Thảm hoạ cháy rừng tại Nga và những vấn đề đặt ra

Thứ năm, 12/08/2010 15:18
 
Ảnh minh họa
Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) ngày 10/8 đưa ra nhận định: tình trạng nắng nóng dữ dội tạo điều kiện để bùng phát cháy rừng tại Nga có thể là do hiện tượng biến đổi nhiệt độ của các dòng hải lưu ở Đại Tây Dương.

Khẩn trương khắc phục hậu quả

Trận mưa lớn đêm 10/8 (giờ địa phương) và gió mạnh giúp thủ đô Moscow giảm bớt độ ô nhiễm. Các Cơ quan chức năng Nga cho biết đã kiểm soát được tình hình cháy rừng. Con số các vụ cháy bắt đầu giảm. Các đám cháy được dập tắt tại khu vực thành phố Snezinsker, ở Ural, nơi có Trung tâm hạt nhân Liên bang Nga, cũng là nơi tiến hành thử nghiệm vũ khí có ý nghĩa chiến lược và chiến thuật. Bộ tình trạng khẩn cấp Nga cho biết, cháy rừng không còn đe dọa bất cứ công trình đặc biệt nào trên lãnh thổ Nga. Lửa cũng không còn là mối đe dọa đối với Trung tâm xử lý chất thải hạt nhân ở Ozersk, tỉnh Chelyabinsk.

Hiện cả nước Nga đang tích cực khắc phục hậu quả. Chính phủ thực hiện các biện pháp cấp bách, khẩn trương huy động mọi nguồn lực và phương tiện. Chính phủ Nga quyết định tăng đáng kể khoản thanh toán đền bù cho những người bị thiên tai tác động. Mỗi người được trợ cấp 100.000 rúp (khoảng 3.500 USD) cho nhu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, mới đây, Thủ tướng Putin thông báo Chính phủ Nga và chính quyền địa phương đã tăng gấp đôi khoản trợ cấp và đền bù cho những gia đình bị thiệt hại trong đợt cháy rừng năm nay, chưa kể số tiền 3 triệu rúp hỗ trợ làm nhà mới với chất lượng cao.

Hoạt động xây dựng nơi ở mới cho những người mất nhà cửa trong các vụ cháy đang được thực hiện khẩn trương. Công tác thi công phải hoàn thành trước khi thời tiết trở lạnh. Các camera được bố trí tại khu vực xây dựng để giám sát chặt chẽ công việc và chất lượng xây dựng. Các nạn nhân cũng nghiên cứu khả năng dọn tới những căn hộ chung cư ở các khu đô thị. Bộ trưởng Phát triển Khu vực Victor Basarghin xác nhận công tác xây nhà mới cho 3.500 gia đình mất nhà do cháy rừng đang được thực hiện đúng tiến độ và được giám sát, kiểm tra đúng yêu cầu do Chính phủ đề ra.

Tình hình thanh toán đền bù được Bộ trưởng Bộ Y tế và Phát triển xã hội, bà Tachiana Golikova theo dõi. Theo lời bà, hơn 80% người dân bị thiệt hại đã nhận tiền đền bù từ ngân sách liên bang và khu vực.

Trước đó, ngày 9/8, Tổng thống Nga Medvedev, tại cuộc gặp đại diện các cơ quan tự quản địa phương của Cộng hòa Maryi-El khi đến thăm nước cộng hòa này cho rằng, cần cách chức những quan chức lâm nghiệp đi nghỉ hè trong khi cháy rừng vẫn hoành hành tại nhiều khu vực ở nước này.

Trách nhiệm trước thảm hoạ

Có nhiều đánh giá về nguyên nhân thảm hoạ nắng nóng và cháy rừng ở Nga. Nhóm các nhà khí tượng học của Anh, do Tiến sĩ Wotson đứng đầu, thuộc Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) ngày 10/8 đưa ra nhận định: tình trạng nắng nóng dữ dội tạo điều kiện để bùng phát cháy rừng tại Nga có thể là do hiện tượng biến đổi nhiệt độ của các dòng hải lưu ở Đại Tây Dương.

Theo đó, dòng hải lưu "El Nino", bắt nguồn từ phía Bắc, chảy vào Đại Tây Dương và lan tới vùng bờ biển các nước châu Âu, khiến thời tiết ấm lên rõ rệt, bao giờ cũng đi kèm sau đó là dòng hải lưu có tên gọi "La Nina", làm cho nguồn nước ở khu vực giữa Đại Tây Dương trở nên mát mẻ, kéo theo tình trạng lụt lội.

Thực tế cho thấy khi xảy ra hiện tượng "El Nino", thì năm tiếp theo sẽ trở thành một năm nắng nóng kỷ lục, và năm 2010 chính là năm tiếp theo đó.

Các chuyên gia khí tượng thủy văn hiện chưa thể chứng minh tình trạng nắng nóng gay gắt khác thường ở Nga hiện nay có liên quan tới hiện tượng khí hậu toàn cầu ấm lên hay không và để rút ra kết luận chính thức họ cần tiếp tục theo dõi và phân tích các hiện tượng thời tiết. Tuy nhiên, thiên tai diễn ra liên miên tại Trung Quốc, Pakistan, hay tại nhiều nước Đông Âu khác, trong đó có Nga, ít nhiều vẫn được coi là những minh chứng cho kết luận của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) rút ra trước đó rằng sự biến đổi khí hậu toàn cầu chính là "thủ phạm giấu mặt". Và nhiệt độ không khí tăng cao, cộng thêm gió mạnh khiến khả năng bùng phát cháy là rất lớn.

Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, chính con người là có lỗi lớn. Cụ thể liên quan đến cháy rừng ở Nga, trong nhiều trường hợp là do sự bất cẩn của người dân khi đi rừng trong điều kiện nắng nóng. Chỉ cần một mẩu tàn thuốc lá vứt không đúng chỗ, chỉ cần chút lửa sót lại sau các cuộc liên hoan lửa trại-trong điều kiện khô nóng và gió to- cũng có thể làm bùng phát những đám cháy lớn.

Tuy nhiên, các nhà môi trường học còn cho rằng, dù đã có nhiều phản ứng tích cực và hiệu quả, nhưng Chính quyền, trong chừng mực nào đó, vẫn là người có lỗi chính trong việc để xẩy ra hoả hoạn trên diện rộng. Hệ thống bảo vệ rừng vốn có đã bị phá vỡ, chi phí cho lĩnh vực này bị cắt giảm. Còn Bộ tình trạng khẩn cấp, theo luật hiện hành, chỉ tham gia chữa cháy khi ngọn lửa đe doạ trực tiếp đến các điểm dân cư và các công trình kinh tế đất nước. Vào thời điểm cháy đã lan rộng, nhiều quan chức địa phương lại không có mặt để lo đối phó.

Theo số liệu của Tổ chức Môi trường Hoà bình xanh, trong năm nay, Nga chi cho phòng-chống cháy rừng tại các khu vực tổng số tiền là 2,2 tỷ rúp. Nếu tính bình quân theo USD thì chính quyền mới chỉ chi 0,033 USD để phòng chống cháy cho 1 ha rừng. Trong khi đó, việc cảnh báo sớm và dập lửa trong giai đoạn đầu hoàn toàn bị buông lỏng.

Trước khi diễn ra cuộc cải cách trong lĩnh vực an ninh cháy-nổ vào năm 2005-2006, ở Nga có 70.000 nhân viên kiểm lâm và khoảng 130.000 nhân viên lâm nghiệp. Nhưng đến nay số lượng nhân viên ngành lâm nghiệp chỉ còn 12.000 người với vô vàn công việc và nhiệm vụ khác nhau và họ không còn thời gian để làm việc ban đầu quan trọng là cảnh báo cháy. Và các nhà nghiên cứu cũng cảnh báo rằng, thảm hoạ cháy rừng vẫn có thể lại xẩy ra, nếu không khôi phục lại Cơ quan bảo vệ rừng quốc gia chuyên nghiệp và xây dựng một hệ thống thống nhất chống cháy rừng bằng máy bay. Nếu như hệ thống này có và đã đi hoạt động thì có thể giảm từ 5 đến 10 lần những thiệt hại do nắng nóng và cháy rừng gây ra trong năm nay, và thậm chí tránh khỏi thiệt hại về người. Các nhà phân tích cho rằng, nếu như có một hệ thống như vậy thì chi phí phải đang bỏ ra để dập tắt những đám cháy rừng hiện nay có thể đảm bảo cho hệ thống đó hoạt động hiệu quả nhiều năm.

Tuần vừa qua, các nhà môi trường học đã gửi một bức thư đến ông Acadi Dvokovic, trợ lý của Tổng thống Nga Medvedev, trong đó nêu rõ những kết luận và đề nghị khôi phục hệ thống bảo vệ rừng quốc gia. Nội dung thư cũng được gửi đến Bộ Nông nghiệp và Tổng cục Lâm nghiệp Nga và vấn đề này sẽ được bàn thảo sớm.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực