|
Quân nổi dậy Libi. ( Nguồn: Internet) |
(ĐCSVN) - Từ hơn 4 tháng nay các nước A rập đều lâm vào trạng thái bất ổn định ở mức độ khác nhau. Những người nổi dậy đấu tranh cho tự do. Các cuộc nổi dậy ở mỗi nước đều có đặc điểm riêng, nhưng có một điểm chung: giới trẻ là động lực của phong trào. Phân tích trên tờ L'Expression, ông Chems Eddine Chitour, thuộc Trường Bách khoa quốc gia Angiêri, thừa nhận đúng là động lực nội tại thúc đẩy dân chúng vùng lên chống lại chính quyền và lý do cũng có nhiều, song không thể loại trừ sự thao túng của phương Tây đang dẫn dắt hay định hướng, với mức độ khác nhau, các cuộc nổi dậy đó.
Sau khi không áp đặt được dân chủ bằng chiến thuật không vận ở Irắc và trong vũng lầy ở Ápganixtan, các cường quốc phương Tây cũng định làm như vậy bằng một chiến thuật khác: phá hoại thế giới Arập từ bên trong.
Nhà phân tích K.Selim của tờ Le Quotidien d'Oran dẫn lời cựu Thủ tướng Anh, Tony Blair, được coi là người phát ngôn của phái tân bảo thủ hiếu chiến, nói rằng cách xử lý vấn đề Libi có thể được phương Tây áp dụng đối với tất cả các nước Arập, kể cả các nước bạn bè của họ ở vùng Vịnh. Không một chế độ nào, kể cả các chế độ đã nhiệt tình cộng tác với “cuộc chiến toàn cầu” chống khủng bố của G.W.Bush, được loại trừ trong cuộc chiến mang tính chiến lược nhằm duy trì sự thống trị của phương Tây.
Henry Kissinger, một trong những chiến lược gia được lắng nghe nhiều nhất của phương Tây, có lần đã xác định cuộc chơi chiến lược như sau: "Việc Trung Quốc mạnh lên và trọng tâm thế giới chuyển từ châu Âu sang châu Á sẽ là thảm họa lịch sử lớn nhất.”
Còn về Mùa xuân Arập, ông Kissinger nói thẳng ra rằng nếu phải “làm điều mà người ta có thể làm vì những giá trị nhân văn” thì không vì thế mà phải "tự kết liễu đời mình về phương diện chiến lược". Giữa phân tích của Kissinger và các cuộc can thiệp quân sự như Tony Blair nói ở trên, rõ ràng phương Tây, dưới sự dẫn dắt của Mỹ, chơi trò lợi thế so sánh cuối cùng trước các nước mới trỗi dậy và chủ yếu là Trung Quốc: đó là tính vượt trội của vũ khí.
Liệu những gì đang diễn ra ở các nước Arập có phải là điềm báo trước một mùa xuân hay chỉ là ảo ảnh? Tuynidi, Ai Cập, Yêmen, Libi và Xyri ít nhiều gánh chịu bạo lực do Mùa xuân Arập mang đến. Ở Tuynidi và Ai Cập, có khả năng cách mạng bị chi phối bởi các nhà lãnh đạo chủ chốt được dựng lên trước đây dưới ảnh hưởng của các nước bạn Mỹ và Pháp. Không loại trừ khả năng ở Yêmen cũng vậy. Còn Libi vì có nhiều tài nguyên dầu mỏ nên lại là chuyện khác. Chủ nghĩa đế quốc chưa chết và vẫn có thể gây loạn. Xyri không mang lại lợi ích gì, trừ đối với tố hợp quân sự-công nghiệp châu Âu, song chính ở đây lại diễn ra cuộc chơi về phương diện địa chiến lược. Liên minh với Iran và phong trào Hezbollah ở Li băng, biên giới với Ixraen biến Xyri thành một cuộc chơi đáng kể. Một khi Irắc bị Mỹ chinh phục, Gioócđani và Thổ Nhĩ Kỳ thân phương Tây, Xyri nằm giữa các nước nói trên mặc nhiên trở thành một miếng mồi mà chủ nghĩa đế quốc phương Tây sẽ tìm mọi cách để giành lấy.
Cuộc chiến giành quyền bá chủ thế giới và kiểm soát nguồn tài nguyên đang hiếm dần không thể diễn ra mà không có sự tham gia của các nước A rập. Nhưng cuộc chiến đó cũng có thể nổ ra ngay trên đất của các nước Arập, và thực tế điều đó đã xảy ra. Đó chính là các cuộc chiến tranh đầu tiên của quá trình toàn cầu hóa với phương tiện và phương pháp được sử đụng đạt mức độ hiện đại chưa từng thấy.Ít nhất cũng có thế nói rằng các xã hội Arập do bị áp bức và bóp nghẹt, nên không được chuẩn bị cho các cuộc chiến đó.
Phương Tây vẫn tiếp tục chiếm đoạt và đề xuất một nền dân chủ “bánh mỳ và vui thú” kiểu La Mã ngày xưa. Đó là một chính sách cũ rích để ru ngủ dân chúng chứ không phải để đưa họ đi trên con đường lao động, khổ luyện và xứng đáng. Các dân tộc Arập không muốn chống lại cũng không muốn phục vụ phương Tây nữa, mà muốn được hưởng tự do và hòa bình.
Các nhà lãnh đạo Arập phải hiểu được sự cần thiết phải nhanh chóng thay đổi nếu không muốn bị áp đặt thay đổi từ bên ngoài./.