Theo hồ sơ của một tòa án ở Mỹ, chính quyền thành phố Ha-ri-xbớc (Harrisburg), thủ phủ bang Pen-xin-va-ni-a (Pennsylvania), đã tuyên bố phá sản sau một cuộc biểu quyết của hội đồng thành phố. Đây là thành phố thứ tư ở Mỹ tuyên bố phá sản trong 30 năm qua.
Sự kiện này làm gia tăng nỗi ám ảnh về nguy cơ vỡ nợ của hàng loạt chính quyền địa phương tại Mỹ. Một số nhà kinh tế đã cảnh báo nguy cơ có thể xảy ra hàng loạt vụ phá sản cấp thành phố trong năm 2011, khi doanh thu từ thuế và bất động sản suy giảm trầm trọng cùng với suy thoái kinh tế cũng như sự không hiệu quả của gói kích thích trị giá 787 tỷ USD của chính quyền liên bang.
Với dân số khoảng 50.000 người, Ha-ri-xbớc hiện đang mắc nợ khoảng 310 triệu USD. Mặc dù chính quyền thành phố Ha-ri-xbớc đã rất nỗ lực để tránh phải đệ đơn phá sản, nhưng những cố gắng này đã bị những chính sách như áp đặt giới hạn nợ của chính quyền địa phương cản trở. Trước đó, Thị trưởng Ha-ri-xbớc, bà L.Thôm-sơn (L.Thompson) đã kêu gọi thành phố tăng thuế và bán tháo các tài sản được định giá từ 100 triệu USD đến 500 triệu USD theo liệt kê trong hồ sơ phá sản, để có tiền trang trải nợ nần. Tuy nhiên, do lo ngại thành phố vốn chịu thiệt hại nặng nề bởi suy thoái kinh tế sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng xấu hơn từ việc rao bán các tài sản, hội đồng thành phố đã lựa chọn giải pháp tuyên bố phá sản. Ông G.Xpai-ốt-tô (J.Spiotto) thuộc hãng luật Chapman & Cutler, người giữ các bản sao hồ sơ đệ đơn phá sản cấp thành phố, cho biết vụ phá sản gần đây nhất là của thành phố Va-lê-hô (Vallejo) thuộc bang Ca-li-pho-ni-a (California) vào năm 2008.
Các chuyên gia Mỹ cảnh báo, một làn sóng đổ vỡ các chính quyền thành phố nhỏ và nhiều doanh nghiệp đang đến rất gần. Nguyên nhân được chỉ ra là: tăng trưởng kinh tế èo uột, xu hướng thắt lưng buộc bụng của người tiêu dùng, thị trường ảm đạm, tình trạng tín dụng ngày càng thắt chặt, thất nghiệp, nợ công… “Tôi cho rằng, năm 2012 sẽ là một năm bận rộn đối với các luật sư trong lĩnh vực phá sản. Thậm chí vào các năm 2013 và 2014, các luật sư này có thể sẽ còn bận hơn nữa”, ông G.Gốp-man (Jay Goffman), người đứng đầu bộ phận tái cơ cấu doanh nghiệp tại công ty luật "Skadden Arps, Slate, Meagher & Flom", nhận định.
Theo đánh giá của các nhà kinh tế, ngoài các yếu tố nội tại, cuộc khủng hoảng nợ công của khu vực sử dụng đồng ơ-rô cũng được coi là “nhân tố” quan trọng góp phần làm kinh tế Mỹ ảm đạm hơn. “Nếu một vài nước châu Âu rơi vào cảnh vỡ nợ, áp lực đối với thị trường tín dụng Mỹ sẽ gia tăng. Khi đó, nước Mỹ có thể rơi vào khủng hoảng như hồi năm 2008”, ông P.Phít-sim-môn (P.Fitzsimmons), Chủ tịch phụ trách thị trường Bắc Mỹ của Công ty tư vấn cải tổ doanh nghiệp AlixPartners LLP, cho biết.
Trước những tín hiệu không mấy khả quan về triển vọng phục hồi của nền kinh tế Mỹ, các quan chức cấp cao của Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã đề xuất áp dụng các biện pháp kích thích tăng trưởng mạnh mẽ hơn nhằm vực dậy nền kinh tế đang sa sút. Tuy nhiên, nhiều người dân Mỹ không tin vào các kế hoạch đó. “Cứ đấu đá triền miên trên chính trường giữa Hạ viện do những người Cộng hòa nắm đa số ghế với Chính phủ và Thượng viện do đảng Dân chủ kiểm soát, mọi nỗ lực giải quyết các vấn đề về kinh tế, chính trị và xã hội sẽ chỉ rơi vào bế tắc”, M.Pi-tơ-sơn (M. Peterson), một sinh viên Mỹ nói.