Thắng lợi của ông Obama

Thứ năm, 04/08/2011 14:17

Nước Mỹ gần như thoát khỏi thảm họa vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử sau khi Tổng thống Obama tuyên bố chính quyền của ông đã đạt được thoả thuận với các nhà lãnh đạo Quốc hội Mỹ về cắt giảm thâm hụt ngân sách và nâng mức trần vay nợ quốc gia. Thỏa thuận này cũng giúp chấm dứt tình trạng khủng hoảng chính trị tại Washington trong suốt hơn 1 tháng qua.

Để có cái nhìn tổng quát về vấn đề này, Phóng viên Đài TNVN thường trú tại Mỹ phỏng vấn Tiến sỹ Lê Hồng Lam - Chuyên gia nghiên cứu tình hình kinh tế Mỹ.

PV: Thưa TS Lê Hồng Lam, ông đánh giá như thế nào về thỏa thuận vừa đạt được giữa Tổng thống Obama và lãnh đạo Quốc hội Mỹ về nâng mức trần vay nợ quốc gia và cắt giảm thâm hụt ngân sách?

TS Lê Hồng Lam: Theo tôi, thỏa thuận này sẽ giúp nước Mỹ thoát khỏi nguy cơ tuyên bố mất khả năng thanh toán nợ lần đầu tiên trong lịch sử.

Nhìn một cách toàn cục, đây là thắng lợi của người Mỹ. Còn nhiều một cách rõ ràng hơn thì thỏa thuận đạt được phản ánh quan điểm của Đảng Cộng hòa nhiều hơn Đảng Dân chủ, điều này thể hiện trên 4 khía cạnh:

 
Việc Hạ viện Mỹ thông qua Dự luật càng khẳng định thêm vị thế của 
ông Obama trong cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới (Ảnh: Getty)

Thứ nhất, mức cắt giảm chi tiêu, cao hơn mức nợ trần tăng lên, đó là yêu cầu rất quan trọng của Đảng Cộng hòa.

Thứ hai, trong việc cắt giảm chi tiêu, không có cam kết chắc chắn phải cắt giảm nhiều về chi tiêu quốc phòng, trong khi đấy là một yêu cầu quan trọng của rất nhiều nghị sỹ trung kiên Đảng Dân chủ.

Thứ ba, không có yêu cầu về tăng thuế, mặc dù trong thỏa thuận sắp tới mà ủy ban lưỡng đảng thành lập để xử lý vấn đề nợ một cách lâu dài có thể đề cập đến vấn đề đó.

Thứ tư, kế hoạch này cũng sẽ được thực hiện nhiều bước chứ không phải tăng trần vay nợ một lần như là Đảng Dân chủ mong muốn.

Còn về Đảng Dân chủ, tôi cho rằng thắng lợi quan trọng nhất đối với họ là mức cắt giảm chi tiêu thấp hơn nhiều so với dự kiến ban đầu, và họ cho rằng, mức cắt giảm giảm như vậy sẽ không ảnh hưởng đến các chương trình phúc lợi an ninh xã hội, bảo hiểm y tế cho người già, bảo hiểm y tế cho người tàn tật và trẻ em cũng như không ảnh hưởng đến các chương trình cốt lõi của các đảng viên Đảng Dân chủ.

Do vậy, tôi thấy rằng hai bên đều có thể tìm thấy những thắng lợi trong thỏa thuận này, tất nhiên là không bên nào thỏa mãn hoàn toàn, nhưng đây là sự thỏa hiệp cần có để giúp cho  nước Mỹ không phải tuyên bố vỡ nợ.

PV: Việc Chính phủ và Quốc hội Mỹ đạt được thỏa thuận này đã giải quyết được những vấn đề gì đối với nước Mỹ?

TS Lê Hồng Lam: Tôi xin nhắc lại, thỏa thuận này giúp cho nước Mỹ thoát khỏi viễn cảnh tuyên bố mất khả năng thanh toán nợ lần đầu tiên trong lịch sử.

Nếu điều này xảy ra sẽ dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng. Đã có nhiều cảnh báo rằng, hệ số tín nhiệm 3 chữ A (AAA) của Mỹ sẽ giảm xuống còn 2, như vậy lãi phải trả tăng thêm là 0,75%. Tức là nếu tính trên số tuyệt đối thì vô hình chung hàng năm Mỹ phải trả thêm 100 tỷ USD tiền lãi, tất nhiên sẽ phụ thuộc vào mức vay nợ sắp tới, như vậy xảy ra trường hợp là muốn tiết kiệm nhưng lại phản tác dụng.

Thứ hai đó là khi trái phiếu kho bạc tăng, sẽ kéo theo một loạt các lãi suất khác cho đầu tư, cho tiêu dùng tăng và như vậy người Mỹ sẽ gặp khó khăn hơn trong việc có được tín dụng để tiêu dùng, để mua nhà, mua ô tô và để thanh toán các khoản nợ cũ.

Nếu tín dụng giảm thì tăng trưởng GDP sẽ giảm và quá trình phục hồi sẽ bị ảnh hưởng rất mạnh, có thể nước Mỹ bước vào một thời kỳ suy thoái mới.

PV: Xin ông cho biết, thị trường của Mỹ phản ứng như thế nào sau khi Tổng thống Obama và lãnh đạo Quốc hội Mỹ đạt được thỏa thuận này?

TS Lê Hồng Lam: Trong suốt tuần qua, các chỉ số chứng khoán đều giảm rất mạnh. Thị trường tỏ ra bi quan trước triển vọng đạt được một thỏa thuận giữa hai bên.

Các công cụ đầu tư được coi là an toàn như: vàng, Yên Nhật, France Thụy sỹ, thậm chí là Euro (đồng tiền này đang chịu khủng hoảng về nợ công) đều tăng giá so với đồng dollar. Tuy nhiên, sau khi có tin về đạt được thỏa thuận, dù thỏa thuận này chưa được Quốc hội thông qua và Tổng thống Mỹ chưa ký ban hành luật nhưng thị trường đã có sự đảo chiều rất nhanh. Mặc dù đây là phản ứng tức thời của thị trường nhưng phần nào cho thấy thị trường yên tâm hơn và những gì xảy ra trong tuần qua làm mất ổn định phần nào đã được giải tỏa.

Họ tin tưởng rằng cuối cùng hai đảng sẽ đạt được thỏa thuận vì lợi ích trước hết là của Mỹ, sau đó là sự phục hồi và ổn định của kinh tế thế giới cũng như giữ được hình ảnh nước Mỹ là một cường quốc kinh tế số 1 rất đáng tin cậy.

PV: Theo ông, việc đạt được thỏa thuận này đã tạo thuận lợi như thế nào cho chính quyền Tổng thống Obama và đặc biêt là cá nhân ông Obama trong cuộc bầu cử Tổng thống nhiệm kỳ tới?

TS Lê Hồng Lam: Tôi cho rằng, Nhà Trắng được tương đối nhiều khi đạt được thỏa thuận này.

Thứ nhất, Tổng thống Obama chứng tỏ rằng ông là người có khả năng thỏa hiệp, tức là ông không thiên về ý thức hệ khi giải quyết các vấn đề lớn nhất của nước Mỹ. Ông lắng nghe cả hai phía và điều hòa được lợi ích của cả hai phía, từ đó ông kéo những người có tư tưởng trung dung quay trở lại với mình chuẩn bị cho cuộc bầu cử Tổng thống năm tới.

Thứ hai ông muốn chứng minh cho người Mỹ rằng, mình không phải là người chỉ biết tăng thuế và chi tiêu, đây là biệt hiệu mà Đảng Cộng hòa luôn luôn gán cho Đảng Dân chủ. Qua thỏa thuận này, ông Obama cũng chứng tỏ rằng, tuy ông Obama đã từng ban hành các chi tiêu rất lớn để phục hồi kinh tế, cứu trợ ngành tài chính, nhưng khi cần thiết thì ông cũng giảm chi tiêu rất mạnh.

Theo tuyên bố của Nhà Trắng nói rằng nếu kế hoạch giảm chi tiêu được thực hiện thì chính phủ sẽ bước vào thời kỳ chi tiêu ít nhất kể từ thời Tổng thống Eisenhower. Với thỏa thuận này, ông Obama hy vọng sẽ kéo được những người trung dung về phía mình, đồng thời ông cũng giữ được đa số những người ủng hộ ông trong cuộc bầu cử năm 2008.

Tôi cho rằng triển vọng tái cử của ông rất sáng sủa, chưa tính đến việc hiện nay, Đảng Cộng hòa chưa có đối thủ nào thực sự mạnh có thể đối chọi với ông Obama.

PV: Xin cảm ơn Tiến sỹ./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực