Tiến trình hòa bình ở Colombia: Con đường không trải đầy hoa

Thứ ba, 30/07/2013 09:32

(ĐCSVN) Trong vòng hơn một nửa thế kỷ, bạo lực đã cướp đi sinh mạng của hơn 220.000 người dân Colombia. Ước muốn về một nền hòa bình ổn định và lâu dài là khát khao hiện hữu từ lâu của người dân ở quốc gia Nam Mỹ này. Nhưng với con số biết nói kể trên, sự tàn khốc của bối cảnh xung đột đã thôi thúc khát khao đó trở nên cháy bỏng hơn bao giờ hết.

Những nỗ lực không ngừng...

Được thành lập năm 1964 và hiện có khoảng 9.000 thành viên vũ trang, FARC là tổ chức chống chính phủ lâu năm nhất ở Nam Mỹ. Số liệu của Liên hợp quốc cho biết cuộc xung đột giữa tổ chức này với chính phủ Colombia trong gần nửa thế kỷ qua đã làm hàng nghìn người mất tích và hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.

 

 Cuộc đàm phán đầu tiên giữa chính phủ Colombia và FARC được bắt đầu từ tháng
10/2012 tại Havana, Cuba.  (Ảnh: Colombia Reports)


Trong một nỗ lực nhằm chấm dứt cuộc nội chiến lâu năm nhất tại Mỹ Latinh, các cuộc đối thoại hòa bình giữa chính phủ Colombia và Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (FARC) đã được khởi động từ tháng 10/2012. Cuba và Nauy đã góp phần trong nỗ lực này, đây cũng là những nơi diễn ra các cuộc đàm phán. Các nước láng giềng Venezuela và Chile cũng tình nguyện tham gia quan sát các cuộc đàm phán.

Hiện hai bên đã kết thúc vòng đàm phán thứ 11 tại Cuba. Ngày 28/7, hai bên đã trở lại vòng đàm phán hòa bình thứ 12 ở thủ đô Havana trong nỗ lực chấm dứt cuộc xung đột kéo dài nhất khu vực Nam Mỹ.

Các cuộc đàm phán đã xoay quanh những vấn đề liên quan đến chính sách phát triển nông thôn, giải giáp vũ khí, sự tham gia của FARC vào các hoạt động chính trị, chống ma túy và bồi thường cho các nạn nhân của cuộc xung đột vũ trang. Trong đó, vấn đề đất đai là nội dung cốt lõi trong quá trình đàm phán giữa hai bên, bởi lẽ sự phân chia đất không công bằng, tạo nên khoảng cách giàu nghèo giữa các chủ đồn điền và nông dân không có đất là nguyên nhân chính dẫn đến sự nổi dậy của một số lực lượng vũ trang tại Colombia, trong đó có FARC, kể từ năm 1964.

Tháng 5 vừa qua, hai bên đã đạt được thỏa thuận về vấn đề đầu tiên trong 5 điểm đó là cải cách ruộng đất và phát triển nông thôn. Theo đó, thỏa thuận mới sẽ tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội cho các vùng nông thôn, đồng thời giao đất cho cư dân ở các vùng nông thôn Colombia. Chính phủ Colombia cũng cam kết tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng và dịch vụ cho vùng nông thôn, nỗ lực khắc phục tình trạng không đồng đều trong phát triển kinh tế - xã hội giữa các vùng miền. Bên cạnh đó, những người dân mất đất hoặc bị buộc phải di dời nhà cửa, ruộng vườn, sẽ được bồi thường.

Tiếp đó, tại vòng đàm phán thứ 11 kết thúc ngày 9/7 vừa qua, hai bên cũng đã đạt được một số bước tiến khả quan về việc xác định vị thế tương lai cho FARC. Theo đó, hai bên khẳng định việc FARC tham gia hoạt động chính trị sẽ là yếu tố then chốt trong việc đạt được một thỏa thuận hòa bình cuối cùng. Vòng đàm phán lần thứ 12 này sẽ tiếp tục xác định nền tảng cho quá trình chuyển tiếp của FARC từ một lực lượng đấu tranh vũ trang trở thành một phong trào hay đảng phái chính trị ở quốc gia Nam Mỹ này.

Phát biểu trước báo giới nhân vòng đàm phán thứ 12 được khởi động, Trưởng đoàn đàm phán của chính phủ, ông Umberto de la Calle đã nhấn mạnh vòng đàm phán là cơ hội để hai bên đạt được đồng thuận về chấm dứt xung đột và việc FARC từ bỏ vũ trang sẽ là nền tảng để lực lượng này tham gia vào đời sống chính trị một cách dân chủ.

... trên con đường không trải đầy hoa

Mặc dù hai bên vẫn tiếp tục các vòng đàm phán và có nhiều tiến bộ đã đạt được. Nhưng tiến trình đàm phán hòa bình ở Colombia vẫn còn nhiều chông gai chưa được gỡ bỏ.

 

 Thủ lĩnh FARC Ivan Marquez (trái) trong một cuộc họp báo tháng 7/2013.
(Ảnh AFP/ TTXVN)


Các vụ đụng độ giữa quân đội nước này với các phần tử FARC đã khiến cho tình hình chưa thể yên ả và buộc nước này phải tăng cường các biện pháp an ninh. Mới đây, ngày 21/7, quân đội Colombia đã bắt giữ 12 phần tử vũ trang FARC do cáo buộc lực lượng này giết hại 15 binh lính trong một cuộc đụng độ gần biên giới với Venezuela ngày 21/7.

Tổng thống Colombia Manuel Santos ra lệnh đề nghị triển khai thêm quân đến khu vực và yêu cầu binh lính sẵn sàng đáp trả nếu bị tấn công. Những vụ đụng độ mới này có thể khiến con đường tiến tới hòa bình tại Colombia trở nên khó khăn hơn.

Tuy nhiên, phát biểu sau những vụ việc qua, Tổng thống Santos khẳng định, các cuộc đối thoại hòa bình tại Havana vẫn tiếp tục như thường lệ. Và trong một phát biểu mới nhất ngày 25/7, chính phủ Colombia lần đầu tiên thừa nhận đã "vi phạm nghiêm trọng các quyền con người" trong suốt nửa thế kỷ xung đột với nhóm Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (FARC).

Trong bài phát biểu trên, Tổng thống Santos tuyên bố chính phủ phải có trách nhiệm đối với hoạt động của các nhân viên mật vụ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và các điều khoản trong luật nhân đạo quốc tế kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu. Vai trò của mật vụ là bảo đảm và bảo vệ quyền của mọi công dân. Do vậy, trách nhiệm của chính phủ là rất lớn.

Tuy nhiên, Tổng thống Santos cũng nhấn mạnh sự thừa nhận của ông không có nghĩa là FARC không phải chịu trách nhiệm về những hành động bị cho là vi phạm nhân quyền và luật nhân đạo quốc tế.

Ông cho rằng nếu thực sự muốn chấm dứt cuộc xung đột kéo dài hơn nửa thế kỷ qua, các thành viên của FARC và Quân đội Giải phóng quốc gia (ELN), cũng như các chiến binh giải ngũ của Lực lượng Tự vệ Thống nhất Colombia (AUC) – nhóm theo đường lối cực hữu, phải có trách nhiệm với những hành động của mình. Hiện ELN vẫn đứng ngoài tiến trình hòa đàm giữa FARC và chính quyền Bogota.

Các cuộc đàm phán giữa chính phủ Colombia và FARC đang được tiếp tục. Điều đó có nghĩa là cả hai bên vẫn tiếp tục những nỗ lực không ngừng để hướng tới một nền hòa bình ổn định và lâu dài. Điều mà người dân Colombia mong muốn là hai bên sẽ vượt qua được những “chông gai”, để con đường đi tới sự thống nhất, hòa hợp sẽ bớt xa hơn trong một tương lai gần./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực