Thành viên NATO phản đối triển khai "lá chắn tên lửa" tại Ru-ma-ni

Thứ hai, 10/10/2011 13:57

Lần đầu tiên, Pháp công khai phản đối kế hoạch nhằm triển khai một bộ phận thuộc Hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) của Mỹ trên lãnh thổ Ru-ma-ni. Điều này đang đặt ra câu hỏi liệu NMD có cần thiết cho châu Âu và NATO.

Ngoại trưởng Mỹ H. Clin-tơn (H. Clinton) và Ngoại trưởng
Ru-ma-ni T. Ba-con-xchi (T. Baconschi) ký Hiệp ước cho
phép triển khai một phần NMD trên lãnh thổ Ru-ma-ni. Ảnh: AP


Phát biểu tại khóa họp Hội đồng nghị viện NATO vừa diễn ra ở thủ đô Bu-ca-rét của Ru-ma-ni, các đại diện của Nga, U-crai-na và Pháp đã lên tiếng chỉ trích kế hoạch nhằm triển khai một bộ phận thuộc NMD của Mỹ trên lãnh thổ Ru-ma-ni. Nghị sĩ thuộc Đảng Xã hội Pháp, ông Giăng-Mi-sen Buy-sơ-rông (Jan-Michel Busheron) đã khẳng định việc thiết lập "lá chắn tên lửa" sẽ không góp phần đảm bảo an ninh cho châu Âu vì trong trường hợp xảy ra tấn công thì 3/4 số tên lửa sẽ vượt qua hệ thống này. Tuy nhiên, nếu cần, châu Âu nên thành lập hệ thống phòng thủ tên lửa của riêng mình mà không sáp nhập hệ thống tương tự của Mỹ.

Các đại diện của Nga và U-crai-na cũng đã nêu lên mối nguy hiểm của Hiệp định Ru-ma-ni - Mỹ về triển khai NMD, yêu cầu Bu-ca-rét giải thích về cái gọi là "nguy cơ Ru-ma-ni bị tấn công bằng tên lửa". Tuy nhiên, Quốc vụ khanh Ru-ma-ni, ông B.Au-re-xcu (B.Aurescu) chỉ giải thích rằng NMD của Mỹ trên lãnh thổ Ru-ma-ni không chống lại bất kỳ nước nào vì chỉ có chức năng phòng thủ.

Rõ ràng việc một nước trong NATO như Pháp bày tỏ phản đối hệ thống NMD khiến người ta đặt câu hỏi về sự cần thiết của hệ thống phòng thủ này đối với chính các nước NATO. Nếu như bản thân một nước trong NATO mà còn nghi ngờ hệ thống phòng thủ này, vậy hệ thống này sinh ra để làm gì? Nó sẽ nhằm vào đâu? Và nguy cơ thực sự thế nào? Câu hỏi này không khó trả lời khi trong thời gian qua, Nga là nước lên tiếng phản đối nhiều nhất hệ thống NMD, bởi các thành tố trong NMD để cách Nga có vài trăm ki-lô-mét. Chủ tịch Ủy ban Quan hệ quốc tế của Hạ viện Nga, ông C.Cô-xa-chép (K.Kosachev) đã từng nhấn mạnh, cho dù Mỹ tuyên bố xây dựng NMD không nhằm vào Nga, không coi Nga là mối đe dọa, thậm chí không loại trừ sự hợp tác với Nga trong lĩnh vực phòng thủ tên lửa, nhưng trên thực tế, Mỹ lại thực thi những biện pháp nhằm đối phó với vũ khí hạt nhân chiến lược của Nga.

Trước “thực trạng” trên, cách đây ít ngày, Thứ trưởng Quốc phòng Nga A.An-tô-nốp (A.Antonov) tuyên bố, Nga và Mỹ còn quá nhiều bất đồng về NMD mà Lầu Năm Góc bố trí tại châu Âu. Ông An-tô-nốp cũng nêu rõ, việc Mỹ vẫn tiếp tục thực hiện kế hoạch bố trí các bộ phận của NMD tại châu Âu, đã đi ngược lại tinh thần đối thoại giữa Nga, Mỹ và NATO về vấn đề này. Ông An-tô-nốp nhấn mạnh, Nga sẵn sàng đàm phán, nhưng có những giới hạn và nhất định không nhượng bộ trước những nguy cơ đe dọa an ninh gần biên giới Nga. Ông An-tô-nốp cũng lấy làm tiếc rằng, mặc dù Nga tiếp tục giải thích cho các đối tác, trong đó có Ru-ma-ni và Thổ Nhĩ Kỳ, quan điểm của Nga về NMD nhưng chưa đạt được kết quả mong muốn.

Giữa tháng 9 vừa qua, Mỹ cùng Ru-ma-ni đã ký hiệp định về việc Lầu Năm Góc sẽ triển khai một bộ phận thuộc NMD trên lãnh thổ nước này. Theo hiệp định với Ru-ma-ni, từ nay đến năm 2015, tại căn cứ Đê-ve-xe-lu sẽ triển khai Trạm ra-đa “Egis”, một trung tâm tác chiến về NMD và 24 khẩu đội tên lửa đánh chặn di động “Standard-3” (SM-3) cùng 200 quân nhân Mỹ.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực