Mặc dù Tổng thống Ai Cập Mohamed Mursi đã chiến thắng trong cuộc trưng cầu dân ý về bản dự thảo hiến pháp mới nhưng điều này có thể khiến ông mất đi sự ủng hộ rộng rãi trong việc thực thi những biện pháp khắc khổ mà ông sẽ phải triển khai để khôi phục nền kinh tế đang èo uột.
Bằng cách nhanh chóng thông qua bản dự thảo hiến pháp qua một cuộc trưng cầu dân ý mà phe đối lập chỉ trích rằng đã gây chia rẽ trong dân chúng, ông Mursi đã làm mất cơ hội xây dựng sự đồng thuận trong việc thực thi các chính sách tăng thuế hay cắt giảm chi tiêu để kiềm chế tình trạng thiếu hụt ngân sách.
Số liệu kiểm phiếu không chính thức do Tổ chức Anh em Hồi giáo của ông Mursi công bố cho thấy bản hiến pháp mới đã được thông qua với đa số 64% phiếu tán thành. Nhưng phe đối lập nói rằng ông Mursi đã mất phiếu bầu trong hầu hết các khu vực ở thủ đô.
Trong khi đó, trên khắp đất nước, những cử tri tự do, những người Công giáo và những cử tri khác lại đang tỏ ra lo ngại về bản hiến pháp được soạn thảo ra bởi một quốc hội do người Hồi giáo chiếm đa số. Phe đối lập cho rằng những bất đồng này sẽ làm gia tăng hơn nữa sự bất ổn trong một quốc gia có nền kinh tế đã bị suy sụp bởi sự hỗn loạn kể từ khi cựu Tổng thống Mubarak bị lật đổ hai năm trước đây. Đồng thời, các nhà đầu tư và khách du lịch, vốn là những nguồn tài chính hết sức quan trọng, cũng bị xua đuổi.
|
Tổng thống Ai Cập Mohamed Mursi còn nhiều việc phải làm tại thời điểm này. (Nguồn: Internet) |
Từng là một thị trường mới nổi thu hút các nhà đầu tư, nền kinh tế Ai Cập đang chịu thâm hụt ngân sách gia tăng chóng mặt chiếm 11% tổng sản phẩm quốc nội trong năm tài chính kết thúc vào tháng 6-2012 và được dự báo sẽ đạt khoảng 10% trong năm nay. Ông Amr Adly, một chuyên gia kinh tế còn cho rằng, nếu không nhanh chóng có các hành động cần thiết, mức độ thâm hụt ngân sách của Ai Cập có thể đạt mức 13%.
Trong khi đó, Ai Cập đang bị chảy máu dự trữ ngoại tệ với tốc độ khoảng 600 triệu USD mỗi tháng khiến mức dự trữ ngoại tệ bị giảm xuống chỉ còn khoảng 15 tỷ USD, chưa bằng một nửa mức dự trữ ngoại tệ trước khi ông Mubarak bị lật đổ.
Thiếu đi sự ủng hộ rộng rãi, chính quyền của ông Mursi sẽ rất khó khăn trong việc triển khai những cải cách cần thiết nhằm bảo đảm một khoản vay trị giá 4,8 tỷ USD từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Đảng Công lý và Tự do thuộc Tổ chức Anh em Hồi giáo, tổ chức đã đưa ông Mursi lên cầm quyền, cũng có thể sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh dữ dội hơn trong cuộc bầu cử quốc hội dự kiến trong vòng hai tháng tới.
Phe đối lập Ai Cập đã thành công trong việc đoàn kết các phe phái sau khi ông Mursi tìm cách mở rộng quyền lực của mình. Ông Ahmed Said, lãnh đạo đảng Ai Cập Tự do và là một thành viên lãnh đạo của Liên minh Giải phóng Dân tộc, khẳng định: "Những việc mà ông Mursi làm đã giúp chúng tôi đoàn kết lại" và bổ sung thêm rằng ông trông đợi một hướng tiếp cận thống nhất cho cuộc bầu cử quốc hội sắp tới.
Điều này có thể sẽ giúp phe đối lập có nhiều cơ hội hơn trong cuộc bầu cử quốc hội sắp tới nhằm chống lại những người Hồi giáo, vốn đã xây dựng được một mạng lưới ủng hộ rộng lớn trên khắp đất nước sau nhiều thập kỷ. Một mạng lưới mà những ứng cử viên tự do và những người thuộc tôn giáo khác không thể so sánh được.
Những biện pháp nhằm kiểm soát trợ cấp năng lượng trong một đất nước mà cả người giàu lẫn người nghèo đã quen với việc sử dụng nhiên liệu giá rẻ sẽ gây thêm nhiều khó khăn cho những người Hồi giáo.
Ngay trước cuộc trưng cầu dân ý, ông Mursi đã tung ra các biện pháp tăng thuế đánh vào hàng hóa và dịch vụ, từ bia rượu, thuốc lá, cước điện thoại động cho tới các giấy phép lái xe và giấy phép khai thác mỏ. Nhưng ông đã phải thu hồi các quyết định này chỉ vài giờ sau đó do bị trỉ trích mạnh mẽ.
Quyết định đảo ngược các chính sách của ông Mursi đã khiến cho IMF trì hoãn việc phê chuẩn khoản vay cho Ai Cập đồng thời đe dọa hoãn cuộc họp phê chuẩn khoản vay, dự kiến sẽ được tổ vào giữa tháng 12.
Tuy vậy, một số người Ai Cập vẫn sẵn lòng cho thêm ông Mursi một cơ hội. Rất nhiều người bỏ phiếu tán thành bản dự thảo hiến pháp trong cuộc trưng cầu dân ý thực ra là bỏ phiếu cho "sự ổn định", thậm chí ngay cả khi họ có đôi chút dè dặt.
Chính phủ nói rằng họ đã sẵn sàng tham gia một cuộc "đối thoại dân tộc" với các lực lượng chính trị, các liên minh và những người khác để tìm kiếm sự ủng hộ rộng rãi cho một kế hoạch cải thiện kinh tế mà họ khẳng định là sẽ không ảnh hưởng đến người nghèo.
Nhà kinh tế Simon Williams của ngân hàng HSBC ở Dubai cho rằng việc thông qua bản hiến pháp mới dường như sẽ không giúp giảm bớt mối bất hòa gần đây, nhưng nó lại đánh dấu một bước đi quan trọng hướng tới quá trình chuyển đổi chính trị của Ai Cập khi nhận xét, chính quyền đang ngày càng khó cưỡng lại việc lẩn tránh việc thực hiện các biện pháp, chính sách không được lòng dân, đặc biệt là ở thời điểm trước cuộc bầu cử quốc hội"./.