Tìm kiếm giải pháp cứu vãn khu vực Eurozone

Thứ tư, 01/07/2015 19:47

(ĐCSVN) - Bế tắc trong đàm phán giải ngân khoản cứu trợ 7,2 tỷ euro (8,12 tỷ USD), Hy Lạp lại bị hãng xếp hạng quốc tế Standard & Poor's (S&P) hạ bậc tín nhiệm dài hạn xuống mức tiến gần hơn đến "mất khả năng trả nợ". Tuy vậy, khả năng đàm phán vẫn còn bỏ ngỏ cho Hy Lạp và cả các chủ nợ nhằm tìm kiếm giải pháp cứu vãn khu vực Eurozone.

 Người dân Hy Lạp thất vọng vì không rút được tiền từ các máy ATM
 vì nguồn tiền cạn kiệt. (Ảnh BTA)

Ngày 29/6, S&P đánh giá việc Hy Lạp lên kế hoạch tiến hành cuộc trưng cầu ý dân về những đề xuất trả nợ của các chủ nợ cũng đồng nghĩa với việc chính phủ do ông Alexis Tsipras ưu tiên vấn đề chính trị trong nước hơn sự ổn định tài chính và kinh tế cũng như việc thanh toán các khoản nợ thương mại, vấn đề thành viên của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Theo S&P, việc chính quyền Hy Lạp khó có thể đạt được một thỏa thuận với các chủ nợ quốc tế về kế hoạch trả nợ là một dấu hiệu cho thấy, Athens nhiều khả năng sẽ không thể thanh toán các khoản nợ đúng thời hạn chót 30/6 theo cam kết, trong đó có 1,5 tỷ euro (1,7 tỷ USD) phải trả cho Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
 
Từ những phân tích trên, S&P đã quyết định hạ bậc tín nhiệm của Hy Lạp xuống "CCC-", đồng thời cảnh báo quốc gia châu Âu này sẽ không tránh khỏi nguy cơ vỡ nợ trong 6 tháng tới và khả năng nước này rời Eurozone là 50% nếu thiếu thỏa thuận với các chủ nợ.

Trong khi đó, cùng ngày, hãng Fitch cũng hạ mức xếp hạng 4 ngân hàng hàng đầu của Hy Lạp xuống mức "vỡ nợ từng phần" sau khi chính phủ yêu cầu các ngân hàng thương mại đóng cửa trong vòng một tuần và áp đặt các biện pháp kiểm soát vốn.

Chính phủ Hy Lạp hiện đứng trên bờ vực vỡ nợ và đang nỗ lực tìm ra một kế hoạch cải cách được các bên chấp nhận để được giải ngân khoản cứu trợ 7,2 tỷ euro vô cùng cấp thiết cho đất nước cạn kiệt nguồn tiền mặt, trước khi gói cứu trợ quốc tế hết hạn vào ngày 30/6, cũng là thời điểm quốc gia thành viên Khu vực đồng euro (Eurozone) này đáo hạn khoản vay 1,5 tỷ euro đối với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Lãnh đạo Nghị viện châu Âu đã kêu gọi Hy Lạp và các chủ nợ quay trở lại bàn đàm phán trước khi kết thúc thời hạn chót. Ngày 29/6, EP đã tiến hành phiên họp đặc biệt để thông qua lập trường chung cho bước đi tiếp theo nhằm tránh để xảy ra những diễn biến tiêu cực cho Hy Lạp và tìm giải pháp kéo dài chương trình cứu trợ, coi đây như biện pháp tạm thời cho đến khi "xứ sở thần thoại" hoàn tất cuộc trưng cầu dân ý về việc "có hay không" tiếp tục chính sách "thắt lưng buộc bụng" để nhận khoản vay mới. Đây được xem là dấu hiệu tích cực từ phía Liên minh châu Âu nhằm nối lại các cuộc đàm phán với Hy Lạp. Trong khi đó, Chủ tịch Nhóm các bộ trưởng tài chính Eurozone Jeroen Dijsselbloem khẳng định, cánh cửa vẫn để ngỏ cho các cuộc đàm phán với Athens, kể cả sau khi cuộc đàm phán giữa nước này với các chủ nợ đã đổ vỡ hồi cuối tuần qua.

Cùng ngày, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Pháp Francois Hollande đã có cuộc điện đàm về cuộc khủng hoảng nợ ở Hy Lạp và nhất trí rằng, điều quan trọng hiện nay là thống nhất về một gói các biện pháp cải cách cho Athens để nước này quay trở lại quỹ đạo phát triển bền vững.

Hai nhà lãnh đạo cũng kêu gọi phối hợp các nỗ lực nhằm khuyến khích các bên quay trở lại bàn đàm phán để nhanh chóng giải quyết cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp và đảm bảo sự ổn định tài chính của nước này.

Từ Bắc Kinh, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường bày tỏ mong muốn giữ Athens ở lại Eurozone và tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ tại quốc gia Nam Âu này.
 
Phát biểu tại cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu, ông Lý Khắc Cường khẳng định, đây là thời điểm "cực kỳ quan trọng" để thu hẹp bất đồng giữa Hy Lạp và nhóm chủ nợ gồm: Liên minh châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu - ECB và Quỹ Tiền tệ quốc tế. Theo Thủ tướng Lý Khắc Cường, cả Hy Lạp và châu Âu đều phải cố gắng để vượt qua thách thức và cuộc khủng hoảng hiện nay. Mặc dù không trả lời trực tiếp câu hỏi: Liệu Bắc Kinh có sẵn sàng cho Athens vay tiền để giải quyết những khó khăn hiện nay?, song ông cho biết, Trung Quốc đã có những nỗ lực riêng dành cho nước này.

Trong khi các nhà lãnh đạo châu Âu kêu gọi cử tri Hy Lạp nói "có" với các chính sách "thắt lưng buộc bụng" để tiếp tục nhận cứu trợ trong cuộc trưng cầu diễn ra ngày 5/7 này, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras kêu gọi người dân bình tĩnh, cho rằng cuộc trưng cầu ý dân sắp tới về kế hoạch "đổi tiền lấy cải cách" của các chủ nợ sẽ khiến nước này được trang bị tốt hơn trong cuộc chiến đối phó với khủng hoảng. Mặc dù vậy, ông Tsipras khẳng định rõ ràng rằng, Hy Lạp không thể thanh toán được khoản nợ 1,5 tỷ euro cho IMF đúng thời hạn chót (30/6), thời điểm chương trình cứu trợ quốc tế dành cho nước này hết hiệu lực.

Trong lúc này, khoảng 17.000 người dân Hy Lạp đổ ra đường phố ở thủ đô phản đối chính sách "thắt lưng buộc bụng" và kêu gọi nói "không" với chính sách này trong cuộc trưng cầu sắp tới. Những người biểu tình mang theo nhiều biểu ngữ, băng rôn ghi rõ: "Cuộc sống của chúng tôi không phải phụ thuộc vào các chủ nợ". Đa số người biểu tình ủng hộ Thủ tướng Tsipras và nói rằng, sẽ hưởng ứng lời kêu gọi của ông nói "không" với thỏa thuận vay mà theo đó, người dân tiếp tục thực thi chính sách khắc khổ đã khiến người dân khốn khó 5 năm qua.

Phản ứng trước động thái của Hy Lạp, ngày 29/6, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã phê phán việc Chính phủ Hy Lạp phá vỡ đàm phán với các đối tác Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) qua quyết định tiến hành cuộc trưng cầu ý dân, song cho biết cánh cửa vẫn rộng mở với Athens.

Phát biểu sau cuộc họp với lãnh đạo các chính đảng cũng như những người đứng đầu đảng đoàn trong Quốc hội Đức, Thủ tướng Merkel chỉ trích đường lối không chịu thoả hiệp của Chính phủ Hy Lạp. Bà A. Markel nhấn mạnh rằng, nếu các đối tác trong Eurozone không có "trách nhiệm riêng và tình đoàn kết chung", đồng tiền Euro sẽ sụp đổ và đây là điều không ai mong muốn.

Thủ tướng Merkel cũng trấn an người dân Đức về cuộc khủng hoảng ở Hy Lạp, đồng thời thông báo Quốc hội Đức (vào hôm nay 1/7) sẽ tiến hành thảo luận về khủng hoảng nợ của Athens .

Phát biểu trong một sự kiện cùng ngày, Thủ tướng Merkel một lần nữa phản đối biện pháp xoá nợ cho Hy Lạp thay vì cần một chương trình cứu trợ mới. Theo bà, việc xoá nợ trong tình hình hiện nay là "không sáng suốt", vì về cơ bản không giúp thay đổi cuộc khủng hoảng và một hoặc hai năm sau, Hy Lạp lại có thể rơi vào tình trạng như hiện nay./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực