Thị trường năng lượng nguyên tử thế giới và ưu thế của các công ty Nga
Thứ năm, 03/06/2010 10:20 (GMT+7)
(ĐCSVN) - Trong bối cảnh các nguồn năng lượng ngày càng cạn kiệt và trở nên khan hiếm, vấn đề tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế cho dầu lửa và khí đốt ngày càng trở nên cấp thiết đối với nhiều quốc gia. Các chuyên gia cho rằng, trong tương lai gần, phát triển năng lượng hạt nhân là phương án thiết thực hơn cả nhằm đảm bảo nguồn cung năng lượng cho phát triển kinh tế.
Hiện nay, Pháp, Mỹ, Nhật Bản và Nga được coi là những quốc gia dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân. Tuy nhiên, theo kết quả điều tra quá trình nghiên cứu năng lượng hạt nhân cũng như kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực này do các chuyên gia độc lập tiến hành, các hãng cung cấp dịch vụ xây dựng tổ hợp hạt nhân của Pháp và Mỹ đang phải đối mặt với những khó khăn lớn về công nghệ. Cụ thể, hãng “Areva” của Pháp đang trong thời kỳ khó khăn do những vấn đề nảy sinh khi thực hiện dự án xây dựng lò phản ứng hạt nhân thế hệ 3 mang tên EPR-1600 tại Phần Lan. Đánh giá của các chuyên gia khoa học và thành viên Chính phủ ở Phần Lan đều cho rằng, việc hoàn thiện quá trình xây dựng lò phản ứng hạt nhân thế hệ 3 tại nhà máy điện nguyên tử Ôn-ki-lu-ô-tô ở Phần Lan do hãng “Areva” đảm nhận sẽ phải hoãn lại cho tới cuối năm 2012 hoặc tới đầu năm 2013.
Trong khi đó, cuối tháng 11.2009, một thanh sát viên về thiết bị hạt nhân của Anh đã công bố báo cáo chỉ trích gay gắt dự án lò phản ứng hạt nhân loại AP-1000 của Mỹ. Cơ quan Giám sát Nguyên tử của Trung Quốc sẽ không cấp giấy phép xây dựng lò phản ứng hạt nhân loại AP-1000 chừng nào những khiếm khuyết chưa được loại trừ và những đòi hỏi cho loại lò này chưa được đáp ứng. Cho tới nay, loại lò phản ứng AP-1000 mà Mỹ quảng cáo ra thị trường nước ngoài vẫn chỉ nằm trên giấy và đã 30 năm nay, hãng Westinghouse của Mỹ chưa trực tiếp thực hiện việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân nguyên tử nào.
Theo các chuyên gia, việc thiếu vắng các chuyên viên chuyên ngành và kinh nghiệm xây dựng là những khiếm khuyết rất lớn, đặc biệt là đối với thị trường các nước thứ ba, có thể dẫn tới tăng giá thành một cách đáng kể ngay trong quá trình thực hiện dự án. Hiện nay, có ý kiến cho rằng, những tổ hợp hạt nhân mới nhất do Mỹ xây dựng có thể đi vào hoạt động vào giữa những năm 2010, nhưng do một số nguyên nhân khác, thời hạn trên có thể bị trì hoãn tới năm 2020.
Trong bối cảnh đó, uy tín và vị thế của các hãng điện hạt nhân Nga ngày càng được khẳng định. Công nghệ hạt nhân Nga không có những khiếm khuyết nêu trên, mức độ an toàn của những lò phản ứng hạt nhân do Nga xây dựng đáp ứng những tiêu chuẩn quốc tế cao nhất. Các hãng của Nga có những kinh nghiệm thực tế về xây dựng các tổ hợp hạt nhân trên toàn thế giới. Khả năng cạnh tranh của các công ty Nga trên thị trường hạt nhân ngày càng được nâng cao. Phát biểu tại một cuộc họp về phát triển năng lượng hạt nhân tại Nga vào tháng 3.2010, Thủ tướng Nga Pu-tin khẳng định, Nga có nhiều khả năng sẽ kiểm soát khoảng 25% thị trường xây dựng và phát triển nhà máy điện hạt nhân trên thế giới.
Hiện nay, số lượng các nước đã và đang sử dụng dịch vụ của Nga trong lĩnh vực điện hạt nhân có xu hướng gia tăng. Cụ thể, các công ty Nga đã tham gia gói thầu xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Ác-hen-ti-na. Trong chuyến thăm Vê-nê-du-ê-la hồi tháng 4.2010, Thủ tướng Pu-tin và Tổng thống Cha-vét đã thảo luận về việc xây dựng lò phản ứng hạt nhân dân sự đầu tiên trên lãnh thổ Vê-nê-du-ê-la. Ngày 24.3.2010, Công ty xây dựng hạt nhân Atomstroyexport thuộc Tập đoàn hạt nhân Rosatom của Nga ký thỏa thuận với đối tác Trung Quốc để xây dựng thêm hai lò phản ứng công suất 1.000 MW cho nhà máy điện hạt nhân Điền Loan ở miền Đông Trung Quốc. Các chuyên gia cho rằng, Nga đang cạnh tranh với các nước phương Tây và Nhật Bản để giành thị phần năng lượng hạt nhân của Trung Quốc trong bối cảnh Bắc Kinh có kế hoạch tăng số lượng nhà máy điện hạt nhân nhằm giảm sự phụ thuộc vào than đá.