và trên thế giới đánh giá rằng, nữ Thủ tướng Thái Lan chính là đại diện cho quyền lực mềm của nước này.
Việc duy trì sự ổn định của đồng Baht đã góp phần trợ giúp các nhà xuất khẩu và đảm bảo vấn đề lạm phát cũng như giá cả hàng hóa sẽ không quá cao. Hiện tại, tỷ giá ngoại tệ ở Thái Lan tương đối ổn định và sẽ không phải là nhân tố dẫn tới sức ép lạm phát. Các khoản chi tiêu của chính phủ đạt hiệu quả, thúc đẩy tiêu dùng nội địa và tăng cường lĩnh vực đầu tư tư nhân. Đồng Baht giữ được mục tiêu ổn định giá trị so với đồng USD, thậm chí 12 tháng qua, dữ liệu cho thấy tỉ giá Baht/USD đã giảm 5%. Bộ trưởng Tài chính nước này không giấu giếm ý định sẽ tiếp tục hạ giá đồng Baht để tạo điều kiện thuận lợi cho mũi nhọn xuất khẩu.
Doanh số bán xe tại thị trường ô tô Thái lan tăng 76% trong tháng 6, trong khi sản lượng tăng 34%, lên 205.600 xe - mức cao nhất trong 50 năm qua. Tính chung nửa đầu năm 2012, sản lượng ô tô xuất xưởng tại nước này đạt 2,2 triệu chiếc - một con số đáng mơ ước với nhiều nền kinh tế lớn. Sự phình nở này thậm chí bắt đầu rung lên hồi chuông cảnh báo với những thị trường ô tô hàng đầu thế giới về một khả năng đổi ngôi trong tương lai không xa.
Mới đây, Tổng Thư ký Hội đồng Kinh tế - Xã hội Thái Lan tuyên bố, nhờ có sản xuất công nghiệp, tiêu dùng, đầu tư cũng như du lịch đều phục hồi nhanh chóng sau thiên tai, tình hình phát triển kinh tế quý I/2012 của Thái Lan rất đáng mừng, trong đó tiêu dùng tăng 2,7%, đầu tư nhân dân tăng 9,2%, nông nghiệp tăng 2,8%, sản xuất công nghiệp đạt công suất 63%, cao hơn so với 46,3% của quý 4 năm ngoái.
Các kết quả thăm dò mới đây cho thấy, qua một năm cầm quyền, thành quả mà nữ Thủ tướng Yingluck có được là điều đang được cử tri Thái Lan ghi nhận. Sự bình tĩnh, bản lĩnh và mềm dẻo của bà đã đưa đất nước Thái Lan thoát khỏi bất ổn chính trị - một trong những nhân tố quan trọng làm kiềm chế khả năng phát triển kinh tế của Thái Lan. Không những giải quyết xung đột giữa quân đội và chính phủ, hòa giải các bên, bà Yingluck Shinawatra còn lập lại môi trường lành mạnh cho phát triển kinh tế.
Như thế, không có nghĩa những thách thức mà Thủ tướng Yingluck Shinawatra phải đối mặt trong một năm qua là dễ vượt qua. Việc tìm lời giải cho bài toán đẩy nhanh tiến trình sửa đổi Hiến pháp trong bối cảnh còn quá nhiều bất đồng giữa các đảng phái; bạo lực không ngừng gia tăng ở 3 tỉnh miền Nam… đang làm đau đầu các nhà lãnh đạo đảng Puea Thai cầm quyền cũng như Thủ tướng Yingluck.
Bộ Thương mại Thái Lan mới đây cho biết, dù đã áp dụng các biện pháp nhằm giảm ảnh hưởng từ khủng hoảng kinh tế Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone), nhưng từ đầu năm đến hết tháng 6 vừa qua, nước này vẫn nhập siêu hơn 10 tỷ USD.
Riêng về vấn đề bạo lực ở miền Nam, một số tờ báo Thái Lan nhận định, cho đến nay, chính phủ tạm thời đã kiểm soát được tình hình khi chỉ đạo Trung tâm Chỉ huy quản lý các tỉnh miền Nam Thái Lan tăng cường lực lượng cảnh sát bảo vệ an ninh cho nhân dân và ngăn chặn hoạt động gây bạo lực của các nhóm cực đoan ở 3 tỉnh: Yala, Pattani và Narathiwat.
Tuy nhiên, đa số người dân Thái Lan được hỏi vẫn muốn nữ Thủ tướng đầu tiên của đất nước tại vị với hy vọng bà sẽ có nhiều bước đột phá trong chặng đường còn lại. Ba năm tới sẽ là khoảng thời gian đầy thử thách với Thủ tướng Yingluck Shinawatra. Để trụ vững trước không ít sóng gió được dự báo, bà không còn lựa chọn nào khác ngoài giành "điểm tốt" với hai trọng tâm là phát triển kinh tế và hòa giải dân tộc./.
Tấn Vũ