Thái Lan tìm cách thoát lũ

Thứ sáu, 11/11/2011 16:54

Nhằm tập trung đối phó với lũ lụt, ngày 8-11, Thủ tướng Thái Lan Dinh-lắc Xin-vắt thông báo, sẽ không tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Mỹ trong hai ngày 12 và 13-11.

Người dân Thái Lan phải dùng voi để di chuyển trong nước lũ.
Ảnh: AFP


Theo tờ Bưu điện Băng Cốc, Chính phủ Thái Lan đã lập một kế hoạch chiến lược gồm 3 giai đoạn để tái thiết đất nước bị thiệt hại do lũ lụt. Tại cuộc họp báo ngày 8-11, Thủ tướng Dinh-lắc cho biết, giai đoạn một tập trung giải quyết các vấn đề cấp thiết, phân phối hàng cứu trợ và thiết bị y tế cho tất cả các trung tâm sơ tán. Giai đoạn hai tập trung đưa mọi hệ thống quay lại vận hành như bình thường. Giai đoạn này bao gồm việc bồi thường cho các thiệt hại, dành các khoản vay ưu đãi và các ưu tiên khác cho những người hoặc các lĩnh vực kinh doanh bị ảnh hưởng. Giai đoạn ba bao gồm việc đề ra các giải pháp cho các vấn đề liên quan tới điều hành dài hạn và chuẩn bị để đất nước đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu và quản lý nguồn nước.

Trong khi đó, tình hình lũ lụt ở Thái Lan chưa có dấu hiệu lắng dịu khi các giới chức Băng Cốc đã buộc phải đặt khu công nghiệp Bang Chan ở phía Đông trong tình trạng báo động. Nước lũ đã di chuyển xuống phía Nam từ đường Víp-ha-va-đi và chạm tới khu công nghiệp Bang Chan. Một số điểm dễ bị nước lũ tấn công đã xuất hiện ở phía Bắc và đông bắc khu công nghiệp này. Chính quyền thành phố đã ra thông báo sơ tán đối với vùng Bang Chan.

Khu công nghiệp Bang Chan là nơi có hơn 90 nhà máy hoạt động và là một khu vực kinh tế chủ lực của Thái Lan. Vì vậy, trong suốt trận lũ lịch sử này, Thái Lan đã tỏ rõ quyết tâm bảo vệ bằng mọi giá khu vực Bang Chan. Hiện nay, Bang Chan và Lát Kra-bang là hai khu công nghiệp cuối cùng mà chính phủ Thái Lan xác định buộc phải bảo vệ bằng mọi biện pháp. Tuy nhiên, tình hình lũ lụt khó kiểm soát khiến công việc này trở nên hết sức khó khăn.

Trong nỗ lực “giải vây” Băng Cốc khỏi nước lũ, chính quyền Băng Cốc đã huy động một số lượng lớn máy bơm công suất lớn nhằm thực hiện mục tiêu bơm nước lũ khỏi các đường chính ở Băng Cốc trong hai tuần tới. Thống đốc Băng Cốc Pa-ri-ba-tra nói, cần nửa tháng để bơm nước ra khỏi các trục đường chính và một tháng để xả lũ từ các vùng bị ngập. Chính phủ Thái Lan cho biết, 6km đầu tiên trong đoạn đê chắn lũ bằng bao cát dài 18km, kéo dài từ kênh Khlong Prem Prachakorn, cắt qua đường Víp-ha-va-đi, đến vùng phía bắc của sân bay Đôn Mường, đã gần hoàn thành. Khi 18km đê bao được hoàn tất, nó sẽ làm giảm hơn 60% lượng nước đổ vào Băng Cốc, tạo điều kiện để bơm nước ra khỏi thủ đô.

Các giới chức Băng Cốc cho biết, hiện có khoảng 800 nghìn người dân đang phải sống chung với nước lũ cao 80cm ở 470 khu vực khác nhau của Băng Cốc. Còn trên cả nước, ngày 8-11, lũ lụt vẫn hoành hành tại 24 trong tổng số 77 tỉnh ở Thái Lan. Theo số liệu của Cơ quan Ngăn chặn và Giảm nhẹ thảm họa của Thái Lan công bố ngày 8-11, đã có 527 người thiệt mạng do lũ lụt.

Một quan chức ngành du lịch Thái Lan cho biết, nếu tình trạng lũ lụt chấm dứt vào cuối tháng 11 này, thiệt hại kinh tế sẽ vào khoảng 520 triệu USD, trong đó doanh thu từ du lịch trong nước giảm 245 triệu USD và doanh thu du lịch quốc tế giảm 275 triệu USD. Trong trường hợp đợt lũ này kéo dài đến cuối tháng 12, thiệt hại kinh tế ước tính lên tới 825 triệu USD.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực