Những tưởng vượt qua “cửa ải” bỏ phiếu tín nhiệm, Thủ tướng Gioóc-giơ Pa-pan-đrêu (George Papandreou) sẽ củng cố được “chiếc ghế” của mình. Tuy nhiên, trước sức ép của phe đối lập, ông Pa-pan-đrêu đã chấp nhận từ chức để cứu Hy Lạp khỏi lún sâu vào cuộc khủng hoảng nợ công.
Cửa ải khó qua
Thỏa thuận trên đạt được sau cuộc gặp giữa ông Pa-pan-đrêu thuộc phe Xã hội và thủ lĩnh đảng Syriza đối lập, ông An-tô-ni Xa-ma-rát (Antonis Samaras), tối 6-11 vừa qua. Theo thỏa thuận này, ông Pa-pan-đrêu sẽ từ chức và chính phủ liên minh lâm thời được thành lập và cầm quyền cho đến khi tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn vào ngày 19-2-2012. Mục tiêu của chính phủ lâm thời là vận động quốc hội và nội các Hy Lạp chấp nhận những điều khoản của kế hoạch cứu nguy mới của EU. Chính phủ mới có nhiệm vụ thực thi các điều kiện trong thỏa thuận cứu trợ mà Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí với Hy Lạp hồi tháng 10 vừa qua, bao gồm việc siết chặt các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" để giảm nợ công và thâm hụt ngân sách tại thời điểm nhạy cảm là kinh tế tăng trưởng chậm trong khi tỷ lệ thất nghiệp tăng nhanh.
Như vậy, ông Pa-pan-đrêu đã chính thức rời khỏi chức vụ Thủ tướng trước thời hạn sau hơn hai năm cầm quyền. Lên làm Thủ tướng Hy Lạp vào ngày 6-10-2009 trong bối cảnh Hy Lạp nói riêng và châu Âu nói chung đang chịu sức ép của “quả bom nợ công”, hai năm qua là quãng thời gian thử thách khắc nghiệt đối với ông Pa-pan-đrêu. Trong 6 tháng đầu tiên làm Thủ tướng, ông Pa-pan-đrêu dành hết thời gian và lịch trình cho việc giải cứu Hy Lạp khỏi bờ vực khủng hoảng. Ngày 26-3-2010, sau một thời gian vận động, 16 quốc gia khu vực đồng ơ-rô (Eurozone) do Đức và Pháp dẫn đầu đã đồng ý một thỏa thuận trợ giúp Hy Lạp giải quyết cơn khủng hoảng nợ quốc gia. Tuy nhiên, khoản tiền hàng tỷ ơ-rô trên chỉ như “muối bỏ bể”, không thể cứu Hy Lạp thoát khỏi “căn bệnh nợ trầm kha”.
Để giải cứu cho Hy Lạp cũng như tự giải cứu cho chính mình, cuối tháng 10 vừa qua, EU và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) nhất trí xóa 50% nợ cho Hy Lạp trị giá 100 tỷ ơ-rô với những điều kiện ràng buộc. Trong khi EU chưa hết hoan hỉ vì trút bớt được gánh nặng thì lại “tá hỏa” khi Thủ tướng Pa-pan-đrêu thông báo quyết định đưa kế hoạch cứu nguy đã đạt được với EU ra trưng cầu dân ý cử tri. Đây cũng chính là sai lầm khiến Thủ tướng Pa-pan-đrêu, dù đã rút lại kế hoạch trưng cầu dân ý, cũng không tránh khỏi sức ép đòi từ chức của phe đối lập.
Chưa hết rối loạn
Theo dự kiến, rạng sáng 8-11 (giờ Việt Nam), Tổng thống Hy Lạp Ca-rô-lốt Pa-pu-li-át (Carolos Papoulias) sẽ chủ trì cuộc họp để bàn về quy trình thực hiện thỏa thuận thành lập chính phủ mới, có sự tham gia của tất cả chủ tịch các đảng. Tuy nhiên, cuộc họp này đã bị hủy do đảng đối lập Syriza tuyên bố không tham gia với lý do một chính phủ mới không qua bầu cử sẽ không có quyền lực chính trị. Lãnh đạo đảng Syriza yêu cầu chính phủ Hy Lạp phải nhanh chóng tổ chức tổng tuyển cử trong 6 tuần tới, thay vì chờ đến tháng 2-2012.
Các nhà lãnh đạo châu Âu tỏ ra rất thất vọng với bế tắc chính trị ở Hy Lạp hiện nay vì họ muốn A-ten đẩy nhanh việc thực hiện các thỏa thuận cứu trợ để giải quyết vấn đề khủng hoảng nợ công ở châu Âu. Giới kinh doanh Hy Lạp cũng gây sức ép đòi các chính trị gia nước này thành lập chính phủ mới càng sớm càng tốt. Liên đoàn các doanh nghiệp Hy Lạp cho rằng, tương lai của nước này phải được quyết định ngay lập tức vì bế tắc chính trị càng kéo dài, đất nước càng bị đẩy gần đến thế "ngàn cân treo sợi tóc". Họ cũng kêu gọi các bên liên quan đi đến một sự thỏa hiệp táo bạo, chín chắn về chính trị và có trách nhiệm với đất nước.