Giải pháp được coi là mấu chốt để Thái Lan có thể ổn định là lựa chọn được các thành viên thích hợp vào nội các mới trên cơ sở hòa hợp dân tộc, tôn trọng lợi ích quốc gia…
Ông Somsak Kiatsuranont vừa được bầu làm Chủ tịch Hạ viện (Quốc hội) Thái Lan, tạo cơ sở pháp lý bầu Thủ tướng và thành lập chính phủ mới. Đây là tiến trình pháp lý quan trọng, mang lại hy vọng về một thời kỳ ổn định, phát triển cho đất nước Chùa Vàng, còn được mệnh danh “đất nước của những nụ cười”.
Đúng một tháng sau cuộc tổng tuyển cử, ngày 2/8/2011, trong phiên họp đầu tiên, Quốc hội mới của Thái Lan đã hoàn tất việc bầu lãnh đạo của cơ quan quyền lực cao nhất, gồm Chủ tịch là ông Somsak Kiasuranont và hai Phó Chủ tịch là ông Charoen Chankomol và ông Wisut Chainarun. Cả ba ông đều thuộc Đảng Puea Thai (Vì nước Thái) của bà Yingluck Shinawatra và đều là nghị sĩ đại diện tại các khu vực đông bắc, bắc Thái Lan. Sau khi được Hoàng gia Thái Lan công nhận, Chủ tịch Somsak Kiasuranont sẽ triệu tập phiên họp thứ hai để bầu thủ tướng mới của nước này.
Theo luật định, Chủ tịch Đảng Puea Thai, bà Yingluck Shinawatra, đảng vừa giành thắng lợi lớn trong cuộc bầu cử ngày 3/7 vừa qua, sẽ được Quốc hội bầu chọn làm Thủ tướng. Khi hầu hết các thành viên cao cấp của Quốc hội đều là thành viên của Đảng Puea Thai, chắc chắn bà Yingluck Shinawatra sẽ được phê chuẩn để trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Thái Lan. Mặc dù, theo luật định, phải nhiều ngày nữa, chính phủ mới được thành lập, nhưng hiện tại, người dân Thái Lan vẫn hy vọng, sau những chiến thắng ngọt ngào của Đảng Puea Thai, bà Yingluck Shinawatra biết sẽ phải làm gì để đưa đất nước ra khỏi những bất ổn, chia rẽ, đã tồn tại trong suốt 6 năm qua.
Bà Yingluck sau buổi bầu chủ tịch hạ viện mới của Thái Lan (ảnh: AFP) |
Thực tế, ngay sau thắng cử, bà đã có những quyết sách khá uyển chuyển và hợp lý, khi công bố những ưu tiên của chính phủ mới gồm: Thúc đẩy hòa giải và đoàn kết dân tộc, quyết định tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm sinh nhật Nhà vua Thái Lan lần thứ 84 vào ngày 5/12/2011, khôi phục kinh tế thông qua giảm giá cả và chi phí sinh hoạt, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy đầu tư, kinh doanh, cải thiện quan hệ quốc tế, chống tham nhũng, đảm bảo công bằng, minh bạch trong điều tra xét xử…
Trong chương trình hành động này, hòa giải đoàn kết dân tộc là mục tiêu khó khăn nhất. Sự chia rẽ chính là nguyên nhân sâu xa khiến Thái Lan rơi vào xung đột chính trị triền miên trong nhiều năm qua. Trong nỗ lực đầu tiên chứng tỏ quyết tâm thực hiện hòa giải, bà Yingluck Shinawatra đã mời 4 đảng khác tham gia thành lập chính phủ liên minh. Theo các nhà phân tích quốc tế, với việc Đảng Puea Thai chỉ giành được số ghế quá bán không nhiều (15 ghế) trong Quốc hội, đây là quyết định sáng suốt, nhằm hạn chế rủi ro đối với sự tồn tại của chính phủ mới, tăng cường được sức mạnh của liên minh cầm quyền tại Quốc hội.
Bà Yingluck Shinawatra đang rất nỗ lực để ổn định tình hình đất nước - như cam kết trong chiến dịch tranh cử. Nhưng từng đấy chưa đủ để hiện thực hóa dự định tốt đẹp đó. Những mục tiêu kinh tế của bà, tương tự như chính sách dân túy của cựu thủ tướng Thaksin - anh trai bà - theo nhiều nhà phân tích sẽ lại tạo mâu thuẫn giữa các khu vực và các tầng lớp xã hội ở Thái Lan việc lãnh đạo trong Quốc hội đều xuất thân từ khu vực đông bắc và bắc Thái Lan - nơi được coi là địa bàn của ông Thaksin, cũng rất dễ gây nên những nghi kỵ, đối kháng trong cơ quan quyền lực này. Bà Yingluck Shinatrawa và nội các mới phải vượt qua được những vật cản đó. Mà nhiệm vụ đầu tiên là bà cần lựa chọn các thành viên thích hợp vào nội các mới trên cơ sở hòa hợp dân tộc, tôn trọng lợi ích quốc gia, có tính đến lợi ích của các lực lượng chính trị.
Đây chính là giải pháp mấu chốt để Thái Lan ổn định. Có như vậy, cam kết của bà Yingluck Shinatrawa về tạo lập giai đoạn mới phát triển ổn định cho đất nước mới trở thành hiện thực, để Thái Lan mãi là “đất nước của những nụ cười”./.