(ĐCSVN) - Theo kế hoạch, Israel và Palestine phải đạt được một thỏa thuận về hàng loạt các vấn đề cốt lõi như an ninh, biên giới và việc công nhận Nhà nước Palestine và Nhà nước Israel trước hạn chót là ngày 29/4 tới. Tuy nhiên,cuộc đàm phán hoà bình Trung Đông được kỳ vọng này lại dường như đang bế tắc bởi “chưa bên nào chịu nhượng bộ bên nào”.
. |
Trưởng đoàn đàm phán của Fatah Azzam al-Ahmed (giữa, trái) và Phó lãnh đạo Phong trào Hamas Musa Abu Marzuk (phải) sau lễ ký thỏa thuận hòa giải tại Gaza ngày 23/4. (Ảnh: AFP/TTXVN). |
Ngày 23/4, hai lực lượng chính của Palestine là Hamas và Fatah đã nhất trí về việc thành lập chính phủ đoàn kết chuyển tiếp trong vòng 5 tuần và tổ chức tổng tuyển cử trong vòng 6 tháng. Thỏa thuận hòa giải này nhận được sự ủng hộ từ Liên hợp quốc. Phát biểu tại buổi họp báo ngày 25/4, người phát ngôn Liên hợp quốc Stephane Dujarric khẳng định, Liên hợp quốc ủng hộ việc thành lập một chính phủ đoàn kết của Palestine, coi đây là con đường duy nhất tiến tới việc thống nhất khu Bờ Tây và Dải Gaza dưới một Chính quyền Palestine hợp pháp.
Tuy nhiên, thoả thuận trên của người Palestine lại nhận được sự phản đối gay gắt từ Mỹ và Israel. Chỉ sau vài giờ thoả thuận trên được thông qua, Israel đã ngay lập tức tuyên bố hủy cuộc đàm phán hòa bình với Palestine. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khẳng định “sẽ không bao giờ đàm phán với một chính phủ Palestine do một tổ chức khủng bố thề hủy diệt Israel hậu thuẫn”. Trưởng đoàn đàm phán hòa bình Israel Tzipi Livni thì cho biết : ”Israel sẽ không tiếp tục tham gia đàm phán nếu thành phần chính quyền Palestine có phong trào Hamas”.
Phát biểu ngay sau khi Israel thông báo hủy cuộc đàm phán với Palestine, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki nhấn mạnh quyết định hòa giải của hai phái Palestine "chắc chắn sẽ làm phức tạp tiến trình hòa bình". Bà Psaki cho rằng Hamas không sẵn sàng tuân thủ các nguyên tắc cơ bản mà chính phủ Mỹ mong đợi để tham gia tiến trình hòa bình. Đồng quan điểm với bà Jen Psaki, một quan chức cấp cao Nhà Trắng cũng cho rằng, nếu Phong trào Fatah của Tổ chức Giải phóng Palestin (PLO) cùng Hamas, một nhóm Hồi giáo bị Mỹ xác định là khủng bố, liên kết với nhau thành lập một chính phủ hòa giải, Mỹ sẽ phải cân nhắc lại các khoản viện trợ dành cho Palestin. Lý do Mỹ đưa ra là luật pháp nước này cấm cung cấp các khoản viện trợ, dưới mọi hình thức, cho một chính phủ mà trong đó có bao gồm những thành viên là các “phần tử khủng bố”.
Chính quyền Palestine (PA) đang cân nhắc "tất cả các phương án" để đáp trả việc Israel ngừng đàm phán hòa bình với Palestine sau khi hai phong trào Fatah và Hamas đạt được một thỏa thuận hòa giải.
Ngày 25/4, phát biểu với báo giới tại Seoul khi đang ở thăm Hàn Quốc, Tổng thống Barack Obama nhận định các nhà lãnh đạo của cả Israel và Palestine hiện đều thiếu thiện chí trong việc đưa ra các nhượng bộ có ý nghĩa. Nhận định của Tổng thống Mỹ là hoàn toàn có cơ sở, bởi trước đó, ngày 24/4, Trưởng đoàn đàm phán hòa bình của Palestine, ông Saeb Erakat cho biết,ban lãnh đạo Palestine sẽ xem xét tất cả các phương án nhằm đáp trả quyết định của Israel. Ưu tiên hiện nay của người dân Palestine là hòa giải và đoàn kết dân tộc. Theo quan chức này, tiến trình hòa bình Trung Đông bị đổ vỡ là do Israel đã lựa chọn tiếp tục hoạt động xây nhà định cư trên các vùng lãnh thổ chiếm đóng của Palestine, thay vì chọn giải pháp xúc tiến hòa bình.
Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho rằng, những động thái của Tổ chức giải phóng Palestine (PLO) nhằm thành lập chính phủ đoàn kết với Hamas là “một bước thụt lùi lớn” và có thể sẽ "giết chết tiến trình hòa bình" do Mỹ làm trung gian. Theo ông Netanyahu, Israel sẽ không đàm phán với "một chính quyền Palestine có sự tham gia của phong trào Hồi giáo Hamas".
Ngoài ra, Israel còn cáo buộc Palestine vi phạm các thỏa thuận khi đơn phương xin gia nhập các tổ chức của Liên hợp quốc. Trong khi đó, Palestine cũng đưa ra cáo buộc tương tự với Israel do việc Tel Aviv không thả tù nhân Pelstine theo kế hoạch và tiếp tục thúc đẩy hoạt động xây nhà định cư mới tại Jerusalem. Phía Palestine đã đưa ra điều kiện để kéo dài thời gian đàm phán sau thời hạn chót nói trên. Theo đó, Israel phải có văn bản công nhận Nhà nước Palestine với các vùng lãnh thổ ở Bờ Tây, Dải Gaza với Đông Jerusalem là thủ đô.
Tel Aviv khẳng định biên giới vùng Bờ Tây là vấn đề không thương lượng cũng như Đông Jerusalem là một phần của Israel. Những bất đồng sâu sắc này cùng những diễn biến mới liên quan tới phe phái Palestine khiến dư luận hoài nghi khả năng vòng đàm phán sẽ được nối lại trước thời hạn chót.
Với vai trò trung gian, Mỹ đang nỗ lực cứu vãn tiến trình hoà đàm Trung Đông. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định Washington sẽ không bao giờ từ bỏ cam kết của mình đối với tiến trình hòa bình Trung Đông, đồng thời nhấn mạnh "vẫn luôn có một giải pháp" về vấn đề này. Thừa nhận đàm phán đang đối mặt với nguy cơ đổ vỡ, ông J. Kerry hối thúc Israel và Palestine đạt được thỏa hiệp cần thiết để hướng tới các cuộc hòa đàm.
Tuy nhiên, những diễn biến gần đây đã cho thấy, khả năng kéo Israel và Palestine trở lại bàn đàm phán vào thời điểm hiện nay để đạt được một thoả thuận vào ngày 29/4 dường như đang dần tuột khỏi tầm kiểm soát của các bên liên quan. Tiến trình đàm phán Trung Đông dường như đang đi dần vào ngõ cụt bởi sự khác biệt không được thoả hiệp./.