Thế giới cùng tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông

Chủ nhật, 17/11/2013 15:37

(ĐCSVN) – Tai nạn giao thông là những sự kiện xảy ra bất ngờ, bạo lực và các chấn thương cũng như hậu quả mà nó để lại lâu dài, vĩnh viễn. Mỗi năm, hàng triệu người bị thương hoặc mất đi sự sống do tai nạn giao thông trên toàn thế giới.

 

Tai nạn giao thông để lại những hậu quả lâu dài, vĩnh viễn. (Ảnh: 5minutes.rtl.lu)

Ngày 27/10/2005, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã chính thức công nhận và chọn ngày Chủ nhật tuần thứ ba của tháng 11 hàng năm là “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông” trên toàn cầu. Kể từ đó, ngày này được tổ chức ở nhiều quốc gia trên khắp các châu lục. Ngày kỷ niệm này đã trở thành một công cụ quan trọng trong nỗ lực chung toàn cầu để cải thiện an toàn giao thông. Đây cũng là cơ hội nhằm thu hút sự chú ý của cả cộng đồng đến những tổn thất to lớn về tinh thần và kinh tế do tai nạn giao thông gây ra, tưởng nhớ các nạn nhân của tai nạn giao thông và vinh danh các dịch vụ cứu hộ và hỗ trợ.

Đặc biệt, trong những năm trở lại đây, đau lòng và thương xót hơn nữa là rất nhiều trong số các nạn nhân của tai nạn giao thông là những người trẻ tuổi và một tỷ lệ tương đối lớn trong số các vụ tai nạn đó là có thể tránh được.

Những con số “biết nói”

Một vấn đề quốc tế: Hơn 90% các trường hợp tử vong do tai nạn giao thông xảy ra tại các nước có thu nhập thấp và trung bình trong khi những nước này chỉ chiếm 48% tổng lượng xe đăng ký trên thế giới.

Người đi bộ và xe hai bánh – các nạn nhân chủ yếu: Khoảng 46% những người tử vong do tai nạn giao thông trên thế giới là những người đi bộ, người đi xe đạp và những người điều khiển hoặc người ngồi sau xe mô tô hai bánh, những người sử dụng phương tiện giao thông được gọi là “dễ bị tổn thương”. Tỷ lệ này ở các nước có thu nhập thấp cao hơn so với các nước có thu nhập cao.

Tốc độ: Để tránh tai nạn, đặc biệt là trong số những người đi bộ và xe hai bánh, cần phải kiểm soát tốc độ. Khoảng 1/3 các quốc gia đã thực hiện những biện pháp cần thiết – ví dụ như áp dụng các khu vực giao thông với tốc độ thấp – để giảm tốc độ trong khu vực đô thị.

Uống rượu và lái xe: Lái xe trong khi say rượu làm tăng nguy cơ chấn thương và khả năng tử vong hoặc bị thương nặng. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo thiết lập các ngưỡng cồn trong máu được phép là 0,05g mỗi decilit đối với những người lái xe đã trưởng thành, và trường hợp này hiện đang được chưa tới 50% các quốc gia áp dụng.

Đội mũ bảo hiểm: Trong trường hợp xảy ra tai nạn, đội mũ bảo hiểm có chất lượng tốt có thể giảm được khoảng 40% nguy cơ tử vong và hơn 70% nguy cơ chấn thương nghiêm trọng. Tuy nhiên, chỉ có 40% các nước có luật yêu cầu mũ bảo hiểm cho người đi xe máy và những người ngồi sau phải đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng.

Thắt dây an toàn: Trong trường hợp xảy ra tai nạn, thắt dây an toàn làm giảm nguy cơ tử vong lên từ 40 – 65% đối với hành khách ở phía trước và 25 – 75% cho hành khách phía sau. Tuy nhiên, thắt dây an toàn chỉ bắt buộc đối với người ngồi phía trước và phía sau của xe ô tô tại 57% các quốc gia.

Ghế riêng cho trẻ em: Trong trường hợp xảy ra tai nạn, việc sử dụng các thiết bị an toàn (ghế riêng và tăng cường) làm giảm nguy cơ tử vong lên đến từ 54 – 80% cho trẻ em. Tuy nhiên, dưới 50% các quốc gia có luật bắt buộc sử dụng các thiết bị này trong xe.

Sơ cứu trước khi nhập viện: Các dịch vụ sơ cứu trước khi nhập viện có chất lượng và được tiến hành một cách nhanh chóng sẽ có thể cứu sống được rất nhiều nạn nhân gặp tai nạn giao thông. Khoảng 76% các nước có các hệ thống chăm sóc trước khi nhập viện.

Đã tới lúc phải hành động: Người ta dự báo rằng, trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, các tai nạn giao thông đường bộ sẽ dẫn tới 2,4 triệu trường hợp tử vong mỗi năm và sẽ trở thành nguyên nhân thứ 5 gây tử vong trên thế giới.

Thập kỷ hành động vì an toàn giao thông đường bộ 2011 – 2020

Thập kỷ hành động vì an toàn giao thông đường bộ 2011 – 2020, chính thức được công bố vào ngày 11/5/2011, nêu ra các bước cần thực hiện nhằm tăng cường an toàn cho xe cộ, hạ tầng giao thông, củng cố hệ thống cấp cứu và xây dựng năng lực quản lý an toàn giao thông nói chung.

Kế hoạch toàn cầu cho Thập kỷ hành động vì an toàn giao thông đường bộ 2011 – 2020 cũng kêu gọi xây dựng và thực thi luật bắt buộc đội mũ bảo hiểm, thắt dây an toàn, không uống rượu bia khi lái xe, không đi quá tốc độ cho phép. Để thực hiện thành công kế hoạch hành động, các nước cần ưu tiên trích một tỷ lệ của nguồn kinh phí này cho mục tiêu của Thập kỷ hành động.

Nếu kế hoạch toàn cầu được thực hiện thành công, Thập kỷ hành động vì an toàn giao thông đường bộ 2011 – 2020 có thể đạt được mục tiêu là ổn định và sau đó giảm số lượng các trường hợp tử vong dự báo do tai nạn giao thông trên thế giới. Nếu mục tiêu đầy tham vọng này đạt được sẽ giúp cứu lấy tổng số 5 triệu sự sống, 50 triệu người bị thương nghiêm trọng và giành lại 5.000 tỷ USD trong Thập kỷ.

Theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, “việc phát động Thập kỷ hành động vì an toàn giao thông đường bộ có thể giúp tất cả các quốc gia cùng tiến lên trên con đường xây dựng một tương lai vững chắc hơn. (…) Kế hoạch hành động chỉ cho chúng ta thấy con đường chúng ta sẽ theo đuổi. Nó đưa ra các lĩnh vực hành động ưu tiên nhằm tăng cường an toàn đường bộ và các phương tiện giao thông, cải thiện ứng xử của các lái xe cơ giới, những người lái xe đạp và người đi bộ. (…) Cùng nhau, chúng ta có thể cứu lấy hàng triệu sự sống”.

 

Tăng cường an toàn giao thông giúp cứu lấy hàng triệu sự sống
 (Ảnh: ladepeche.fr)

Tổn hại tinh thần và kinh tế khôn lường

Các chấn thương do giao thông là một vấn đề y tế cộng đồng rất lớn và là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong và tàn tật trên toàn thế giới. Theo Liên hợp quốc, mỗi năm, khoảng gần 1,3 triệu người tử vong và khoảng 20 – 50 triệu người bị thương trong các tai nạn giao thông. Hơn 90% số ca tử vong ảnh hưởng đến các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Các tổn hại từ tai nạn giao thông là 3 nguyên nhân chính gây tử vong trong số những người ở độ tuổi từ 5 – 44.

Các chấn thương do tai nạn giao thông có nguy cơ làm chậm tiến bộ trong phát triển kinh tế và con người. Người ta ước tính rằng thiệt hại toàn cầu từ tai nạn giao thông lên đến 18 tỷ USD và tổn thất cho các chính phủ từ 1 – 3% GDP. Đối với một số nước có thu nhập thấp và trung bình, sự mất mát vượt quá tổng số tiền viện trợ phát triển mà họ nhận được. Các vụ tai nạn là một gánh nặng lớn đối với nền kinh tế của nhiều quốc gia do tác động trực tiếp của chúng đối với các dịch vụ y tế, dịch vụ phục hồi chức năng, cũng như các chi phí trực tiếp. Các vụ tai nạn giao thông cũng có thể gây áp lực đáng kể đối với các gia đình bị ảnh hưởng khi phải đối mặt với chi phí y tế và phục hồi chức năng, chi phí tang lễ và chưa kể đến việc mất đi nguồn thu nhập của nạn nhân cùng với những tổn thương về tâm lý, cảm xúc.

Trong thông điệp được đưa ra nhân Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông (17/112013), Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon lên tiếng kêu gọi sự quan tâm chú ý của cộng đồng tới một thực tế đáng lo ngại là “mỗi năm, các tai nạn giao thông giết chết khoảng 1.240.000 người và khiến 50 triệu người bị thương”. Tổng Thư ký Ban Ki-moon đặc biệt nhấn mạnh tới những tổn thương tâm lý cũng như những hệ quả nghiêm trọng về kinh tế mà tai nạn giao thông để lại cho cha mẹ, con cái, anh chị em, bạn bè, đồng nghiệp của các nạn nhân. Rất nhiều gia đình rơi vào nghèo đói do mất đi sự hỗ trợ từ người thân hay các tổn thất bắt nguồn từ việc vừa mất đi nguồn thu nhập vừa phải tiêu tốn vào các dịch vụ chăm sóc y tế kéo dài.

“Trong khi cộng đồng quốc tế đang nỗ lực để đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ vào năm 2015 , tôi kêu gọi thông qua các biện pháp hợp tác nhiều hơn nữa về an toàn đường bộ trong khuôn khổ các biện pháp phát triển trong tương lai. Đây sẽ là một nhân tố thiết yếu trong những nỗ lực để cải thiện sức khỏe và cứu lấy nhiều sự sống trong những năm tới”, nhà lãnh đạo cấp cao của Liên hợp quốc nhấn mạnh.

Có thể khẳng định rằng, tai nạn giao thông là sự việc không ai mong muốn và những hệ quả do tai nạn giao thông để lại là vô cùng thảm khốc, trong đó rất nhiều vụ tai nạn giao thông có thể phòng tránh được. Chính vì vậy, cùng với nỗ lực chung của toàn thế giới, mỗi quốc gia, mỗi tổ chức và mỗi cá nhân cần có những biện pháp tự bảo vệ và phòng tránh các tai nạn giao thông bằng những việc làm thiết thực. Xây dựng một cuộc sống an toàn và hạnh phúc hay chính là phát triển bền vững đã, đang và sẽ luôn là mục tiêu hướng tới của toàn nhân loại. Bên cạnh các cuộc đấu tranh chống nghèo đói, dịch bệnh, khủng bố, thì cuộc đấu tranh chống lại tai nạn giao thông cũng cần được xem là ưu tiên hàng đầu trong quyết sách của mỗi quốc gia./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực