Tình hình Xi-ry hiện nay và phản ứng của các nước
Thứ sáu, 23/09/2011 10:57 (GMT+7)
(ĐCSVN) - Trước khả năng cuộc tấn công tiềm tàng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO), các đại diện của Bộ Quốc phòng Xi-ry đã tham dự cuộc diễn tập quân sự “Liên minh chiến đấu-2011” (diễn ra từ ngày 6-12/9/2011) do Nga tổ chức.
Tại cuộc tập trận, quân đội Nga đã mô phỏng máy bay NATO để trình diễn trực quan tác chiến phòng không, bắn hạ “máy bay địch” bằng tất cả các loại tổ hợp tên lửa phòng không như loại tầm trung Buk, S-75, S-125 và tầm xa S-200, S-300, S-400. Theo chuyên gia của Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ Nga Ma-ki-y-en-cô, hiện Xi-ry sở hữu tên lửa Buk, S-200 và S-125...
Ngày 7/9/2011, Chính quyền Xi-ry đã yêu cầu Tổng Thư ký Liên đoàn Ả-rập (AL) hoãn chuyến thăm tới nước này vào ngày 7.9.2011 với lý do “tình hình đất nước vẫn ngoài vòng kiểm soát”. Theo kế hoạch ban đầu, Tổng Thư ký AL đến Xi-ry để chuyển đề xuất giải quyết tình trạng bạo lực tại Xi-ry của AL cho Tổng thống Át-xát. Gói đề xuất do 22 nước thành viên AL đệ trình này gồm 13 điểm chính, trong đó có đề nghị rút sự hiện diện Quân đội tại các đường phố Xi-ry, trả tự do cho những người bị bắt bớ trong các cuộc biểu tình... Ngoài ra, gói đề xuất cũng yêu cầu lập tức chấm dứt xung đột trong các cuộc biểu tình nhằm tránh xảy ra một cuộc xung đột tôn giáo tại Xi-ry, đồng thời kêu gọi ông Át-xát tuyên bố các nguyên tắc rõ ràng về những cam kết cải cách vào năm 2014 mà ông đã thông báo trước đó.
Trước tình hình bất ổn tại Xi-ry leo thang, các nước và các tổ chức quốc tế đã có những phản ứng khác nhau: Liên Hợp quốc (LHQ), ngày 8/9/2011, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Mun nói: “Tình trạng bạo lực nhắm vào thường dân Xi-ry vẫn tiếp diễn cho dù LHQ đã nhiều lần kêu gọi Tổng thống Át-xát ra lệnh ngưng các hành động thái quá và gây chết chóc của lực lượng an ninh Chính phủ. LHQ đề nghị ông Át-xát phải tiến hành các cải cách chính trị trước khi quá muộn. Liên đoàn Ả-rập (AL) dự kiến sẽ triệu tập một phiên họp để thảo luận về tình hình Xi-ry vào ngày 13/9/2011. Ngày 8/9/2011, Nga thông báo kế hoạch làm “trung gian” cho các cuộc thảo luận để Tổng thống Át-xát tại chức, bất kể những vụ biểu tình rầm rộ phản đối Chính phủ ở Xi-ry. Ngày 7/9/2011, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp A-lanh Giúp-pơ đã họp với người đồng cấp Nga và khuyến nghị “Nga nên có lập trường mạnh hơn đối với Xi-ry”. Ông A-lanh lên án: “Xi-ry vi phạm những tội ác chống nhân loại. Xi-ry sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt mới nếu như nước này không chịu sửa đổi. Cách thức Xi-ry đàn áp các cuộc biểu tình của người dân là không thể chấp nhận được”.
Giới phân tích cho biết; trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Bra-xin An-tô-ni-ô Pa-tri-ô-ta tại Mát-xcơ-va (4/9/2011), Ngoại trưởng Nga La-vrốp tuyên bố, Nhóm các nước mới nổi (BRICS) sẽ nỗ lực hết mình để ngăn chặn kịch bản Li-bi tái diễn ở Xi-ry. Tuyên bố này của Ngoại trưởng La-vrốp là đại diện cho nguyện vọng của BRICS (Bra-xin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi).
Về tương lai của Xi-ry, nhiều chuyên gia cho rằng không có gì là khó hiểu khi Xi-ry trở thành “tâm bão chính trị” nếu những cuộc biểu tình đẫm máu và leo thang bạo lực vẫn tiếp diễn ở đất nước này như trong thời gian qua. Ngoài ra, một dấu hiệu cho thấy tương lai đầy bất ổn của Xi-ry là một Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia Xi-ry vừa được thành lập trong một Hội nghị của phe đối lập Xi-ry diễn ra ở An-ca-ra, Thổ Nhĩ Kỳ hôm 29/8/2011./.