Đề án nêu rõ, đến cuối năm 2018 phải xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo. Đồng thời, đến tháng 6/2019, cần xong hồ sơ đề nghị xây dựng khung pháp luật về thuế đối với tài sản ảo, tiền ảo. Ngoài ra, những đề xuất để phòng, chống xử lý các vi phạm liên quan đến loại hình tiền tệ này cũng được Chính phủ giao hoàn thành trước tháng 9/2019.
Ảnh minh họa (Nguồn: https://i-sohoa.vnecdn.net).
Sự xuất hiện “tiền ảo”
Tiền điện tử kỹ thuật số, còn gọi là “tiền ảo”, gần giống như các đồng tiền khác, có các chức năng trao đổi hàng hóa, ký gửi, bảo quản và cất trữ… Tiền điện tử được tạo ra thông qua giải các thuật toán phức tạp, có thể chia nhỏ ở mức không giới hạn. Tiền ảo được vận hành trong mạng máy tính, được xác nhận kết quả từ tất cả mạng máy tính với số lượng giới hạn, khiến nó có tính khan hiếm gần giống như vàng và đá quý.
Tiền ảo được hình thành bởi hiệu ứng mạng lưới 4 chiều: (1) Người tiêu dùng chi trả; (2) Doanh nghiệp chấp nhận thanh toán; (3) Những người xử lý xác thực sự tồn tại; (4) Những nhà phát triển và các doanh nhân tạo ra những sản phẩm/dịch vụ trên nền tảng đồng tiền ảo.
Giá trị tiền ảo dựa trên 2 yếu tố: Một là, sự sử dụng của hệ thống thanh toán trong thời gian thực; hai là, sự đầu tư vào sử dụng trong tương lai của cơ chế thanh toán. Tiền ảo không có sẵn giá trị tự thân. Nó chỉ có giá trị thật sự khi có nhiều người sử dụng để trao đổi với độ tin cậy rằng, bất cứ ở đâu, không có lừa đảo, không lệ phí, hoặc lệ phí siêu thấp...
Với hiệu ứng mạng lưới, thì càng nhiều người sử dụng, tiền ảo càng có giá trị cho tất cả những ai dùng nó và những người đến sau càng có thêm sự khích lệ sử dụng công nghệ này. Tiền ảo chia sẻ chung một đặc điểm của hiệu ứng mạng lưới với mạng lưới điện thoại, Internet, và những dịch vụ Internet nổi tiếng như: eBay và Facebook…
Tiền ảo vừa là đơn vị tiền tệ, vừa là một nền tảng thanh toán và là một loại tài sản ảo được định giá, khiến nó cũng được so sánh với vàng, kim loại quý; đồng USD có giá trị vì được chấp nhận của thị trường thì đồng tiền ảo cũng có giá trị vì tính phổ biến của nó ngày càng tăng trên phạm vi toàn cầu. Tính ưu việt của tiền ảo là linh hoạt trong cất giữ và vận chuyển, độ bảo mật cao, không bị làm giả, lưu chuyển nhanh với chi phí siêu thấp. Chính phủ các nước chỉ có thể quản lý chứ không thể can thiệp.
Tuy nhiên, do đặc tính của đồng tiền điện tử nên ưu thế của nó cũng giống như mạng xã hội chuyên về thanh toán. Facebook cũng sẽ không có giá trị nếu không ai sử dụng nó, nhưng với hàng tỷ người dùng hiện nay, thì Facebook nghiễm nhiên trở thành một tài sản có giá trị ngày càng cao.
Tiền ảo cũng vậy. Nó gắn chặt với lượng người sử dụng đồng tiền này. Vì thế, giá trị của đồng tiền ảo cũng tăng, giảm tùy theo số lượng người sử dụng nó. Bên cạnh đồng tiền điện tử Bitcoin đang có vị thế vượt trội hiện nay còn có các đồng tiền ảo khác như: Aureus, Ethereum, Ripple, Litecoin… đang cạnh tranh với nhau.
Trên thị trường tiền ảo vừa qua, lượng vốn tăng đột biến là do lượng tiền đổ vào và lòng tin của người tiêu dùng tăng lên (hiệu ứng kép). Khi người giàu coi tiền điện tử cũng là kênh cất trữ và bảo tồn giá trị tài sản, khiến nhiều người khác cũng bị thuyết phục làm cho giá của tiền ảo tăng lên nhanh chóng, tạo nên những “cơn sốt” tiền ảo. Ngày 3/9, tiền ảo đã bất ngờ chạm mốc 5.000 USD/Bitcoin.
Sự ứng xử khác nhau của các nước
Qua khảo sát gần 20 quốc gia phổ cập tiền điện tử, có thể chia ra 3 cấp độ (1) Công nhận tiền ảo là tiền tệ hợp pháp (Đức, Anh, Tây ban Nha, Phần Lan, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Venezuela); (2) coi tiền điện tử như hàng hóa (Mỹ, Indonesia, Ấn Độ, Nga, Trung Quốc…); (3) các nước chưa can thiệp vào tiền điện tử, nhưng cũng không cấm giao dịch đồng tiền này (Malaysia, Thái Lan, Colombia...)
Đức là quốc gia thành viên EU đầu tiên công nhận Bitcoin là đồng tiền điện tử hợp pháp ngày 18/8/2013. Tiếp sau đó ngày 23/10/2015, Tòa án EU cũng chấp nhận Bitcoin là một loại tiền tệ. Nhật Bản là quốc gia vừa mới ban hành đạo luật cho phép Bitcoin là một trong những phương thức thanh toán chính thức từ 1/4/2017.
Ở Hàn Quốc, tiền ảo có thể được mua bởi một số lượng lớn các cửa hàng tiện lợi của nước này. Hệ thống Korbit đang là nơi tổ chức hơn 70% khối lượng các giao dịch tiền ảo Bitcoin của Hàn Quốc.
Phần Lan được coi là cái nôi của đổi mới công nghệ, nổi tiếng vì là nơi khai sinh Nokia. Ban Trung ương thuế Phần Lan (CBT) đã phân loại tiền ảo Bitcoin như một dịch vụ tài chính, miễn thuế và mua Bitcoin từ thuế giá trị gia tăng. Đây là quốc gia có một số lượng đáng kể các máy ATM Bitcoin, chỉ riêng Helsinki đã có tới 10 cái.
Tây Ban Nha, nhà cung cấp đã cho phép người tiêu dùng quy đổi tiền mặt thành Bitcoin. Nhà thanh toán Bitcoin Bitnovo của nước này đã công bố mở rộng thêm 4.000 cửa hàng, khiến những người tín nhiệm đồng tiền điện tử có thể dễ dàng tìm ra địa điểm để qui đổi tiền mặt ra Bitcoin.
Canada là quốc gia có rất nhiều hoạt động của Bitcoin với các máy ATM tạo thuận lợi cho giao dịch. Canada còn tự hào có hai “trung tâm Bitcoin” là các thành phố ở Toronto (phía Đông) và Vancouver (phía Tây) đất nước.
Anh quốc thường được xem như là trung tâm tài chính hàng đầu thế giới và là trung tâm của đổi mới. Do đó, sự hiện diện của Bitcoin và blockchain liên quan đến BTMs, và một cộng đồng năng động làm cho nó một môi trường Bitcoin thân thiện thực sự.
Mỹ là nước công nhận tiền ảo chính thức là một loại hàng hóa cơ bản giống như vàng hay dầu (21/9/2015). Ủy ban giao dịch hàng hóa tương lai (CFTC) đã giải quyết tranh chấp và cáo buộc chống lại việc sử dụng tiền ảo như một phương tiện thanh toán cho các hợp đồng quyền chọn trên chính nền tảng của nó.
Indonesia cho phép giao dịch bằng đồng Bitcoin và xem nó như một loại hàng hóa điện tử nhưng không cho phép dùng Bitcoin để thanh toán. Những nhà kinh doanh sẽ phải tự động chuyển đổi Bitcoin sang Rupiah và gửi tiền vào tài khoản ngân hàng của họ. Bitcoin chỉ hoạt động giống như thẻ tín dụng với khối lượng giao dịch hiện nay là 3.344 Bitcoin.
Hà Lan có “thành phố tiền ảo riêng” là Arnhen. Tại đây, người sử dụng tiền điện tử có thể mua các loại hàng hóa, dịch vụ như: Nhà ở, xe đạp, thức ăn và dịch vụ Y tế. Tuy nhiên, tiền điện tử hiện không nằm trong khuôn khổ luật pháp và giám sát tài chính của chính phủ.
Ở Trung Quốc và Australia, đồng Bitcoin đang hoạt động gần giống như thị trường chứng khoán. Các nhà đầu tư Trung Quốc vừa qua đã ồ ạt đổ tiền vào mua Bitcoin, đẩy giá lên cao tới 16%; còn sàn giao dịch ACX ở Australia khối lượng giao dịch hàng tuần cũng đã tăng hơn 12.000 Bitcoins.
Như vậy, tiền ảo đã tương đối phổ cập trên thị trường toàn cầu. Đến nay đã có nhiều nước thừa nhận loại tiền này với cấp độ khác nhau. Việc sử dụng tiền ảo để giao dịch trong nước và quốc tế gần giống như các đồng tiền khác đang hiện hữu. Vì thế, việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo tiền điện tử, tiền ảo của Việt Nam là phù hợp với nhu cầu thực tiến khách quan./.