Thị trường dầu mỏ vẫn biến động khá thất thường

Thứ hai, 19/03/2012 15:51

Tuần qua giá dầu biến động khá thất thường, từ chỗ tăng nhẹ vào đầu tuần theo sau tâm lý lạc quan về triển vọng kinh tế Mỹ, chuyển sang giảm sâu trước đồn đoán thị trường sẽ được cung ứng đầy đủ, rồi lại bất ngờ tăng mạnh vào cuối tuần do lo ngại nguồn cung bị gián đoạn.

Dầu thô tăng giá trở lại từ phiên 13/3, do nhận được sự hỗ trợ từ tâm lý lạc quan hơn về kinh tế kinh tế Mỹ và những quan ngại kéo dài liên quan đến căng thẳng hạt nhân giữa Iran và các nước phương Tây.

Theo ông Tetsu Emori, quản lý quỹ Astmax tại Tokyo, giá dầu thường bị đẩy lên khi nhận được những dấu hiệu hỗ trợ từ thị trường Mỹ, thị trường tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất thế giới.

Hy vọng tiêu thụ dầu tăng cao sau khi Mỹ công bố số liệu cho thấy nền kinh tế đã tạo thêm hơn 200.000 việc làm tháng thứ hai liên tiếp vào tháng 2/2012.

Thêm vào đó là đánh giá lạc quan hơn về viễn cảnh của nền kinh tế lớn nhất thế giới của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) theo sau báo cáo cho thấy doanh thu bán lẻ tháng 2/2012 đã tăng 1,1%, mức cao nhất trong vòng 5 tháng qua, và thị trường việc làm đã được cải thiện đáng kể.

Chính vì vậy, các nhà kinh doanh luôn dõi theo chặt chẽ diễn biến từ thị trường này. Giới phân tích cũng đang lưu ý đến khả năng các nhà sản xuất dầu thô không thể tăng đủ sản lượng để đáp ứng nhu cầu trong trường hợp Iran cắt giảm sản lượng 4 triệu thùng dầu mỗi ngày.

Nhờ đó kết phiên này, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 4/2012 tăng 37 xu, đóng cửa ở mức 106,71 USD/thùng.

Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn cũng tăng tới 88 xu, đứng ở mức 126,22 USD/thùng.

Nhưng sang phiên 14/3, giá dầu thế giới lại giảm do phải đối mặt với một loạt nhân tố: đồng USD mạnh lên, dự trữ dầu thô của Mỹ tăng mạnh và Arập Xêút đảm bảo sẽ đáp ứng sự thiếu hụt nguồn cung từ Iran.

Do đó giá dầu ngọt nhẹ New York giao tháng 4/2012 giảm 1,28 USD xuống 105,43 USD/thùng. Tại London, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ giảm 1,25 USD xuống 124,97 USD/thùng.

Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) ước tính sau tháng 6/2012, lượng dầu xuất khẩu từ Iran sẽ giảm khoảng 800.000-1 triệu thùng/ngày, chủ yếu do các biện pháp trừng phạt của châu Âu và Mỹ.

Cũng theo IEA, nguồn cung dầu toàn cầu trong tháng 2/2012 đã giảm 200.000 thùng/ngày, mặc dù các thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tăng sản lượng. IEA vẫn giữ nguyên dự báo về nhu cầu dầu mỏ thế giới năm 2012 ở mức 89,9 triệu thùng/ngày.

Bất chấp việc cả Mỹ và Anh đều phủ nhận tin đồn hai nước đã nhất trí mở kho dầu dự trữ chiến lược để "hạ nhiệt" giá xăng dầu, giá dầu thô vẫn "đổ dốc" trong phiên 15/3 do giới đầu tư dự báo Mỹ và các quốc gia phương Tây cuối cùng cũng sẽ phải mở kho dự trữ chiến lược như đã từng làm hồi mùa Hè năm ngoái.

Theo sau đó giá dầu ngọt nhẹ New York để mất hơn 2 USD/thùng xuống đóng cửa phiên ở mức 105,11 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent Biển Bắc để mất tới hơn 4 USD xuống 123,55 USD/thùng.

Nhưng rồi thị trường dầu mỏ lại đột ngột "nóng" lên về cuối tuần do căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Israel với Iran khơi lại nỗi lo ngại nguồn cung từ Trung Đông bị gián đoạn.

Thêm vào đó là việc Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí cấm các giao dịch tài chính thông qua Mạng giao dịch tài chính viễn thông liên ngân hàng toàn thế giới (SWIFT) đối với hàng trăm cá nhân và tổ chức của Iran từng bị EU liệt vào "danh sách đen" do chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran.

Theo sau đó giá dầu ngọt nhẹ New York tăng 1,95 USD lên 107,06 USD/thùng và giá dầu Brent biển Bắc tăng mạnh hơn tới 3,21 USD lên 125,81 USD/thùng khi thị trường đóng phiên cuối tuần 16/3.

Căng thẳng giữa Mỹ và Israel với Iran đã đẩy giá dầu thô không ngừng leo thang trong thời gian qua. Trong tháng này giá dầu ngọt nhẹ New York dao động quanh mức 110 USD/thùng, trong khi dầu thô Brent biển Bắc có lúc đã vọt lên mức 127 USD/thùng.

Tập đoàn tài chính Citigroup dự đoán giá dầu thô Brent Biển Bắc sẽ leo lên mức trung bình 130 USD/thùng trong quý 3 năm 2012, dựa vào những diễn biến gần đây trên thị trường dầu mỏ thế giới.

Theo chuyên gia phân tích Jim Ritterbusch, trong bối cảnh giá xăng ở Mỹ đã tăng hơn 8% từ đầu năm tới nay, nhiều khả năng Chính phủ Mỹ trong mùa Hè này sẽ phải mở kho dự trữ chiến lược như mùa Hè vừa qua.

Hồi tháng 7/2011 để ngăn chặn sự leo thang của giá dầu do cuộc chiến tại Libya, 28 quốc gia thành viên Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã đồng loạt tung ra 60 triệu thùng dầu từ các kho dự trữ chiến lược. Nhờ đó giá dầu thế giới giảm 5%./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực