(ĐCSVN) - Cuối tuần trước, Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu NATO trợ giúp đảm bảo an ninh tại khu vực biên giới với Syria bằng hệ thống tên lửa Patriot và yêu cầu này đã được chấp nhận. Vấn đề này một lần nữa khuấy động tình hình quốc tế.
Tính toán của Thổ Nhĩ Kỳ
|
Thổ Nhĩ Kỳ muốn dựng "hàng rào" tên lửa với láng giềng Syria (Ảnh Reuters). |
Trước khi có quyết định của NATO về việc đáp lại yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ, tranh cãi giữa Ankara và một số thành viên NATO đã nổ ra. Hệ thống này đặt ở đâu trên đất Thổ Nhĩ Kỳ và ai sẽ chỉ huy hệ thống phòng thủ này là vấn đề Ankara quan tâm. Thủ tướng Erdogan và đảng cầm quyền Công lý và Phát triển của ông đã khẳng định quan điểm “chỉ có Thổ Nhĩ Kỳ mới có quyền cho lắp đặt hệ thống phòng thủ này ở vị trí và khu vực thích hợp”. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng yêu cầu được nhận vị trí chỉ huy hệ thống này trong trường hợp bị tấn công.
Thổ Nhĩ Kỳ đang nỗ lực xây dựng “khu vực an toàn” dọc theo biên giới với Syria. Theo các chuyên gia quân sự, bố trí hệ thống tên lửa Patriot dọc theo biên giới với Syria, Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng sẽ có tác dụng ngăn chặn nguy cơ bất ổn từ Syria. NATO sẽ không phải gánh thêm nhiệm vụ bảo vệ thành viên của mình bởi những đe dọa tương tự. Trong chuyến thăm gần đây đến Pakistan, ông Erdogan đã tuyên bố rằng, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ biết chỗ để bố trí hệ thống đánh chặn này. Phát ngôn viên của đảng Công lý và Phát triển đang cầm quyền tại Thổ Nhĩ Kỳ, ông Hiusein Chelik khẳng định: “Không ai khác ngoài Thổ Nhĩ Kỳ quyết định khi nào sẽ sử dụng hệ thống này (Patriot). Ông này còn ví von "Quân đội của chúng tôi phải luôn luôn được để tay lên nút bấm” bởi vì khi “nguy hiểm đe doạ Thổ Nhĩ Kỳ thì chỉ trong vài giây, tên lửa đã được phóng đi rồi”. Tuy nhiên, đằng sau việc bố trí tên lửa trên biên giới với Syria, người ta lại nhìn ra khía cạnh khác của vấn đề.
Giới quan sát đánh giá tuyên bố của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ và người phát ngôn của đảng cầm quyền như một phương thức làm yên lòng phe đối lập và cử tri. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, bằng tuyên bố và hành động muốn khẳng định với dư luận trong nước quyền độc lập quyết định những vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia của họ. Chỉ có điều, các đối tác của Thổ Nhĩ Kỳ trong NATO tiếp nhận những tuyên bố này một cách dè dặt.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức, Thomas de Mezier, hy vọng, vào trung tuần tháng 12/2012, Quốc hội Đức sẽ chấp thuận đề nghị của Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Ali Semin, trợ lý cao cấp của Nhóm Nghiên cứu Trung Đông của Viện Tư duy chiến lược tại Ankara thì tin rằng, hệ thống tên lửa Patriot sẽ được bố trí gần khu vực biên giới phía Bắc của Thổ Nhĩ Kỳ với Syria. Ông này nói rằng, việc bố trí hệ thống tên lửa như vậy sẽ là bước đi đầu tiên trong việc tạo ra khu vực được bảo vệ hay còn gọi là “vùng cấm bay”. Đề cập đến vấn đề này, hồi đầu tuần trước, Tổng thư ký NATO, Anders Rasmusen, nói rằng, NATO không bàn đến việc lập “vùng cấm bay” ở Syria; còn Bộ trưởng Quốc phòng Đức thì cụ thể hơn khi nói “Việc bố trí hệ thống tên lửa Patriot ở Thổ Nhĩ Kỳ không thể được nhìn nhận như là một sự chuẩn bị cho việc lập vùng cấm bay”.
Tuy nhiên, những tuyên bố có tính trấn an dư luận này không làm Nga hài lòng. Kế hoạch bố trí tên lửa dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ làm quan hệ giữa NATO và Nga lại một phen dậy sóng. Từ Moscow, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhận định, động thái trên của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có nguy cơ làm dấy lên một cuộc xung đột lớn trong khu vực. Ngoại trưởng Nga cho rằng, việc NATO triển khai hệ thống tên lửa đất đối không Patriot tại khu vực biên giới giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chẳng khác nào hành động cổ súy cho chính quyền Ankara sử dụng vũ khí và phát động một “cuộc xung đột vũ trang nghiêm trọng” với sự liên đới của NATO. Chia sẻ với quan điểm của cấp trên, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergey Rebrov nói: “’Thay bằng những quyết định quân sự, cộng đồng quốc tế nên tìm kiếm những giải pháp chính trị”.
Trước đó, quan hệ giữa Nga và NATO vốn đã căng thẳng bởi kế hoạch phòng thủ tên lửa tại châu Âu. Để làm dịu bớt tình hình, NATO đã thực hiện một động thái được coi là “làm yên lòng đối tác” bằng cách mời Nga tham gia xây dựng “lá chắn”, nhưng đàm phán giữa NATO và Nga về vấn đề này từ lâu đã lâm vào ngõ cụt. Báo chí Nga không quên lưu ý rằng, không kể Mỹ, Đức và Hà Lan là hai thành viên duy nhất của NATO sở hữu thế hệ tên lửa “Patriot” hiện đại nhất và có khả năng sẽ tham gia thực hiện kế hoạch bảo vệ Thổ Nhĩ Kỳ khỏi những “nguy cơ tiềm tàng từ Syria”.
Đưa ra phản ứng trước những thông tin trên, ngày 25/11, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu, đã bác bỏ những lo ngại của các bên xung quanh kế hoạch NATO triển khai tên lửa dọc khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ tiếp giáp với Syria. Ông Davutoglu khẳng định: “Chúng tôi không thấy có bất kỳ yếu tố nào khiến những lo ngại trên trở thành hiện thực. Hệ thống tên lửa mà NATO triển khai tại khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chỉ có một mục tiêu duy nhất là phòng thủ. Hệ thống này sẽ chỉ được vận hành trong trường hợp an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ bị đe dọa. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ duy trì nguyên tắc sẽ áp dụng tất cả các biện pháp phù hợp ngay khi phải đối mặt với những mối đe dọa dù là nhỏ nhất”.
Như để khẳng định thêm quan điểm của giới chức Ankara, ngày 26/11, lực lượng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cũng ra tuyên bố khẳng định, hệ thống tên lửa Patriot mà NATO đang lên kế hoạch triển khai tại khu vực biên giới nước này chỉ “đơn thuần nhằm mục tiêu phòng thủ trước các mối đe dọa có khả năng phát sinh từ Syria”. Bản tuyên bố của Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ có đoạn trấn an: “Hệ thống này không mở đường cho việc áp đặt một vùng cấm bay hay một kế hoạch tấn công nhằm chống lại Syria mà chỉ đơn thuần nhằm đối phó với các mối đe dọa về tên lửa hay các cuộc không kích từ Syria sang lãnh thổ của chúng tôi”.
Iran không ngồi yên, Syria cũng phản ứng
Phản ứng về những giải thích có tính trấn an trên của giới chức Thổ Nhĩ Kỳ và NATO, ngày 26/11, Phó Chủ tịch Ủy ban thường vụ Quốc hội Iran Mohammad-Hassan Asfari cho biết, Ủy ban Chính sách Đối ngoại và An ninh Quốc gia thuộc Quốc hội Iran sẽ tiến hành nhóm họp vào tuần tới để thảo luận về việc tên lửa của NATO được triển khai trên khu vực biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Ông Asfari cho rằng, việc triển khai hệ thống tên lửa tại khu vực biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria sẽ làm vấn đề trở nên căng thẳng hơn và “có nguy cơ khiến tình hình xung đột trong khu vực tiếp tục leo thang”.
Cuối tuần trước, khi thông tin Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu NATO triển khai tên lửa tại khu vực biên giới tiếp giáp với Syria được chính thức xác nhận, Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Larijani cũng đã tới Ankara để trực tiếp bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ của Tehran. Ông Larijani đã cảnh báo Ankara: “Kế hoạch triển khai tên lửa của NATO tại khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria sẽ chỉ đẩy an ninh và sự ổn định của toàn bộ khu vực vào tình thế nguy hiểm”. Tiếp xúc với báo giới, ông Larijani nhấn mạnh: “Trong buổi tiếp xúc với các quan chức hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ, chúng tôi đã cảnh báo chính quyền Ankara rằng việc triển khai các hệ thống tên lửa này sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng và khoét sâu thêm những vấn đề căng thẳng trong khu vực”.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Ramin Mehmanparast mới đây cũng cảnh báo kế hoạch triển khai hệ thống tên lửa Patriot của NATO tại khu vực biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria sẽ chỉ khiến cuộc khủng hoảng tại Syria thêm phức tạp. Ông Mehmanparast đã thẳng thắn trình bày quan điểm của chính phủ Iran về vấn đề này và “cực lực lên án tất cả các hành động nhằm quân sự hóa vấn đề Syria”. Bộ Ngoại giao Iran nhấn mạnh rằng, tốt hơn hết là các bên có liên quan nên tìm kiếm những giải pháp chính trị cho những vấn đề nổi cộm trong khu vực.
Trong bối cảnh, cuộc xung đột tại Syria lại xuất hiện thêm những nhân tố mới làm phức tạp thêm tình hình, chính quyền Damascus cũng xem kế hoạch của Ankara dựng "hàng rào" tên lửa tại khu vực biên giới với Syria là một hành vi “gây hấn mới của chính quyền Thủ tướng Erdogan”. Đài truyền hình quốc gia Syria dẫn lời một nhà lãnh đạo của nước này nhấn mạnh: “Syria quy cho ông Erdogan trách nhiệm về những hành vi nhằm mục tiêu quân sự hóa tình hình tại khu vực biên giới giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời làm căng thẳng thêm mối quan hệ giữa hai bên”.
Mục đích quan trọng của bất cứ hệ thống phòng thủ nào cũng là để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia hay một liên minh các quốc gia trước nguy cơ bị tấn công hoặc xâm lược. Thế nhưng, nhận thức về vấn đề này còn rất nhiều khác biệt bởi sự thiếu tin tưởng lẫn nhau. Vì vậy, thay bằng làm dịu bớt tình hình căng thẳng tại một số khu vực nhạy cảm trên thế giới, vấn đề bố trí hệ thống tên lửa không chỉ gây nên những hoài nghi từ những quốc gia có quan điểm khác nhau về vấn đề phòng thủ tên lửa mà còn tạo ra những tranh cãi ngay trong nội bộ các nước có lợi ích tưởng như tương đồng. Trong trường hợp này, Thổ Nhĩ Kỳ và NATO là một ví dụ./.