Sau những lùm xùm và căng thẳng từ vụ NATO không kích nhầm lính Pa-ki-xtan, I-xla-ma-bát mới đây đã chủ động đồng ý nối lại tuyến đường tiếp vận tới Áp-ga-ni-xtan. Nhưng thiện chí của Pa-ki-xtan lại đi kèm điều kiện “khó nhằn” khi I-xla-ma-bát “đòi” Oa-sinh-tơn chuyển giao công nghệ hạt nhân dân sự cho mình.
Bánh ít đi, bánh quy lại
Theo tờ Tin tức của Pa-ki-xtan, Ủy ban An ninh quốc gia thuộc Quốc hội Pa-ki-xtan đã gắn việc mở lại các tuyến tiếp tế cho lực lượng liên quân do NATO đứng đầu tại Áp-ga-ni-xtan với đề nghị về một thỏa thuận chuyển giao công nghệ hạt nhân dân sự với Mỹ. Theo dự thảo cuối cùng hoàn tất trong ngày 4-1 để trình Chính phủ, ủy ban trên tuyên bố "nền tảng cho mối quan hệ mới (giữa Pa-ki-xtan và NATO) sẽ phụ thuộc vào thỏa thuận chuyển giao công nghệ hạt nhân dân sự cho Pa-ki-xtan, để nước này có thể kiểm soát được cuộc khủng hoảng năng lượng của mình".
Quan hệ Pa-ki-xtan - Mỹ đã rơi vào cuộc khủng hoảng tồi tệ kể từ tháng 5-2011, khi biệt kích Mỹ thực hiện một chiến dịch bí mật tiêu diệt trùm khủng bố Bin La-đen (Bin Laden) trên lãnh thổ Pa-ki-xtan. Tiếp đó, vào cuối tháng 11-2011, các trực thăng của NATO từ Áp-ga-ni-xtan đã thâm nhập vào khu vực Đông Bắc của Pa-ki-xtan, tấn công một chốt kiểm soát quân sự gần biên giới làm 25 binh sĩ thiệt mạng và 14 người bị thương. Pa-ki-xtan sau đó tuyên bố sẽ xem xét lại tất cả các thỏa thuận với Mỹ và NATO liên quan tới các hoạt động ngoại giao, chính trị, quân sự và tình báo. Cuối tháng 12 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Pa-ki-xtan A-mát Mu-khơ-ta (Ahmad Mukhtar) tuyên bố, tổ chức quân sự trên sẽ phải trả phí quá cảnh nếu Pa-ki-xtan mở lại các tuyến đường vốn được sử dụng để tiếp vận cho 150.000 binh lính đồn trú ở Áp-ga-ni-xtan.
Nếu Pa-ki-xtan đóng cửa các tuyến đường tiếp vận cho NATO, liên minh do Mỹ cầm đầu này sẽ gặp khó khăn lớn trong việc cung cấp nhiên liệu và vật tư cho các binh sĩ của họ tại Áp-ga-ni-xtan, đồng thời gây ra cuộc khủng hoảng ngoại giao sâu sắc đe dọa tới hoạt động chống lại lực lượng khủng bố của Ta-li-ban và Al Qaeda tại khu vực này. Mặc dù Mỹ đã chọn cách vận chuyển thực phẩm và thiết bị quân sự qua Trung Á tới Áp-ga-ni-xtan để giảm sự phụ thuộc vào Pa-ki-xtan, nhưng tuyến đường vận chuyển đi qua Pa-ki-xtan vẫn chiếm tới 49% nguồn cung cấp hậu cần cho 140.000 binh sĩ đang làm nhiệm vụ tại Áp-ga-ni-xtan do tuyến đường này ngắn và có chi phí rẻ hơn nhiều so với các tuyến đường khác.
|
Tên lửa đạn đạo Ghauri-II của Pa-ki-xtan có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Ảnh: AP. |
Chính vì thế, theo các nhà phân tích, lần này chính quyền I-xla-ma-bát, vốn đang tìm cách đạt được một thỏa thuận hạt nhân với Oa-sinh-tơn tương tự gói thỏa thuận mà chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Gioóc-giơ Bu-sơ (George W.Bush) dành cho Ấn Độ, quốc gia láng giềng với Pa-ki-xtan, đã quyết định đánh bài ngửa với đồng minh lâu năm. Đây không phải lần đầu tiên Pa-ki-xtan thể hiện sự “nhòm ngó” rõ ràng đối với công nghệ hạt nhân của Mỹ. Cả Thủ tướng Gi-la-ni (Gilani) lẫn Tổng thống Da-đa-ri (Zardari) của nước này đã nhiều lần bóng gió rằng, Mỹ phải chuyển giao công nghệ hạt nhân để giúp đỡ Pa-ki-xtan giải quyết vấn đề khủng hoảng năng lượng nếu muốn cải thiện mối quan hệ.
Không “nhè” công nghệ vì chưa “nắm đằng chuôi”
Pa-ki-xtan từ lâu đã lâm vào một cuộc khủng hoảng năng lượng trầm trọng. Nhiều nơi ở Pa-ki-xtan hiện đang phải cắt điện tới 18 giờ mỗi ngày, làm suy yếu thêm nền kinh tế đang lụn bại và tăng thêm khó khăn cho đời sống người dân, vốn đang gặp đủ mọi vấn đề.
Là đồng minh lâu năm và là nhà tài trợ chính cho Pa-ki-xtan, Mỹ thừa biết điều đó. Tuy nhiên, chính quyền hiện nay của Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma (Barack Obama) vẫn từ chối ký với I-xla-ma-bát thỏa thuận này. Oa-sinh-tơn từng tuyên bố, I-xla-ma-bát không đủ điều kiện để đạt được một hiệp định như vậy với nước Mỹ do những nghi ngờ về vi phạm cấm phổ biến vũ khí hạt nhân. Bên cạnh đó, dưới mắt của Mỹ, thỏa thuận hạt nhân dân sự này là bằng chứng cho thấy I-xla-ma-bát đang cố gắng tạo thế cân bằng với đối thủ Ấn Độ của họ.
Trong khi đó, mặc cho Oa-sinh-tơn vẫn không ngừng lo lắng về câu chuyện phổ biến hạt nhân trong quá khứ của Pa-ki-xtan thì nước này vẫn tiếp tục tăng cường kho vũ khí hạt nhân của mình. Theo website Pakistan Defense, tính đến thời điểm hiện nay, kho vũ khí hạt nhân của Pa-ki-xtan tối thiểu phải có từ 110 đến 160 đầu đạn. Hiện Pa-ki-xtan vẫn đang ra sức hiện đại hóa khả năng của nước này về mọi mặt, bao gồm các hệ thống vũ khí mới có thể mang đầu đạn hạt nhân, cùng những cơ sở hạt nhân mới cung cấp các vật liệu quan trọng cần cho việc mở rộng kho vũ khí có khả năng hủy diệt hàng loạt.
Tuy nhiên, tất cả mới là bề nổi của tảng băng chìm. Theo các chuyên gia quân sự, nguyên nhân chính dẫn đến việc Mỹ từ chối ký thỏa thuận chuyển giao công nghệ hạt nhân dân sự cho Pa-ki-xtan chính là vì Mỹ chưa thể "nắm đằng chuôi" vũ khí hạt nhân của Pa-ki-xtan khi nhiều thông tin vẫn còn được giữ bí mật. Kể từ khi Pa-ki-xtan có thể khai thác quặng u-ra-ni ngay trong lãnh thổ của mình và trải qua nhiều thập niên kinh nghiệm, tiềm năng sản xuất của nước này là rất đáng kể. Theo tin tức tình báo thì Pa-ki-xtan đã phát triển đủ chất liệu phân rã hạt nhân để sản xuất hơn 100 đầu đạn hạt nhân và chế tạo khoảng 8 đến 20 vũ khí/năm. Thậm chí, lời thừa nhận của Đô đốc M.Mu-len (M.Mullen), Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, khiến không ít người giật mình: "Quả thực Mỹ có tầm nhìn còn nhiều hạn chế về Pa-ki-xtan. Sự thực phía sau những kho chứa vũ khí ở I-xla-ma-bát chưa bao giờ được tiết lộ và chính chúng tôi dường như đã bất lực khi cố gắng đi tìm một câu trả lời thỏa đáng". Và như thế, cho dù có là đồng minh chiến lược với Pa-ki-xtan thì Mỹ vẫn không thể “nhè” công nghệ và chính thức "vào sân chơi" kiểm soát chương trình hạt nhân của nước này.