Thùng thuốc súng sẵn sàng bắt lửa

Thứ sáu, 05/10/2012 15:24

(ĐCSVN) - Các quả đạn pháo từ Syria rơi vào thị trấn Akcakale, thuộc tỉnh biên giới Sanliurfa ở Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ, cách đây vài hôm đã khiến tình hình khu vực biên giới giữa hai quốc gia láng giềng trở nên cực kỳ căng thẳng và được ví như "thùng thuốc súng sẵn sàng bắt lửa".

 Vụ pháo kích từ Syria khiến người dân Thổ Nhĩ Kỳ tháo chạy (Ảnh AFP) 


Đây là vụ tấn công nghiêm trọng nhất kể từ tháng 6 - thời điểm Syria bắn rơi một máy bay chiến đấu Thổ Nhĩ Kỳ khiến Ankara đưa vụ việc này lên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Căng thẳng giữa hai quốc gia láng giềng đã leo thang khi ngày 3/10, đạn pháo từ Syria rơi vào đất Thổ Nhĩ Kỳ và nước này lập tức gửi thư kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc có "hành động cần thiết" để ngăn chặn các cuộc tấn công từ Syria.

Đồng thời, hai bên đã “lời qua tiếng lại” với giọng điệu cứng rắn. Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Liên hợp quốc Ertugrul Apakan nhấn mạnh: "Đây là một hành động xâm lược của Syria chống lại Thổ Nhĩ Kỳ, vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế”. Văn phòng Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã “bật đèn xanh” cho các lực lượng biên phòng đáp trả bằng đạn pháo vào các mục tiêu ở Syria.

Trong khi đó, Bộ trưởng Thông tin Syria Omran al-Zubi cho rằng, khi xảy ra sự cố biên giới, các nước liên quan cần giải quyết vấn đề một cách "thận trọng, khôn ngoan, hợp lý và có trách nhiệm". Theo quan chức này, khu vực biên giới giữa hai nước hiện là nơi có nhiều tuyến đường buôn lậu vũ khí và đạn dược của các nhóm khủng bố có vũ trang. Phía Syria cũng đã khẳng định, chính phủ nước này đang tiến hành điều tra nghiêm túc nguyên nhân dẫn tới vụ pháo kích sang lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ hôm 3/10.

Vụ mâu thuẫn giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã “nóng” trên diễn đàn quốc tế. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon lên tiếng kêu gọi Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu duy trì mọi kênh liên lạc với chính quyền Syria nhằm giảm nguy cơ căng thẳng leo thang. Trong khi đó, NATO đã họp khẩn cấp và ra tuyên bố đề nghị chấm dứt ngay lập tức "các hành động xâm lược" Thổ Nhĩ Kỳ. Bà Clinton Ngoại trưởng Mỹ, trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng: "Tình hình đã đến mức rất nguy hiểm". Theo các nhà ngoại giao tại Liên hợp quốc, Hội đồng Bảo an đã xem xét ra một tuyên bố về vụ tấn công này. Tuy nhiên, Nga - Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an đã phản đối bản dự thảo tuyên bố nêu trên do sử dụng những ngôn từ mạnh mẽ nhất để lên án Syria.

Có thể nói, quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đang căng thẳng ở mức nguy hiểm, song vụ nã pháo nêu trên chỉ là “giọt nước làm tràn ly” mà thôi. Bởi, ngoài vụ bắn hạ máy bay hồi tháng 6 và nã súng qua biên giới kể trên, tình hình bất ổn, bạo lực cũng đã leo thang tại khu vực người Cuốc ở Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian gần đây, với các vụ đánh bom đẫm máu làm hàng trăm người chết và bị thương. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã cáo buộc các tay súng thuộc Đảng Công nhân người Cuốc (PKK) gây ra vụ tấn công này, đồng thời cáo buộc Damascus hỗ trợ tài chính và vũ khí cho PKK…

Trong khi đó, một số nhà phân tích cho rằng, việc Thổ Nhĩ Kỳ phải hứng chịu những “tai bay vạ gió” nêu trên có nguồn gốc sâu xa từ chính sách đối ngoại hiện nay và quan điểm của họ đối với cuộc chiến Syria. Là nước thành viên NATO, một đồng minh của Mỹ, Ankara đã “góp gió thành bão” cho cuộc nội chiến Syria và giờ đây đang phải “gặt bão”. Thời gian qua, Thổ Nhĩ Kỳ luôn ủng hộ các phần tử đối lập chống chính phủ Syria nhằm lật đổ Tổng thống nước này - ông Al assad. Chính quyền của Thủ tướng Erdogan cũng đã ủng hộ Mỹ trong việc thành lập một nhà nước độc lập của người Cuốc, với các lực lượng người Cuốc ly khai ở bắc Iraq và Syria, nhằm tạo ra một “Trung Đông mới”. Hệ quả là, việc tham gia cuộc bao vây và chia cắt Syria do Mỹ cầm đầu đang đẩy Thổ Nhĩ Kỳ tới gần hơn tới thảm họa bất ổn và chia cắt, bởi các lực lượng người Cuốc tại Iraq và Syria đang có dấu hiệu “bắt tay” với PKK gây bất ổn tại Thổ Nhĩ Kỳ. Các vụ bất ổn, bạo lực cũng liên tiếp diễn ra ở khu vực biên giới giáp Syria của Thổ Nhĩ Kỳ.

Việc chính phủ của ông Erdogan thực hiện chính sách thù địch với Syria còn gây chia rẽ trong nước sâu sắc. Đa số nghị sĩ quốc hội, đảng đối lập và người dân Thổ Nhĩ Kỳ đã lên án chính quyền Erdogan là “đánh lừa người dân và đẩy đất nước tới thảm họa”. Hôm 4/10 vừa qua, một số người dân cũng đã biểu tình gần khu vực tòa nhà Quốc hội để phản đối hành động trả đũa Damascus, vì quan ngại khả năng Ankara sẽ sa vào một cuộc chiến tranh với quốc gia láng giềng từng một thời là đồng minh chiến lược.

Dù hiện chưa rõ đạn pháo của lực lượng nào từ Syria gây thương vong cho dân Thổ Nhĩ Kỳ, song có thể thấy rõ, vụ việc này là hệ quả của một Syria bất ổn, trong đó có sự “góp gió” của Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, căng thẳng quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Syria do vụ pháo kích vẫn chỉ là “chuyện nhỏ”. Mạng “Nghiên cứu toàn cầu” của Canada mới đây còn cảnh báo, Thổ Nhĩ Kỳ đang phải đối mặt với mối đe dọa “Mùa xuân người Cuốc” và nguy cơ bất ổn, chia cắt. Việc họ “quạt ngọn lửa” chiến tranh tại Syria cuối cùng có thể khiến chính họ bị “bỏng” và “một khi Syria bốc cháy thì Thổ Nhĩ Kỳ cũng bốc cháy theo”. Nếu nhà nước Syria sụp đổ, thì Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là “quốc gia thua cuộc lớn nhất”./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực