Cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu đang bước vào giai đoạn nguy hiểm mới và dự báo sẽ còn kéo dài, có thể khiến tăng trưởng kinh tế thế giới suy giảm trong những năm tới. Không ai dự đoán được khi nào nó sẽ kết thúc. Tuy nhiên, theo các chuyên gia của trang web tiền tệ moneyland.time.com, có thể nhận biết trước được thời gian mà cuộc khủng hoảng đạt tới đỉnh điểm chỉ bằng một chút tinh ý.
|
Các nhà lãnh đạo châu Âu tại cuộc họp thượng đỉnh EU nhằm giải quyết khủng hoảng nợ công hồi cuối tháng 10-2011. Ảnh: AP |
Theo như dự báo, nền kinh tế châu Âu sẽ vẫn vô cùng ảm đạm trong năm 2012 và điều này sẽ trở thành gánh nặng cho sự phát triển của kinh tế toàn cầu. Ngày 25-12 vừa qua, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bà Crít-xtin La-gác-đơ (Christine Lagarde) cho biết, nền kinh tế toàn cầu đang bị đe dọa và kêu gọi các nước châu Âu phải tìm ra tiếng nói chung để cứu khu vực này thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng nợ đang ảnh hưởng đến hệ thống tài chính toàn cầu. Mức dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2012 của IMF là 4% cũng được cảnh báo có thể sẽ bị điều chỉnh giảm xuống trong thời gian tới.
Theo đó, hai mối đe dọa lớn về tài chính mà cách đây vài tháng vẫn còn chưa hình thành rõ, giờ xuất hiện như là một điều khó tránh khỏi. Thứ nhất là đồng tiền chung châu Âu đang chìm sâu trong bế tắc và chính phủ các nước này đang cố gắng cứu vãn tình hình. Thứ hai là những nguy cơ dẫn đến một cuộc suy thoái toàn cầu đang gia tăng do chính những nỗ lực ngăn chặn sự sụp đổ của đồng ơ-rô. Mặc dù những vấn đề đó đã tồn tại trong một khoảng thời gian dài nhưng giờ đây nó đang ngày càng tồi tệ hơn. Để có thể biết được khi nào cuộc khủng hoảng này đạt tới đỉnh điểm, chúng ta hãy để mắt tới những lãi suất trái phiếu chính phủ trên toàn cầu.
Đầu tiên hãy kể đến những ngân hàng bởi nó có một sự ảnh hưởng rất lớn tới vấn đề này. Một trong những ảnh hưởng đó là nó góp phần làm cho lãi suất trái phiếu chính phủ “phân nhánh”. Các ngân hàng cắt giảm sự nắm giữ trái phiếu của họ ở đâu thì các quốc gia phải trả lãi suất cao hơn ở đó. Ngược lại, ở những nước mà ngân hàng sẵn sàng trả tiền, chính phủ sẽ không phải chịu lãi suất cắt cổ như vậy nữa.
Sự ảnh hưởng thứ hai là các ngân hàng đang có chiều hướng đi xuống đồng nghĩa với việc chúng trở nên ít có khả năng cho vay tiền hơn. Để hỗ trợ cho một danh mục đầu tư cho vay, những ngân hàng phải có một số lượng vốn nhất định. Nếu sự thua lỗ trên thị trường trái phiếu chính phủ ăn sâu vào vốn chủ sở hữu của nó, các ngân hàng sẽ phải tăng thêm vốn. Tuy nhiên cổ phiếu của các ngân hàng sẽ suy yếu nếu họ cố bán thêm cổ phiếu để huy động tiền mặt trong khi giá cổ phiếu đang trì trệ. Trong trường hợp này, các ngân hàng cũng sẽ có phương pháp thay thế. Thay vì tăng thêm vốn để phù hợp với quy mô cho vay của mình, họ có thể thay thế bằng việc thu nhỏ danh mục cho vay xuống cấp độ vốn chủ sở hữu hiện tại của họ có thể đáp ứng được. Các ngân hàng làm như vậy bằng cách từ chối những món nợ mới khi các khoản nợ cũ đến hạn. Kết quả sẽ dẫn đến việc siết chặt tín dụng. Điều này có thể gây ra hoặc ít nhất là làm trầm trọng thêm tình trạng suy thoái kinh tế.
Lãi suất trái phiếu có thể được xem như thước đo sự rủi ro đối với các nhà đầu tư bởi chỉ bằng việc nhìn vào lãi suất trái phiếu, bạn có thể nhìn thấy bao nhiêu vấn đề mà các quốc gia đang gặp phải cũng như những áp lực các ngân hàng phải hứng chịu. Có lẽ đã thành một quy luật chung khi mà lãi suất trái phiếu 10 năm lên hơn 7% thì tương đương với việc nước đó đang gặp phải vấn đề nghiêm trọng về tài chính. Lấy ví dụ điển hình là ở Hy Lạp, đất nước yếu nhất trong khối đồng tiền chung châu Âu, lãi suất trái phiếu đã bị đẩy ra khỏi bảng xếp hạng. Còn ở I-ta-li-a, lãi suất đang tăng cao ở mức 7,8%. Ở Bồ Đào Nha cũng không khả quan hơn, lãi suất “có thể” đạt tới mức 12,6% và ở Bỉ là 5,8%. Riêng tại Pháp, lãi suất đã leo cao đến trên 3,5%, chưa phải là quá tệ nhưng vẫn là cao hơn nhiều so với lãi suất tại các nước được đánh giá là ở mức an toàn như tại Mỹ, lãi suất trái phiếu 10 năm là 2%; tại Anh là 2,3% và tại Nhật Bản chỉ trên 1%. Cả 3 quốc gia này đều mắc phải những vấn đề về các khoản nợ lớn. Tuy nhiên, lãi suất của họ vẫn duy trì ở mức thấp, không phải do các nhà đầu tư vẫn tin tưởng về triển vọng dài hạn của các nước này mà bởi vì những nhà đầu tư đang tìm kiếm những điểm dừng chân ngắn hạn mà miễn sao tránh xa khỏi khối đồng tiền chung châu Âu.
Một trường hợp đặc biệt thú vị phải kể đến nếu xét về vấn đề lãi suất trái phiếu đó là nước Đức. Lãi suất tại Đức vẫn duy trì ở mức trên dưới 2,3%, mặc dù đất nước này nằm trong khối đồng tiền chung châu Âu. Các nhà đầu tư vẫn đang tin tưởng Đức sẽ duy trì sự vững chắc về mặt tài chính. Hơn thế nữa, họ còn tin rằng nếu đồng ơ-rô có sụp đổ, những khoản đầu tư vào Đức có thể còn tăng giá trị vì khi đó lực cản từ các nước yếu hơn trong khối đã hoàn toàn biến mất. Nhưng những ảo tưởng đó đã hoàn toàn sụp đổ khi việc bán đấu giá trái phiếu đáng thất vọng của Đức đã chỉ ra rằng, Đức không còn có thể miễn dịch với "vi-rút nợ công" được nữa.
Các nhà đầu tư do đó sẽ phải đối mặt với hai khả năng không mong đợi gì. Khả năng thứ nhất là sự sụp đổ của đồng ơ-rô ở một vài quốc gia-hoàn toàn có thể xảy ra chỉ trong vài tháng nữa-kèm theo việc không trả nợ đúng hạn kỳ hạn cho trái phiếu, sẽ truyền một làn sóng gây sốc khắp hệ thống ngân hàng toàn cầu. Ảnh hưởng ngắn hạn của nó có thể sẽ là một “cú rơi” của thị trường cổ phiếu Mỹ. Khả năng khác là những cố gắng không ngừng để kéo đồng ơ-rô thoát khỏi sự sụp đổ sẽ thúc đẩy một cuộc suy thoái mới, gọi là khủng hoảng kép. Những nhà dự báo đang tiên đoán rằng Anh sẽ trượt dài trong suy thoái vào năm 2012. Còn Mỹ cũng rất có khả năng bị ảnh hưởng nặng nề.
Tất cả mức độ thay đổi của các rủi ro tài chính toàn cầu này ta đều có thể theo dõi được thông qua lãi suất trái phiếu chính phủ. Nếu chính phủ I-ta-li-a vẫn phải tiếp tục trả lãi suất hơn 7% cho các trái phiếu 10 năm thì nghĩa là khối đồng tiền chung châu Âu đang trong tình trạng rất nghiêm trọng. Cuộc suy thoái có thể sẽ còn tồi tệ hơn nhiều nếu trái phiếu Tây Ban Nha hoặc Bồ Đào Nha tăng đến mức đó. Và nếu lãi suất trái phiếu của Đức tăng cao hơn nữa thì có thể đó là dấu hiệu cảnh báo màn kết của khối đồng tiền chung châu Âu đang bắt đầu diễn ra.