Thời gian cầm quyền khó khăn của Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi

Thứ hai, 10/08/2015 17:49

(ĐCSVN) - Sau gần một năm cầm quyền, chính phủ của Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi đã đạt được một số kết quả ban đầu. Tuy nhiên, những thành tựu khiêm tốn không đủ để người dân Iraq hài lòng, trái lại sự bất bình đang có chiều hướng dâng cao đã buộc Chính phủ Iraq phải thực hiện những cải cách mới.

 

 Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi. (Ảnh TTXVN)

Nhằm cắt giảm chi tiêu công, xoa dịu làn sóng biểu tình đang dâng cao, ngày 10/8, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi đã công bố kế hoạch cải cách sâu rộng. Sau khi nhận được sự ủng hộ từ phía Nội các của ông al-Abadi, kế hoạch này đang được trình Quốc hội chờ thông qua.

Kế hoạch cải cách gồm 7 điểm, trong đó đáng chú ý là đề xuất bãi bỏ 3 chức vụ Phó Tổng thống và 3 chức vụ Phó Thủ tướng. Tuy nhiên, dư luận Iraq vẫn đang đặt câu hỏi, liệu đây có phải là giải pháp giúp chấm dứt căn bệnh tham nhũng đã ăn sâu vào hệ thống chính trị Iraq, nơi việc bổ nhiệm nhân sự cho các vị trí cấp cao được quyết định dựa vào sự bảo trợ từ đảng và lòng trung thành về mặt phe phái.

Theo kế hoạch mới này, cựu Thủ tướng Nuri al-Maliki - người đang cùng cựu Chủ tịch Quốc hội Osama al-Nujaifi và cựu Thủ tướng Iyad Allawi nắm giữ vị trí Phó Tổng thống - sẽ bị bãi nhiệm. Dư luận từng chỉ trích mạnh mẽ ông al-Maliki là đã khoét sâu thêm căng thẳng phe phái và bổ nhiệm những người trung thành với ông, song thiếu năng lực, giữ những chức vụ cấp cao trong quân đội Iraq trước thời điểm lực lượng Nhà nước Hồi giáo bắt đầu chiến dịch tấn công sang Iraq hồi cuối năm ngoái. Ông al-Maliki đã nhanh chóng tuyên bố ủng hộ đề xuất của Thủ tướng al-Abadi, dù trước đó từng công khai chỉ trích việc ông al-Abadi lên nắm quyền, và không ngừng hối thúc chính phủ đương nhiệm giải quyết tình trạng tham nhũng và xung đột phe phái ở trong nước.

Thông cáo của Văn phòng Thủ tướng Abadi cho biết, kế hoạch 7 điểm này bao gồm cắt giảm một số bộ, ngành và cơ quan được thành lập sau chiến dịch lật đổ nhà lãnh đạo độc tài Saddam Hussein, nhằm tăng hiệu quả hoạt động của chính phủ và giảm chi tiêu công. Bản kế hoạch cũng yêu cầu cắt giảm ngay lập tức và toàn diện số nhân viên bảo vệ các quan chức cấp cao, bao gồm Tổng thống, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, các bộ trưởng, các nghị sỹ, thống đốc, thành viên ủy ban tỉnh cùng một số quan chức kỳ cựu khác, đồng thời chuyển giao trách nhiệm đảm bảo an ninh cho Bộ Nội vụ và Bộ Quốc phòng.

Bản kế hoạch còn kêu gọi thành lập một ủy ban chuyên gia để xem xét lại các vụ tham nhũng, tiến hành các vụ xét xử mới đối với những nhân vật bị tình nghi.

Các biện pháp được đưa ra còn bao gồm giảm các khoản phụ cấp cho 3 chức danh đứng đầu quốc gia cũng như các cơ quan chính phủ khác; các văn bản hướng dẫn chi tiết sẽ được công bố sau. Thủ tướng Abadi cũng kêu gọi cải cách phương thức bổ nhiệm quan chức cấp cao, theo đó, bãi bỏ luật về hạn ngạch quan chức theo đảng phái. Các cá nhân không đảng phái chính trị cũng sẽ có cơ hội đảm nhiệm các vị trí cao trong chính phủ và việc bổ nhiệm sẽ được một ủy ban do thủ tướng chọn lựa xem xét dựa trên khả năng và sự chính trực.

Cuối ngày 9/8, khoảng 1.000 người đã tập trung ở Quảng trường Tahrir để ủng hộ ông al-Abadi, bất chấp các vụ đánh bom và tấn công xảy ra thường xuyên tại Baghdad. Tại quảng trường này, trong suốt nhiều ngày qua đã diễn ra các cuộc biểu tình hòa bình phản đối tình trạng cắt điện thường xuyên trong bối cảnh nắng nóng kéo dài, có lúc lên tới đỉnh điểm là 52 độ C. Các cuộc biểu tình còn có sự tham dự của cộng đồng người Shi'ite chiếm đa số tại Iraq, lực lượng nòng cốt ủng hộ chính phủ. Điều này đã phản ánh sự bất bình ngày càng dâng cao của người dân Iraq - quốc gia đứng thứ 170/175 về Chỉ số Tham nhũng theo đánh giá năm 2014 của tổ chức Minh bạch Quốc tế.

Nỗ lực chống tham nhũng tại Iraq đã nhận được một lực đẩy mạnh vào hơn hai ngày trước khi giáo sỹ Hồi giáo dòng Shi'ite Ali al-Sistani kêu gọi Thủ tướng al-Abadi nhanh chóng giải quyết các vấn đề trong nội bộ chính phủ, nhất là nạn tham nhũng. Người phát ngôn Ahmed al-Safi dẫn lời Đại Giáo chủ Ali al-Sistani cho rằng Thủ tướng cần "cương quyết và mạnh tay hơn" để tiến hành cải cách chính phủ, đồng thời hối thúc ông al-Abadi "xử lý nghiêm những kẻ đục khoét tiền của người dân".

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã chiếm giữ 1/3 lãnh thổ Iraq và hiện Mỹ mới chỉ bắt đầu triển khai chiến dịch không kích các phần tử này. Tuy nhiên, bên cạnh việc giành lại quyền kiểm soát thị trấn Tikrit và một số khu vực khác, thế thượng phong trên chiến trường của quân đội Iraq dường như đang chững lại. Các nỗ lực nhằm lấy lại các thành phố miền Tây là Fallujah và Ramadi đã gặp không ít trở ngại trong khi chiến dịch tái chiếm thành phố Mosul, lớn thứ hai Iraq, cũng đã bị hoãn lại.

Iraq, quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn thứ 5 thế giới và nguồn khí đốt dồi dào, đã phải chật vật tìm nguồn tài chính cho cuộc chiến chống lại IS do giá dầu giảm và chi tiêu quân sự lớn. Các hệ quả này đã phản ánh gần  một năm cầm quyền của ông al-Abadi, với không ít thất bại từ tình trạng thiếu điện nghiêm trọng, cho tới việc chính phủ không thể đáp ứng được các khoản chi ngân sách theo thỏa thuận với chính quyền khu tự trị người Kurd.

Cách đây ít lâu, phát biểu nhân 6 tháng cầm quyền của chính phủ Iraq do ông Haider al-Abadi đứng đầu, Sajad Jiyad - nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Kế hoạch al-Bayan ở Baghdad - nói: "Ông al-Abadi đã có 6 tháng khá suôn sẻ, ký thỏa thuận với Chính quyền Tự trị người Kurd, thông qua ngân sách thắt lưng buộc bụng, giành lại Tikrit, bãi bỏ lệnh giới nghiêm tại Baghdad, tiến hành một số thay đổi đối với Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ, miễn nhiệm một số quan chức". Tuy nhiên, nhà nghiên cứu này cho rằng: "6 tháng êm đẹp đã kết thúc. Họ để mất Ramadi, các biện pháp thắt lưng buộc bụng bắt đầu tác động tiêu cực đến cuộc sống của người dân, tình trạng thiếu điện năng ngày càng trở nên tồi tệ, giá dầu giảm và người dân vùng Basra đang tự hỏi liệu có cách nào thoát khỏi tình trạng này hay không"./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực