(ĐCSVN) - Với sự yểm trợ của máy bay và tên lửa của Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO), lực lượng nổi dậy đã cơ bản giành quyền kiểm soát Tripoli. Chiến thắng được mô tả là "thành công thê thảm" của phe nổi dậy chưa hẳn đã đảm bảo một tương lai chắc chắn như phương Tây mong đợi đối với một đát nước nhiều dầu mỏ nhưng cũng nhiều mâu thuẫn này.
|
Phe đối lập ngày 23/8 tuyên bố giành quyền kiểm soát hầu hết thủ đô Tripoli (Ảnh: AFP) |
Tin lực lượng nổi dậy đã cơ bản giành quyền kiểm soát Tripoli đang tràn ngập các phưong tiện truyền thông ở phương Tây. Mặc dù từ một địa điểm bí mật, ông Gaddafi vẫn lên tiếng kêu gọi người dân tử thủ, nhưng khó mà kéo dài cuộc chiến vì tương quan lực lượng là quá chênh lệch. Chế độ do ông Gaddafi lãnh đạo 42 năm được dự báo sẽ phải cáo chung trong vài ngày tới.
Theo đó, cuộc chiến kéo dài suốt 6 tháng qua giữa một bên là NATO và quân nổi dậy với một bên là Chính phủ Libya giờ đây đang đi đến hồi kết. Tuy nhiên, những gì đang diễn ra ở Tripoli vẫn chưa đủ cơ sở để khẳng định, những bất ổn tại Libya sẽ kết thúc một sớm một chiều. Dư luận hiện đang có những dự đoán khác nhau về hành xử của NATO sau khi chế độ Gaddafi sụp đổ.
Chưa thể yên tâm với chính quyền chuyển tiếp
Theo các nhà phân tích chính trị hiện nay, chưa có một gương mặt nào của lực lượng đối lập có được sự tôn trọng của tất cả các phe phái, người dân và khả dĩ được NATO tín nhiệm. Lực lượng đối lập Libya hiện rất đa dạng bao gồm: các giáo phái khác nhau, người theo chủ nghĩa thế tục và cả những nhà hoạt động chính trị, xã hội với nhiều lợi ích khác nhau và có thể có cả lực lượng Al Qaeda. Đây sẽ là vấn đề chính yếu có ý nghĩa quyết định đến việc NATO có kết thúc sứ mệnh “bảo vệ người dân” Libya.
Trong khi cuộc chiến giành quyền kiểm soát Tripoli vẫn tiếp tục, nhưng đã bắt đầu xuất hiện tình trạng vô chính phủ: cướp bóc, dân chúng bỏ chạy, hoặc trốn tránh ở trong nhà khi tiếng súng vẫn tiếp tục vang lên ở gần dinh thự của Tổng thống Gaddafi.
Theo kế hoạch chi tiết của phe đối lập cho Libya thời hậu Gaddafi cho thấy: Hội đồng sẽ tuyển khoảng 800 quan chức an ninh của chế độ cũ, những người sẵn sàng hình thành xương sống của bộ máy an ninh – của chính phủ mới ngay khi chế độ Gaddafi sụp đổ.
Hội đồng cũng có kế hoạch chuyển khoảng 5.000 cảnh sát đang phục vụ trong các đơn vị không tận tụy với Gaddafi về mặt ý thức hệ vào các lực lượng của chính phủ mới. Nhiều nhân vật khác của chế độ Gaddafi, kiệt sức và sợ hãi, thậm chí chẳng thiết tha bám giữ quyền lực mà chỉ muốn bản thân và gia đình được an toàn cũng được tuyển dụng.
"Thành công thê thảm" đó là "cụm từ đang được dùng phổ biến trong NATO (Times of London dẫn lời một nhà ngoại giao giấu tên ở Benghazi) nếu không thì cũng là một thành công hỗn loạn do phe đối lập chưa sẵn sàng cầm quyền và sẽ có một khoảng trống quyền lực nếu ông Gaddafi ra đi".
Các công ty dầu lửa và các nước phương Tây cũng lo ngại rằng lực lượng nổi dậy vẫn bị chia rẽ do bất đồng nội bộ, từ đó có thể dẫn đến các cuộc giao tranh mới, gây hại cho sự phục hồi sau chiến tranh và việc nối lại hoạt động xuất khẩu dầu mỏ.
Giới phân tích chính trị thì chắc rằng cho dù cuộc chiến này kết thúc một cách dễ dàng thì Libya cũng vẫn phải đối mặt với một thời kỳ hỗn loạn hơn. Một cuộc đấu đá chính trị sẽ khiến cho môi trường kinh doanh không thể trở lại như thời kì trước chiến tranh.
Chuyên gia dầu lửa của công ty Wood Mackenzie ước tính sau khi Gaddafi sụp đổ, Libya sẽ phải mất ít nhất 3 năm mới có thể khôi phục sản lượng dầu 1,6 triệu thùng/ngày, chiếm gần 2% tổng sản lượng dầu thế giới. Vì thế, phe đối lập chiếm được Tripoli nhưng chưa chắc cuộc không kích của NATO đã chấm dứt vì “lợi ích dầu mỏ”. Ngày 23/8 phát ngôn viên của NATO, bà Lungescu cho rằng: “NATO sẽ tiếp tục hoàn tất sứ mệnh được ủy nhiệm nhằm bảo vệ thường dân tới chừng nào cần thiết cũng như giữ vững những cam kết đã đưa ra trước Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Tuy nhiên, phát ngôn viên này cũng bác bỏ khả năng triển khai bộ binh vào Libya và tuyên bố rằng, NATO chỉ đóng vai trò hỗ trợ trong thời kỳ “hậu Gaddafi nếu được yêu cầu”.
Kịch bản Afghanistan có thể tái hiện nếu cần
Có các nhà dự báo cho rằng, trong trường hợp ông Gaddafi mất sự kiểm soát đất nước, thì rất có thể Libya sẽ trở thành một Afghanistan hoặc Iraq tiếp theo, nhưng với thủ đoạn không kích và lực lượng an ninh và “cứu trợ nhân đạo” là chủ yếu.
Trong cuộc chiến tại Libya đã làm cho hàng chục ngàn người chết, bị thương và phải di tản ra nước ngoài. Chỉ tính riêng cuộc giao tranh quyết liệt giữa hai bên nhằm giành quyền kiểm soát Tripoli trong các ngày qua đã làm cho 1.300 người thiệt mạng và 5.000 người bị thương. Điều đó cho thấy, sự phân hoá trong các phe phái và cộng đồng người Libya đã đạt đến mức cao khó có thể hàn gắn trong một sớm, một chiều dưới chính quyền do phe đối lập nắm giữ.
Mặc dù lực lượng nổi dậy đã chiếm được Tripoli, song chưa thể nói cuộc chiến tại Libya đã chấm dứt, vì ông Gaddafi vẫn có những đơn vị quân đội trung thành cũng như sự ủng hộ từ ba nhóm bộ lạc lớn nhất Libya. Do đó, chưa thể khẳng định việc mất Tripoli đồng nghĩa với việc ông Gaddafi mất quyền kiểm soát đối với các phần khác của Libya.
Ngay trước khi lực lượng nổi dậy tiến vào Tripoli, ông Gaddafi đã phát đi thông điệp mạnh mẽ trên truyền hình là: "Tripoli giờ đây giống với Baghdad của Iraq". Rất có thể tuyên bố này mang hàm ý dự báo một tương lai rất bất ổn tại Libya mà chính quyền mới của lực lượng nổi dậy và NATO sẽ phải đương đầu.
Vì thế, cộng đồng quốc tế không thể không chú ý đến những bài học đau lòng rút ra ở Iraq và Afghanistan trong sự trợ giúp cần thiết để sớm ổn định và phát triển khi chính phủ quá độ nắm quyền, để tránh lắp lại kịch bản như Afghanistan và Iraq.
Cuộc phân chia dầu mỏ vẫn tiếp diễn
Giới phân tích cho rằng, nếu cuộc chiến tại Libya kết thúc thì chắc chắn sẽ thay đổi tình hình trong khu vực về chính trị, ngoại giao và kinh tế. Với nguồn dầu mỏ lớn nhất châu Phi, Libya có tầm quan trọng chiến lược đối với khu vực, quốc tế và được các cường quốc luôn để ý. Khi một chính quyền mới thân phương Tây được thành lập tại Libya, cán cân chính trị và ngoại giao chắc chắn sẽ phải thay đổi, dẫn tới những thay đổi khác về chính sách của các nước, nhất là các nước lớn.
Vì thế, ngay khi lực lượng nổi dậy tiến vào Tripoli, giá dầu thế giới đã lập tức giảm. Điều này không nằm ngoài những nhận định ngay từ những ngày đầu nổ ra bất ổn tại Libya về việc cuộc chiến tại Libya là một cuộc chiến dầu lửa.
“Hai phần ba nhu cầu của một số nước tham gia chiến dịch chống Libya” và “những nước đó đang tìm cách bảo đảm quyền lợi về dầu mỏ của họ ở Libya", "Tham vọng của các cường quốc lớn là đóng vai trò then chốt trong việc thay đổi chiều hướng của Libya là đang tìm cách vẽ lại bản đồ mới cho khu vực Bắc Phi và Nam Địa Trung Hải. Sự kiện ở Libya đã tạo ra một cơ hội lớn cho Mỹ và phương Tây thực hiện kế hoạch đầy tham vọng của họ". Đó là nhận định của một số chuyên gia nghiên cứu khu vực Trung Đông và Bắc Phi.
Ông Abdul-Rahim Al-Sunny, một nhà phân tích Sudan cũng cho rằng, mục tiêu chính nằm đằng sau chiến dịch can thiệp quân sự của phương Tây vào Libya là nhằm chia đất nước này thành hai phần: phía Đông và phía Tây và đưa đất nước Bắc Phi quay trở lại “một thời kỳ lịch sử tồn tại từ trước thời của Quốc vương Al-Sanousi."
"Cuộc chiến ở Libya là phục vụ nền kinh tế phương Tây bởi các cường quốc lớn một mặt bán vũ khí cho các lượng Libya mặt khác lại đầu tư vào đây".
Cũng theo các nhà phân tích thì, lợi ích của phương Tây và các nước lớn khác nằm ở việc “phân chia lợi ích dầu mỏ” còn việc “bảo vệ người dân” và “lật đổ ông Gaddafi" chỉ là cái cớ. Tuy nhiên, nỗi lo của Mỹ và phương Tây về việc người Hồi giáo sẽ kiểm soát Libya sau khi ông Gaddafi bị lật đổ vẫn đang hiện hữu. Vì thế, phe đối lập chiếm được Tripoli sẽ không đồng nghĩa với việc NATO kết thúc chiến dịch không kích Libya./.