Thủ tướng Shinzo Abe trước cơ hội mới

Thứ hai, 22/07/2013 20:57

(ĐCSVN)Sau 6 tháng tại vị, Thủ tướng Shizo Abe và chính phủ liên minh do ông lãnh đạo đã chấm dứt những bế tắc chính trị kéo dài suốt 6 năm qua tại Nhật Bản bằng một chiến thắng được đánh giá là mang nhiều ý nghĩa về chính trị và kinh tế, trong cuộc bầu cử Thượng viện Nhật Bản ngày 21/7.

 

 Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu tại trụ sở LDP ở Tokyo (Nhật Bản),
ngày 21/7 (Ảnh: Xinhua)


Kết quả cuối cùng cho thấy, Đảng Dân chủ Tự do (LDP) của Thủ tướng Shinzo Abe đã giành thắng lợi vang dội trong cuộc bầu cử Thượng viện ngày 21/7 với 65 ghế so với 34 ghế ban đầu; trong khi đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ), đảng đối lập lớn nhất hiện nay, hứng chịu thất bại nặng nề chỉ giành được 17 ghế so với 44 ghế trước bầu cử. Như vậy, LDP và đối tác trong liên minh, đảng Công minh Mới (NKP), giành được 76 ghế trên tổng số 121 ghế. Cộng với 59 ghế không phải bầu lại, liên minh cầm quyền nắm 135 ghế, bảo đảm đa số quá bán tại Thượng viện theo đúng như mục tiêu mà Chủ tịch LDP - Thủ tướng Abe đặt ra trước đó. Trong khi đó, các đảng đối lập chỉ giành được 45 ghế, khiến tổng số ghế của nhóm này giảm xuống còn 107 so với 134 ghế trước bầu cử.

Thượng viện Nhật Bản có tổng cộng 242 ghế với nhiệm kỳ 6 năm. Theo quy định, cứ 3 năm, cử tri Nhật Bản lại đi bỏ phiếu bầu một nửa số ghế. Tuy nhiên, cuộc bầu cử Thượng viện lần này có ý nghĩa đặc biệt, vì đây là cuộc bầu cử toàn quốc đầu tiên kể từ khi Thủ tướng Abe trở lại nắm quyền, sau khi liên minh do LDP đứng đầu giành thắng lợi lớn trong cuộc bầu cử Hạ viện tháng 12 năm ngoái.

Chiến thắng này được xem là một sự quay trở lại đầy ngoạn mục của ông Abe, cho thấy “nhà lãnh đạo này đã lấy lại được hình ảnh trong lòng công chúng” sau khi ông "đưa" đảng LDP đến thất bại thê thảm trong cuộc bầu cử Thượng viện ở kỳ thủ tướng đầu tiên trong năm 2007. Cái giá cho sự thất bại này là ông Abe đã buộc phải ra quyết định từ chức sau đó 2 tháng. Việc đảng LDP để mất quyền kiểm soát Thượng viện khiến một loạt tiến trình thông qua các dự luật đi vào bế tắc. Kể từ ngày đó, thế giằng co tại quốc hội Nhật đã kéo dài, một loạt lãnh đạo lên cầm quyền rồi lại ra đi và đất nước mặt trời mọc cũng chứng kiến sự thay đổi mỗi năm một Thủ tướng.

Với kết quả này, liên minh cầm quyền sẽ kiểm soát lưỡng viện Quốc hội Nhật Bản, chấm dứt sự bế tắc chính trị 6 năm qua do tình trạng chia rẽ giữa một bên là Hạ viện do liên minh cầm quyền kiểm soát và một bên là Thượng viện do phe đối lập chiếm đa số. Kết quả này cũng đảm bảo tương lai lâu dài của ông Abe trên con đường chèo lái đất nước mặt trời mọc lần đầu tiên kể từ sau nhiệm kỳ 5 năm hiếm hoi trong lịch sử chính trị Nhật Bản của cựu Thủ tướng, theo đường lối cải cách Junichiro Koizumi chấm dứt vào năm 2006.

Chiến thắng trong cuộc bầu cử Thượng viện ngày 21/7 sẽ mang lại cho ông Abe thêm sức mạnh để tiếp tục thực hiện những quyết sách quan trọng về kinh tế trong thời gian tới, đặc biệt là các chính sách kinh tế được gọi là Abenomics, nhằm đưa kinh tế Nhật Bản thoát khỏi tình trạng giảm phát kéo dài gần hai thập kỷ qua. Những biện pháp cải cách kinh tế triệt để được ông Abe áp dụng kể từ sau khi nhậm chức Thủ tướng Nhật Bản nhiệm kỳ hai vào cuối tháng 12/2012 cho đến nay đã giúp nền kinh tế đất nước mặt trời mọc có những chuyển biến tích cực như: Thị trường chứng khoán có nhiều dấu hiệu khởi sắc; chỉ số lòng tin kinh doanh tại Nhật Bản tăng vọt; lĩnh vực xuất khẩu (nguồn thu thiết yếu của ngân sách Nhật Bản) cũng được giảm áp lực do những chính sách nới lỏng tiền tệ.

Phát biểu ngay sau khi LDP giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Thượng viện Nhật Bản, ngày 21/7, ông Abe đã nhấn mạnh sẽ tập trung vào nỗ lực khôi phục nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới với các chính sách kinh tế Abenomics – được đưa ra dựa trên nguyên tắc kết hợp hài hòa chính sách nới lỏng tiền tệ, chiến lược tăng trưởng và chi tiêu tài chính.

Phát biểu từ trụ sở của LDP, ông Abe tiếp tục đặt niềm tin vào những chính sách phát triển kinh tế mà ông đang theo đuổi khi tuyên bố: “Chúng tôi khẳng định rằng, những chính sách kinh tế của chúng tôi hoàn toàn đúng đắn và dư luận đã dành sự ủng hộ cho chúng tôi. Hiện giờ, người dân Nhật Bản muốn cảm nhận được những lợi ích rõ ràng mà các chính sách mang lại. Nền kinh tế của chúng ta đang thực sự được cải thiện… Chúng tôi muốn nỗ lực hết sức mình để tạo ra một chu trình tích cực, mà theo đó, điều kiện làm việc sẽ được cải thiện, mức lương sẽ được tăng lên, thúc đẩy tiêu dùng cá nhân và kéo theo việc các công ty sẽ đầu tư nhiều hơn trong thời gian càng sớm càng tốt”.

Theo đánh giá của Hiệu trưởng Trường đại học Quốc tế Nhật Bản Shinichi Kitaoka, ông Abe hiện vừa giữ vai trò là một người chủ trương theo đường lối cánh hữu, một người theo chủ nghĩa thực dụng và một nhà cải cách kinh tế. Bản thân Thủ tướng Nhật Bản sẽ tiếp tục đi theo 3 con đường này cùng lúc, ngay khi vị thế của ông được củng cố sau chiến thắng của LPD tại cuộc bầu cử Thượng viện ngày 21/7.

Ông Michael Auslin - chuyên gia về Nhật Bản tại Viện Doanh nghiệp Mỹ ở Washington cho rằng, các chính sách kinh tế thuyết phục đã trở thành một yếu tố giúp ông Abe đưa đảng LDP cầm quyền đi tới chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử Thượng viện Nhật Bản ngày 21/7. Nhà phân tích này cho rằng, “nhận thức sâu rộng” của ông Abe trong việc biến những cam kết thành “thực tế chính trị” đã để lại nhiều ấn tượng sâu rộng trong dư luận Nhật Bản về vai trò của nhà lãnh đạo này. Bên cạnh đó, nhà phân tích này cũng bày tỏ sự lo ngại về quan hệ căng thẳng giữa Nhật Bản với Trung Quốc và Hàn Quốc trong thời gian trở lại đây. Ông Auslin cho rằng, hiện, một nhiệm vụ đối ngoại quan trọng bậc nhất của ông Abe hiện giờ là cải thiện quan hệ song phương với các nước láng giềng.

Cuộc bầu cử Thượng viện Nhật Bản ngày 21/7 không chỉ thu hút sự quan tâm đặc biệt của đông đảo các tầng lớp nhân dân, giới học giả, các nhà phân tích Nhật Bản mà ý nghĩa quan trọng về mặt chính trị, kinh tế của nó còn giúp sự kiện này trở thành tâm điểm của dư luận các nước lớn.

Tờ The New York Times (Mỹ) cũng có bài viết đưa tin về cuộc bầu cử Thượng viện Nhật Bản và cho rằng, chiến thắng ngày 21/7 đã trao cho LDP “thêm quyền năng thực sự để đưa ra những quyết định về chính trị”. Hãng truyền thông này cho rằng, “một nền tảng quyền năng mạnh mẽ hơn” sẽ giúp chính phủ Nhật Bản do LDP dẫn đầu thực hiện một công cuộc cải cách sâu rộng hơn về kinh tế.

Trong khi đó, báo mạng Washington Post cũng cho rằng, kết quả cuộc bầu cử Thượng viện Nhật Bản ngày 21/7 đã phản ánh sự ủng hộ mạnh mẽ từ phía dân chúng dành cho “các chính sách quyết đoán” của Thủ tướng Abe để vực dậy sức mạnh của nền kinh tế đứng thứ ba thế giới. Về chính sách đối ngoại của ông Abe, tờ Washington Post chia sẻ quan điểm của một số nhà phân tích cho rằng, chiến thắng vang dội ngày 21/7 sẽ càng thôi thúc Thủ tướng Nhật Bản đưa ra những lời phát biểu mạnh mẽ hơn trước công luận về những vấn đề lịch sử.

Hãng tin Reuters, ngày 21/7 cũng có bài bình luận về chiến thắng của ông Abe khi cho rằng, đảng LDP của Thủ tướng Nhật Bản đã “củng cố được vị thế”, bước đầu tiến tới mục tiêu hình thành một chính quyền ổn định đầu tiên, lãnh đạo đất nước mặt trời mọc kể từ năm 2006 - thời điểm kết cựu Thủ tướng Nhật Bản Junichiro Koizumi kết thúc nhiệm kỳ.

Kênh truyền hình Trung ương Nga ngày 21/7 cũng đưa tin về cuộc bầu cử Thượng viện tại Nhật Bản với nhận xét rằng, “việc giành quyền kiểm soát tại Thượng viện sẽ cho phép Thủ tướng Shinzo Abe có khả năng lãnh đạo lưỡng viện một cách ổn định hơn”. Tuy cho đến nay, chính quyền Moscow vẫn chưa đưa ra bình luận chính thức sau khi Nhật Bản công bố kết quả bầu cử Thượng viện, song bày tỏ hy vọng, “một chính quyền ổn định do ông Abe lãnh đạo sẽ giúp Nga có thể xúc tiến các cuộc đàm phán về chủ quyền đối với quần đảo tranh chấp mà Tokyo gọi là vùng lãnh thổ phương Bắc còn Moscow gọi là quần đảo Nam Kuril cùng các hoạt động trao đổi kinh tế khác.

Trong khi đó, kênh truyền hình nhà nước CCTV và hãng thông tấn Tân Hoa của Trung Quốc cũng có những bài viết bao quát về cuộc bầu cử Thượng viện diễn ra ngày 21/7 tại Nhật Bản. Các hãng truyền thông này cho rằng, các chính sách cải cách kinh tế của Thủ tướng Abe đã giúp cử tri Nhật Bản gia tăng đáng kể niềm tin vào vai trò lãnh đạo của chính phủ đương nhiệm, từ đó mang lại chiến thắng thuyết phục cho đảng LDP do ông Abe cầm đầu trong cuộc bầu cử ngày 21/7. Tuy nhiên, một số hãng truyền thông Trung Quốc lại bày tỏ hoài nghi về khả năng sự chiến thắng của ông Abe sẽ mang lại những “cải cách lớn lao” cho người dân Nhật Bản, đồng thời lo ngại các chính sách cứng rắn của ông Abe sẽ khiến mối quan hệ giữa Nhật Bản và một số nước láng giềng thêm căng thẳng.

Những diễn biến hiện nay cho thấy, chính trường Nhật Bản sẽ không có những biến động lớn trong vòng vài năm tới khi Thủ tướng sẽ không phải đối mặt với cuộc bầu cử Chủ tịch LDP cho đến mùa thu năm 2015 và bầu cử Thượng viện và Hạ viện cũng không cần phải được tổ chức cho đến năm 2016. Chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử Thượng viện ngày 21/7 lại càng trao cho LDP cơ hội vững vàng hơn để kiểm nghiệm những ý tưởng của mình, ít nhất trong vòng ba năm tới và bản thân ông Abe cũng có nhiều cơ hội hơn để thực hiện những kế hoạch cải cách, thậm chí còn “tham vọng và quyết đoán hơn” trong việc áp dụng những biện pháp mà ông đã đề ra vào đầu tháng 6/2013. Rõ ràng rằng, “cờ đã đến tay” ông Abe. Vấn đề hiện giờ ở chỗ, ông sẽ sử dụng cơ hội này như thế nào để tiếp tục khẳng định vị trí và ghi dấu ấn đối với người dân Nhật Bản./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực