(ĐCSVN) – Vòng hai của cuộc bầu cử Tổng thống tại Mali diễn ra ngày 11/8 trong yên bình, không xảy ra bạo loạn, đã đem đến một tia hy vọng mới về tương lai hòa bình và ổn định cho những người dân Mali vốn đang phải “gồng mình” để vượt qua muôn vàn khó khăn trong suốt hơn 18 tháng qua.
|
Một người dân bỏ phiếu tại điểm bỏ phiếu ở Abidjan, ngày 11/8/2013. (Ảnh: AFP) |
Ngày 12/8, người dân Mali, vốn đang phải kiên nhẫn chờ đợi được thoát khỏi 18 tháng khủng hoảng, lại tiếp tục mong mỏi để biết liệu ông Ibrahim Boubacar Keïta hay Soumaïla Cisse sẽ giành chiến thắng trong vòng hai của cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra một ngày trước đó.
Bộ Quản lý lãnh thổ có 5 ngày tính từ sau ngày bầu cử để công bố kết quả sơ bộ. Tuy nhiên, tiến trình này sẽ cần được tiến hành nhanh hơn so với vòng đầu tiên diễn ra vào ngày 28/7 khi cuộc đua chỉ còn 2 ứng cử viên thay vì 27 người như cách đây hai tuần.
Ông Ibrahim Boubacar Keita, 68 tuổi, và ông Soumaila Cisse, 63 tuổi, đều là những chính trị gia kỳ cựu của Mali; là những người giữ các chức vụ cao như Thủ tướng hay Bộ trưởng Tài chính của quốc gia này. Tại vòng hai của cuộc bầu cử diễn ra ngày 11/8, cả hai ứng cử viên thay vì tỏ rõ thái độ “đối đầu”, kích động lẫn nhau thì đều lên tiếng kêu gọi những người ủng hộ cho họ cần "bình tĩnh và thanh thản".
Thêm vào đó, thực tế đã cho thấy, ngược lại với các buổi tối của vòng đầu tiên khi những người ủng hộ cựu Thủ tướng Ibrahim Boubacar Keita cùng tụ tập náo động tại Bamako để hét vang về chiến thắng quá nhanh thì đã không có cuộc biểu tình nào được tổ chức ở thủ đô của Mali vào tối chủ nhật vừa qua.
Tại vòng bỏ phiếu đầu tiên, ông Ibrahim Boubacar Keita đã giành được 39,79% số phiếu so với 19,70% của đối thủ và tiếp tục nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ trong vòng hai. Ông đã loại bỏ được 22 trong số 25 ứng cử viên khi hầu hết trong số họ chỉ nhận được ít hơn 1% số phiếu bầu.
Trong khi đó, cựu Bộ trưởng Tài chính Soumaila Cisse cho rằng, vòng thứ hai là một "cuộc bầu cử mới" và tràn đầy hy vọng vào kết quả khả quan của vòng bầu cử lần này khi tỷ lệ cử tri đi bầu đạt 48,98%, một tỷ lệ chưa từng có đối với một loại hình bầu cử như vậy ở Mali.
Tại Bamako, cũng như ở các thành phố khác của miền Nam nước này, quá trình bỏ phiếu bị gián đoạn do mưa lớn trong phần lớn thời gian của ngày bầu cử, và các quan chức phụ trách khu vực bỏ phiếu quan sát thấy tỷ lệ tham gia bỏ phiếu thấp hơn đáng kể so với vòng đầu tiên.
|
Kiểm phiếu tại Bamako ngày 11/8/2013. (Ảnh: Reuters) |
“Không có gì để nghi ngờ”
Trước khi diễn ra vòng hai của cuộc bầu cử Tổng thống tại Mali, các mối đe dọa vẫn còn tồn tại khi nhiều vụ tấn công tại miền Bắc nước này vẫn có nguy cơ nổ ra. An ninh tại khu vực miền Bắc Mali, vì vậy, vẫn được siết chặt như hồi diễn ra bầu cử vòng một. Quân đội Mali, lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế tại Mali (Minusma) và quân đội Pháp cùng phối hợp bảo đảm an ninh cho cuộc bầu cử.
Theo các nhà quan sát, còn nhiều cử tri dường như đã cho rằng, các “trò chơi” đã được thực hiện nhằm đem lại lợi ích cho ông Ibrahim Boubacar Keita và không cần thiết phải đi bỏ phiếu. Tuy nhiên, bất chấp sự đe dọa từ phía các lực lượng vũ trang Hồi giáo liên quan đến al-Qaeda vốn đã chiếm đóng miền Bắc Mali trong 9 tháng năm 2012, cuộc bỏ phiếu đã diễn ra tương đối yên ả mà không có sự cố lớn trong khu vực này.
Theo ông Louis Michel - Trưởng phái đoàn quan sát của Liên minh châu Âu, người đã trực tiếp tham gia giám sát nhiều điểm bỏ phiếu tại Bamaki, "hoàn toàn không có gì đáng nghi ngờ hoặc khả nghi được lưu ý, vòng bầu cử diễn ra trong điều kiện tốt, trong một bầu không khí thanh bình, yên tĩnh". "Bất cứ ai được bầu, sẽ được bầu với tính hợp pháp dân chủ, đó là niềm tin của tôi" - ông nói thêm, đồng thời khẳng định đã có "một bước nhảy vọt về kế hoạch dân chủ ở đất nước này".
Trong chiến dịch tranh cử, các ứng cử viên đều cam kết sẽ tái thiết và xây dựng đất nước Mali, nhưng vẫn nhấn mạnh các mối lo ngại về an ninh bất chấp chiến dịch của Pháp chống lại các nhóm vũ trang vừa qua được cho là thành công. Vì vậy, một trong những ưu tiên hàng đầu của tân Tổng thống nước này là phải xem xét đối thoại hòa bình với các nhóm vũ trang, thống nhất và đoàn kết đất nước vốn đang trong tình trạng chia rẽ sâu sắc.
Người chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống lần này tại Mali sẽ có trọng trách nặng nề là phục hồi và hòa hợp một quốc gia vốn đang bị tổn thương và suy yếu sau 18 tháng khủng hoảng chính trị và quân sự sâu sắc kể từ tháng 1/2012, sau một cuộc tấn công của quân nổi dậy Tuareg ở phía Bắc.
Cuộc xung đột kéo dài đã đẩy Mali rơi vào suy thoái kinh tế, gia tăng đói nghèo, căng thẳng leo thang giữa cộng đồng Tuareg, Ả-rập và những người da đen, dẫn đến một làn sóng di cư ồ ạt của người dân, khiến hàng trăm ngàn người phải di cư trong nội bộ đất nước và tị nạn tại các quốc gia láng giềng.
Chính vì vậy, bên cạnh các vấn đề an ninh, chính phủ mới Mali cũng sẽ phải bắt tay vào các hoạt động vực dậy nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn sau nhiều tháng khủng hoảng. Cuộc bầu cử lần này cũng được xem là một “phép thử” quan trọng để các nhà tài trợ quốc tế đưa ra quyết định nối lại các hoạt động hỗ trợ gần 40 tỷ USD cho Mali vốn đã bị dừng lại năm 2012.
Cuộc bầu cử lần này chính là cuộc bầu cử Tổng thống đầu tiên tại Mali sau cuộc đảo chính quân sự hồi đầu năm 2012 và đồng thời cũng là một sự kiện quan trọng sẽ xác định tương lai chính trị của quốc gia Tây Phi này, khi mà các nhóm vũ trang Hồi giáo vẫn đang tìm cách giành quyền kiểm soát vùng lãnh thổ phía Bắc. Tuy nhiên, trước thềm bầu cử hay trong vòng bầu cử đầu tiên, không ít cáo buộc gian lận hay các mối đe dọa vũ trang được đưa ra. Chính vì vậy, vòng hai của cuộc bầu cử diễn ra yên bình và êm thấm được xem là một tín hiệu tốt, mở ra hy vọng về ổn định và phục hồi cho một quốc gia vốn phải chìm đắm trong màn đêm của khủng hoảng suốt gần hai năm qua./.