(ĐCSVN) - Giới phân tích kinh tế, chính trị Thái Lan cho rằng, sau khi thành lập Chính phủ mới, Thủ tướng Dinh-lắc và Nội các đã đẩy mạnh thực hiện các chính sách nhằm đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng chính trị và kinh tế kéo dài trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, việc thực hiện 2 chính sách này có thể sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ, nhất là đối với nền kinh tế.
Cuộc khủng hoảng chính trị có thể xảy ra từ sử dụng quyền lực Nhà nước vì quyền lợi của cựu Thủ tướng Thặc-xỉn, cụ thể như việc ông Thặc-xỉn đã được cấp vi sa vào Nhật Bản. Trong khi đó, cuộc khủng hoảng kinh tế có thể xảy ra từ áp dụng các chính sách dàn trải được coi là gánh nặng cho ngân sách Nhà nước và gây ra tình trạng lạm phát cao, cụ thể:
Thứ nhất, Chính sách kinh tế của Chính phủ mới trình Quốc hội đã đưa ra được biện pháp phát triển kinh tế vĩ mô và đối phó với lạm phát, nhưng lại chưa sát với thực trạng kinh tế Thái Lan, bởi các nội dung triển khai ngoài việc không giải quyết được vấn đề lạm phát, mà còn sinh ra nhiều vấn đề khác phá vỡ sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô.
Thứ hai, Ngân hàng Quốc gia Thái Lan đã cảnh báo những tác động từ chính sách “dân túy” của Chính phủ. Trong đó chỉ ra rằng, nợ công của Thái Lan cuối năm 2011 có thể chiếm 44% GDP và tăng lên mức 60% vào cuối năm 2012. Dự báo, Thái Lan sẽ tăng mức nợ công cao hơn khung quy chế tài chính từ năm 2014 trở đi và có khả năng tăng lên gần 70% GDP trong năm 2016. Đây là những dấu hiệu rất đáng lo ngại và nguy hiểm đối với sự ổn định của đất nước, đồng thời tạo ra những tác động mạnh từ việc các nhà đầu tư thiếu niềm tin vào nền tảng tài chính, nhất là bài học từ vấn đề nợ công trầm trọng ở các nước châu Âu hiện nay. Hơn nữa, chính sách kích thích kinh tế của Chính phủ so với thu nhập và chi tiêu của cơ quan này trong thời gian qua đã gây ra nhiều trở ngại đối với sự phát triển kinh tế: Dự án thu mua lúa gạo và các biện pháp giảm giá sinh hoạt; giảm thu tiền vào quỹ xăng dầu; điều chỉnh tiền lương cho cán bộ công chức, tăng tiền cho các cơ quan chính quyền địa phương và các chính sách phúc lợi xã hội như: Điều chỉnh trợ cấp cho người già, người tàn tật; giảm thuế pháp nhân; trả thuế và giảm tiền cho người mua nhà lần đầu hoặc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, dầu mỏ để kìm giá dầu đi-ê-den.
Thứ ba, các đảng phái chính trị phải ý thức được rằng, dù phe nào lên nắm quyền ở Thái Lan cũng phải có chính sách kinh tế đặt lợi ích quốc gia lên trên hết. Do đó, phải luôn quan tâm tới những cảnh báo hoặc đề xuất của các lãnh đạo Nhà nước.
Thứ tư, ngoài các đơn vị Nhà nước, các đơn vị tư nhân cũng bày tỏ những lo ngại không nhỏ đối với những chính sách của Chính phủ mới. Đối với chính sách tăng tiền công tối thiểu 300 Bạt/ngày, nếu được áp dụng sẽ làm cho lạm phát cơ bản tăng lên 2,3% và lạm phát trong nhóm thực phẩm cũng sẽ tăng cao. Dự báo, lạm phát của Thái Lan cuối năm 2012 sẽ vượt mức 5% - đây là nguy cơ đối với nền kinh tế nước này, bởi nó sẽ phá vỡ khung chính sách tài chính mà Ngân hàng Quốc gia đề ra và chắc chắn, lãi suất chính sách sẽ được điều chỉnh lên trong năm 2012. Còn mức giá trong nhóm thực phẩm sẽ có tỷ lệ bằng 1/3 mức giá chung và việc điều chỉnh mức tiền công tối thiểu sẽ tác động mạnh khi so với các nhóm mặt hàng khác, bởi tỷ lệ lạm phát ở nhóm thực phẩm có thể sẽ tăng lên mức 12- 15%, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của người dân.
Thứ năm, lạm phát là tình trạng giá hàng hóa và dịch vụ sẽ liên tục tăng cao, giá sinh hoạt cơ bản tăng sẽ làm cho túi tiền của người dân giảm xuống. Vì vậy, đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất từ lạm phát là người lao động hưởng lương hàng tháng, lương hưu, người sử dụng lãi suất tiền gửi và các đối tượng đầu tư kinh doanh buôn bán. Do vậy, giữ vững sự ổn định của hệ thống kinh tế là vấn đề quan trọng và là nhiệm vụ cần phải tiếp tục giải quyết. Thời gian qua, Ngân hàng Quốc gia Thái Lan là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý qua quy định khung chính sách tài chính, chỉ tiêu lạm phát, tỷ lệ lãi suất chính sách để kiểm soát không cho lạm phát vượt mức quy định hàng năm và quản lý giá hàng hóa trong nước. Tuy nhiên, Chính phủ không thể ép buộc hoặc can thiệp vào công tác giữ sự ổn định kinh tế của Ngân hàng Quốc gia như quy định chỉ tiêu lạm phát, hoặc gây sức ép không cho Ngân hàng này tăng tỷ lệ lãi suất để ngăn chặn lạm phát.
Thứ sáu, nếu Chính phủ mới thực hiện chính sách vì lợi ích chính trị trong giai đoạn ngắn (chẳng hạn như mục đích giúp ông Thặc-xỉn quay trở lại đất nước), không nghĩ tới những tác động lâu dài đối với đất nước thì tới một lúc nào đó, với mức nợ công cao và nền kinh tế rơi vào tình trạng khủng hoảng, Chính phủ sẽ không thể đưa ra được các biện pháp hiệu quả giải quyết tình trạng lạm phát và đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế.