Thực trạng mối quan hệ Mỹ - Ấn Độ
Thứ năm, 09/02/2012 22:17 (GMT+7)
(ĐCSVN) – Liên quan đến mối quan hệ Mỹ - Ấn độ các chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu và phân tích Quốc phòng Ấn Độ (IDSA) cho rằng, năm 2011 đã đánh dấu một bước tiến dài trong quan hệ Mỹ - Ấn, đặt nền móng cho sự phát triển mạnh mẽ mối quan hệ chiến lược toàn diện giữa hai nước trong thời gian tới, trong đó nổi lên một số nội dung đáng quan tâm.
Năm 2010, Ấn Độ và Mỹ bắt đầu đối thoại chiến lược về khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhằm đảm bảo hai “nền dân chủ” lớn nhất thế giới theo đuổi chiến lược tăng cường hỗ trợ nhau . Năm 2011, nhiều cuộc gặp gỡ, đối thoại cấp cao song phương và đa phương được tổ chức, điển hình là cuộc viếng thăm Ấn Độ của Ngoại trưởng Mỹ Hi-la-ry Clin-tơn từ 17-21.7.2011 và cuộc đối thoại chiến lược 3 bên Mỹ - Ấn - Nhật được tổ chức ngày 19.12.2011.
Trong khuôn khổ chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ, hai bên đã có các cuộc đối thoại chiến lược tập trung phát triển quan hệ thương mại song phương và các vấn đề chống khủng bố, hợp tác hạt nhân dân sự, tình hình an ninh tại Áp-ga-ni-xtan và Pa-ki-xtan, đặc biệt là vai trò của Ấn Độ trong hình thành một cơ cấu mới tại khu vực giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Mỹ hoan nghênh chính sách “hướng Đông” của Ấn Độ và bày tỏ mong muốn xây dựng mối quan hệ đa phương Mỹ - Ấn. Mỹ đánh giá sự tham gia của Ấn Độ sẽ tăng cường sức mạnh của các thể chế khu vực châu Á - Thái Bình Dương như: Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS), ASEAN...
Các lĩnh vực mà Mỹ có thể hưởng lợi từ sự hợp tác với Ấn Độ: Vai trò của Ấn Độ đối trọng cân bằng với Trung Quốc và một thị trường để bán công nghệ quân sự; bảo vệ các tuyến đường biển chuyên chở dầu từ Trung Đông tới các quốc gia như Nhật Bản và Hàn Quốc; các ngân hàng như Citibank hay các hãng bảo hiểm đều xem Ấn Độ là một thị trường phát triển đầy tiềm năng; cho phép các quỹ tài chính Mỹ xâm nhập thị trường chứng khoán Ấn Độ...
Về phía Ấn Độ, cần mở rộng và thắt chặt quan hệ chính trị, quân sự và kinh tế với Mỹ trong khi vẫn giữ lược quyền tự chủ khi đưa ra các quyết định về những vấn đề chiến lược như phát triển tên lửa tầm xa, duy trì vũ khí hạt nhân ở mức tối đa có thể. Đồng thời, Ấn Độ cần Mỹ để tiếp cận nguồn vốn, công nghệ đặc biệt là công nghệ hạt nhân cũng như vũ trụ và một thị trường đầu ra cho công nghệ thông tin, dược phẩm, dệt may hay linh kiện ô tô....
Tuy nhiên, Ấn Độ không hoàn toàn đặt nhiều kỳ vọng về việc Mỹ sẽ giúp Ấn Độ vượt qua những khó khăn trong cuộc chiến chống khủng bố. Hiện Mỹ và Ấn Độ vẫn tồn tại những bất đồng ảnh hưởng trực tiếp đến quan hệ hai nước: vấn đề Pa-ki-xtan, I-ran, Áp-ga-ni-xtan, một số vấn đề quốc tế khác như sự can thiệp vào Li-bi và Xy-ri.