Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)
Từ duy trì mức lãi suất thấp… Lãi suất là công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô của chính phủ. Khi nền kinh tế lâm vào suy thoái hoặc tăng trưởng chậm chạp kéo dài, người ta thường giảm lãi suất ngắn hạn để có thể đẩy mạnh tốc độ cho vay và kích cầu tiêu dùng.
Mỹ là quốc gia sử dụng công cụ này triệt để nhất, mức lãi suất cơ bản thấp gần bằng 0% được FED áp dụng từ tháng 12/2008 tới nay. Nguyên nhân chủ yếu được cho là nền kinh tế Mỹ tuy có nhiều dấu hiệu tích cực, nhưng các chỉ số về lạm phát, thất nghiệp và tăng trưởng… vẫn chưa đạt mức dự kiến, nhất là sự cải thiện của thị trường lao động vẫn tạo áp lực lên mức lạm phát kỳ vọng tại Mỹ.
Chủ tịch FED - bà Janet Yellen cho rằng, kinh tế Mỹ đang đi đúng hướng, và chính sách lãi suất hiện tại cũng đang hỗ trợ tích cực vào xu hướng này. Vì vậy, Mỹ chỉ có thể ra quyết định vào cuộc họp cuối năm nay.
FED còn cho rằng, những yếu tố nội tại trong lòng nước Mỹ mới là nguyên nhân thực sự cho quyết định trên, dù Mỹ muốn hay không họ vẫn buộc phải quan tâm tới sự ổn định của nền kinh tế toàn cầu.
Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), Thụy Sỹ (SNB), tiếp đó là Đan Mạch, Đức, Pháp, Hà Lan… cũng đã từng cắt giảm lãi suất xuống mức thấp nhất (gần 0%, thậm chí âm).
Xu hướng trên làm xuất hiện một hiện tượng mới trên các thị trường trái phiếu là nhà đầu tư sẵn sàng cho một số chính phủ vay tiền nhưng không nhận lãi suất. Họ coi đây là kênh bảo toàn vốn ít rủi ro hơn là đầu tư, kể cả đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng, khiến cho cho 3 nhân tố: việc làm, lạm phát và tăng trưởng cũng không khỏi bị triệt tiêu.
Đến gia tăng kích cầu…
Khi công cụ lãi suất suy giảm hiệu lực, ngân hàng trung ương các nước thường sử dụng các gói kích thích kinh tế được gọi là kích cầu. Ngay từ cuối năm 2008 và tiếp sau đó, FED đã tung ra các gói kích thích kinh tế (QE) duy trì trong nhiều năm có giá trị hàng trăm tỷ USD để mua vào các chứng khoán có đảm bảo bằng tài sản thế chấp (MBS) và trái phiếu kho bạc.
Năm 2012, chính phủ Trung Quốc cũng tung ra gói QE hàng ngàn tỷ NDT để kích thích các dự án phát triển cơ sở hạ tầng kéo dài 4 năm. Tiếp đó, BOJ cũng đưa ra gói QE hơn 80 ngàn tỷ yen để mua tài sản. Tuy nhiên, cho đến nay, giới quan sát cho rằng các gói QE đã không đạt hiệu quả như mong đợi, thậm chí có ý kiến còn cho rằng, QE có thể là công cụ “lợi bất cập hại”.
Hạ tỷ giá đồng nội tệ…
Kể từ quý I/2015, đồng tiền của nhiều quốc gia châu Á đã giảm giá mạnh so với đồng USD. Ngày 11/8/2015, PBOC đã điều chỉnh hạ giá đồng NDT ở mức 1,9% và từ đó đến nay, Trung Quốc đã thực hiện cơ chế tỷ giá linh hoạt. Việc điều chỉnh tỷ giá NDT đã gây ra hiệu ứng khá mạnh cho thị trường tài chính toàn cầu và kéo theo sự giảm giá của nhiều đồng tiền khác.
Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, đóng góp 23% tăng trưởng toàn cầu, trong khi kinh tế Mỹ chỉ đóng góp 13%, khiến một loạt nền kinh tế mới nổi tại châu Á đã sụt giảm mạnh như: đồng Rupiah (Indonesia) và Ringgit (Malaysia) đã giảm xuống thấp nhất trong 17 năm qua, đồng Real (Brazil) giảm 9%, còn Nhật Bản buộc phải tuyên bố giảm giá đồng Yen và Kazakhstan phải thả nổi tỷ giá...
Những biến động tài chính - tiền tệ quốc tế cùng với sự lo ngại suy giảm tăng trưởng kinh tế Trung Quốc khiến kinh tế thế giới trì trệ hơn đã tác động mạnh đến thị trường hàng hóa toàn cầu, khiến nguy cơ “chiến tranh tiền tệ” trở nên thường trực hơn, nếu các quốc gia không chủ động kiềm chế.
Thắt lưng buộc bụng…
Là chính sách của khu vực Eurozone nhằm vượt qua cuộc khủng hoảng nợ đã quá kéo dài, nhưng họ đã không thành công như ý muốn, đến mức Chủ tịch Ủy ban EC - ông Jose Manuel Barrosco cho rằng: “Tôi nghĩ rằng, chính sách này về cơ bản là đúng, tôi cũng nghĩ rằng nó đã đạt đến giới hạn của nó”. “Một chính sách để thành công không chỉ phải được thiết kế đúng cách mà nó phải có điều kiện tối thiểu là hỗ trợ cho chính trị và xã hội”.
Thắt lưng buộc bụng, đã có lúc được coi là liều thuốc chữa bách bệnh cho nền kinh tế bị khủng hoảng, nhưng giờ đây hình như nó lại trở thành lực cản của quá trình tăng trưởng của châu lục này.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, tình trạng phản tác dụng của biện pháp nêu trên chủ yếu là do những nhượng bộ quá mức của các nhà hoạch định chính sách đối với các nước trong những vấn đề như: Thanh toán nợ và giảm thâm hụt ngân sách… Hy Lạp đã trở thành quốc gia điển hình về phản đối chính sách “thắt lưng buộc bụng” mà IMF và ECB áp đặt, đến mức Chính phủ nước này phải tổ chức trưng cầu ý dân.
Cựu bộ trưởng tài chính Đức nói: “Các biện pháp thắt lưng buộc bụng không thể bị phá bỏ, nhưng chúng phải có liều lượng. Ở thời điểm hiện tại, không khó để chứng kiến cái vòng luẩn quẩn thắt lưng quá mức để rồi tăng trưởng thấp và thất nghiệp cao ở những nước như Hy Lạp hay Bồ Đào Nha”.
“Ở một số nước, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp lên tới hơn 50%, doanh thu thuế thấp hơn, các cơ quan xếp hạng thì thi nhau đánh tụt xếp hạng các nước, kết quả một vòng luẩn quẩn nữa lại bắt đầu”. Vì thế, các chuyên gia cho rằng sự cân bằng giữa “thắt lưng buộc bụng” với tăng trưởng kinh tế có thể là lời giải của thực tiễn.
Và những biến số của công tác dự báo…
Các tổ chức tài chính – kinh tế quốc tế như: IMF, WB, OECD, ADB… đã phải nhiều lần điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2015. IMF là tổ chức dự báo có uy tín nhất cũng đã phải 4 lần hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Thực tế, các nước, nhất là các nước công nghiệp hóa dường như không còn nhiều công cụ trong tay. Lãi suất dự báo sẽ tiếp tục ở mức rất thấp trong thời gian dài ở Nhật Bản, EU và tăng rất chậm ở Mỹ.
Thúc đẩy tăng trưởng là mục tiêu cơ bản của chính sách kinh tế vĩ mô của các nước. Đây cũng là thách thức trên toàn cầu và các giải pháp để thực hiện mục tiêu này không thể chỉ bó hẹp trong phạm vi chính sách tiền tệ.
Theo các chuyên gia, những dự báo gần đây về tăng trưởng GDP trong tương lai đều bị điều chỉnh xuống tại hầu hết các nước. So với dự báo năm 2012, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng GDP danh nghĩa năm 2020 của Mỹ tới 6%, của EU là 3%, của Trung Quốc là 14%, của các thị trường mới nổi khác là 10% và của nền kinh tế toàn cầu là 6%.
Chuyên gia kinh tế - ông Summers cho rằng, hiện nay là thời đại mà “nguy cơ giảm phát lớn hơn lạm phát” và không thể trông chờ gì nhiều từ đặc tính tự phục hồi của các nền kinh tế thị trường. Hiện tượng “tác động trễ” (tức là thiệt hại do suy thoái gây ra không chỉ ở thời hiện tại mà cả ở thời tương lai) dường như vượt ra ngoài sức tưởng tượng của mọi người cách đây vài năm.
Ông Summers cho rằng, tính cấp thiết hiện nay là thế giới cần phải có sự thay đổi lớn về mặt chiến lược kinh tế, các lô gic và công cụ truyền thống đang ngày càng suy giảm hiệu lực.
Như vậy, việc sử dụng những công cụ tài chính, tuy là giải pháp rất quan trọng để các chính phủ điều hành vĩ mô nền kinh tế. Tuy nhiên, trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu hơn, rộng hơn, thì hiệu quả cần phải xem xét một cách toàn diện: Quốc gia – khu vực – quốc tế; ngắn hạn – trung - dài hạn, nhất là sự tác động của các nền kinh tế có vị thế lớn trong các khu vực và toàn cầu./.
Nguyễn Nhâm (CTV)