(ĐCSVN) - Những thập kỷ qua, Trung Quốc đã tập trung phát triển lực lượng có khả năng sử dụng sức mạnh không gian - vũ trụ trong hợp đồng tác chiến. Các nhà lý luận quân sự Trung Quốc coi các chiến dịch không gian - vũ trụ như là một thành tố của “tác chiến hỏa lực” bao gồm sử dụng phối hợp lực lượng không kích của không quân, tên lửa và tác chiến thông tin.
Tên lửa: Năm 1993, Trung Quốc chính thức thành lập lữ đoàn tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM) đầu tiên. Hai thập kỷ qua, lực lượng tên lửa đạn đạo thông thường và tên lửa hành trình tấn công mặt đất đã phát triển mạnh. Bộ chỉ huy Pháo binh II được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương, phụ trách một căn cứ kho đầu đạn hạt nhân trung tâm và 6 căn cứ tên lửa. Lực lượng tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân tầm ngắn (SRBM) của Pháo binh II là thành tố trung tâm của chiến lược chính trị và quân sự của Trung Quốc. Năm 2000, lực lượng SRBM mới chỉ có quy mô trung đoàn, nay đã lên đến 7 lữ đoàn.
|
Tên lửa Dongfeng - 21C của Trung Quốc (Ảnh: Sina) |
Tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân tầm trung (MRBM), thành lập năm 1985, trang bị loại DF-3A (nhiên liệu lỏng), năm 1991 được thay thế dần bằng loại DF-21 (nhiên liệu rắn). Trong 5-10 năm tới, năng lực tấn công của Pháo binh II sẽ là loại DF-21C, có thể thực hiện nhiệm vụ tác chiến thông thường hoặc hạt nhân. Loại tên lửa này có thể mang đầu đạn đến 2.000 kg, tầm bắn 1.750 km độ lệch mục tiêu 50m.
Tên lửa hành trình phóng từ mặt đất (GLCM) là loại vũ khí có ý nghĩa quân sự chính trị mạnh mẽ bởi vì thực sự khó mà phòng ngự chống lại chúng. Hiện nay Trung Quốc có kho tên lửa GLCM lớn nhất thế giới. Tên lửa LACM loại DH-10 của Pháo binh II có tầm bắn 2.000km với quỹ đạo bay thấp, có thể xuyên qua các lớp phòng ngự đến các mục tiêu trọng yếu trên đất liền.
Tên lửa đạn đạo chống hạm (ASBM) là hệ thống tấn công chiến lược thông thường với tầm bắn ngày càng xa và độ chính xác ngày càng cao, có thể phóng từ lãnh thổ Trung Quốc đến các mục tiêu trên đất liền hoặc trên biển toàn bộ khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Không quân: Trung Quốc đã phát triển không quân từ lực lượng chỉ làm nhiệm vụ phòng không, đánh chặn và yểm trợ trực tiếp trên không đối với lục quân, thành một quân chủng có chức năng chính là răn đe và tấn công chiến lược. Không quân Trung Quốc hướng đến vai trò trong tương lai là một quân chủng độc lập có khả năng tiến hành nhiệm vụ tấn công chiến lược tầm xa.
Không quân Trung Quốc đã đầu tư tương đối mạnh vào việc hiện đại hóa lực lượng trong 20 năm qua gồm: Mua sắm máy bay chiến đấu đa năng, đầu tư vào hệ thống phòng không mặt đất phức tạp, cải tiến khung máy bay hiện có, mua hệ thống cảnh báo sớm trên không, tiếp nhiên liệu trên không và chế tạo hệ thống tác chiến điện tử hiện đại.
Lực lượng không quân Trung Quốc bao gồm, máy bay mua của Nga và tự chế tạo trong nước. Máy bay chiến đấu Su-27 được mua từ những năm đầu 1990, biến thể của Su-27 là J-11 được lắp tại Thẩm Dương. Máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư J-10 là loại do chính Trung Quốc chế tạo. Với ít nhất là 3 trung đoàn hiện nay, J-10 sẽ dần dần được trang bị cho lực lượng máy bay chiến đấu của không quân Trung Quốc.
Lực lượng cơ bản có năng lực tấn công chính xác tầm xa của không quân Trung Quốc là máy bay chiến đấu đa năng Su-30MKK của Nga. Hiện Trung Quốc có 76 chiếc Su-30MKK, cộng thêm 3 trung đoàn không quân được trang bị JH-7A. Loại máy bay này đang dần thay thế loại cũ là Q-5 và có khả năng phóng tên lửa chống bức xạ tốc độ cao YJ-91/Kh-31P, có chức năng chủ yếu là chế áp phòng không đối phương. Lực lượng máy bay ném bom của Trung Quốc vẫn trang bị máy bay H-6, có dấu hiệu đang được cải tiến để phóng tên lửa LACM tầm xa. Với trang bị có thể nhận tiếp nhiên liệu trên không, được hỏa lực Pháo binh II và phương tiện cảnh báo sớm trên không hỗ trợ ban đầu, không quân Trung Quốc đang hướng tới khả năng đánh chặn ở tầm xa ngoài biên giới.
Tác chiến điện tử: Với những tiến bộ trong công nghệ thông tin, Trung Quốc đang cải thiện năng lực do thám, tấn công và phòng thủ điện tử của mình. Trong thời bình, các trung đoàn tác chiến điện tử tham gia tập trận với quan điểm “tác chiến trong môi trường điện từ”. Trước và trong khi có tấn công tên lửa và không quân, tác chiến điện tử có thể gây thách thức cho tính toàn vẹn và độ tin cậy trong nhận định tình huống và thông tin liên lạc của đối phương bằng cách phá các mạng vô tuyến, vệ tinh và ra đa. Trung Quốc còn coi thiết bị gây nhiễu trên mặt đất là bộ phận cấu thành của hệ thống phòng không.
Cơ sở hạ tầng tác chiến điện tử của quân đội Trung Quốc phát triển mạnh mẽ trong thập kỷ qua. Cục 4 của Bộ Tổng tham mưu chỉ đạo trực tiếp một hoặc hai trung đoàn tác chiến điện tử. Đơn vị số I đóng ở Lang Phường với các phân đội ở An Huy, Giang Tây và Sơn Đông. Đơn vị số II đóng ở đảo Hải Nam, có chức năng gây nhiễu vệ tinh. Bộ chỉ huy Pháo binh II cũng chỉ đạo một hoặc hai trung đoàn tác chiến điện tử; các lữ đoàn SRBM cũng có các đơn vị tác chiến điện tử cấp tiểu đoàn có chức năng phòng thủ cứ điểm chống lại tấn công đường không. Không quân cũng phát triển năng lực tác chiến điện tử trên không, với các trung đoàn chuyên môn được thành lập ở từng đại quân khu. Một trong số các trung đoàn này chịu trách nhiệm điều khiển phương tiện bay chiến đấu không người lái nhằm vào ra đa phòng không.
Do thám-phòng thủ-tích hợp: Nhằm mở rộng khả năng nhận định chiến trường, Trung Quốc đang đầu tư lớn vào 4 lĩnh vực cho phép mở rộng khả năng điều hành các hoạt động ra Tây Thái Bình Dương, Biển Đông và Ấn Độ Dương: (1) phương tiện bay “cận vũ trụ”; (2) vệ tinh trên vũ trụ; (3) phương tiện bay không gian; (4) hệ thống ra đa tầm xa.
“Cận vũ trụ” là khoảng không từ 20 km đến 100 km so với bề mặt Trái Đất, được các nhà phân tích Trung Quốc coi là không gian cạnh tranh chiến lược tương lai. Các phương tiện bay ở cận vũ trụ được sử dụng cho trinh sát, chuyển tiếp liên lạc, tác chiến điện tử và tấn công chính xác. Với nhiệm vụ trinh sát, ưu tiên được dành cho do thám bằng ra đa có khẩu độ tổng hợp (SAR) và tình báo điện tử.
Các phương tiện vũ trụ cho phép quản lý các hoạt động hải quân ở vùng biển bao quanh và theo dõi việc triển khai không quân ở khu vực. Hệ thống trinh sát từ vũ trụ đồng thời cung cấp hình ảnh cần cho các chức năng lập kế hoạch cho nhiệm vụ, chẳng hạn như dẫn đường cho tên lửa LACM. Thông tin liên lạc vệ tinh cũng là một phương tiện khó triệt hạ và sẽ trở nên đặc biệt quan trọng khi quân đội Trung Quốc hoạt động ngoài vùng lãnh thổ quốc gia.
Trung Quốc đưa vào sử dụng hệ thống ra đa tầm xa OTH-B với giải sóng tần số thấp (3 đến 30 MHz) có thể vươn tầm do thám 1.000 đến 4.000km. Mở rộng cấu trúc do thám là một bộ phận cấu thành của học thuyết kết hợp phòng thủ không gian và phòng thủ vũ trụ. Trung Quốc tích cực hiện đại hóa năng lực tên lửa đất đối không thông qua nâng cấp các hệ thống hiện nay, triển khai tên lửa SAM thế hệ mới và mua sắm các hệ thống từ nước ngoài./.