Toan tính của Mỹ xung quanh vấn đề Triều Tiên

Thứ tư, 15/12/2010 10:10
(ĐCSVN) - Theo mạng tin Erurasia Review, sau các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với một số đảo ở phía Đông hiện do Nhật Bản quản lý và tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên hiện nay, Mỹ đang đẩy mạnh hoạt động của các liên minh quân sự Mỹ-Hàn Quốc và Mỹ-Nhật Bản nhằm khẳng định sức mạnh của một siêu cường quân sự ở châu Á - Thái Bình Dương.

Báo viết: "Mỹ đang sử dụng Triều Tiên như một cái cớ để nhằm vào Trung Quốc và tích cực ủng hộ Nhật Bản trong cuộc xung đột lãnh thổ với Trung Quốc và Nga- các đối thủ chính trong chiến lược đổi mới, mở rộng và thống nhất các liên minh quân sự ở châu Á - Thái Bình Dương. Oasinhtơn không những công nhận quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là đảo Điếu Ngư) là của người Nhật, mà còn coi các đảo ở phía Nam quần đảo Chắn là lãnh thổ của Nhật Bản.

Hiện nay, Mỹ đang làm sống lại và mở rộng các điều khoản giúp đỡ quân sự, các tổ chức quân sự và các hiệp ước ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tương lai, Mỹ sẽ thống nhất các liên minh quân sự ở châu Á - Thái Bình Dương thành một tổ chức quân sự phía Đông và bằng mọi cách mở rộng NATO.

Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất trong các kế hoạch của Mỹ nhằm thúc đẩy một tổ chức quân sự ở châu Á tương đương với NATO là thuyết phục Ấn Độ trở thành một đối tác lớn nhất và quan trọng chiến lược nhất trong quá trình phát triển một khối quân sự ở phía Đông. Mỹ đang thay thế Nga trở thành nước cung cấp các loại vũ khí chủ yếu và đồng minh quân sự truyền thống của Ấn Độ, đồng thời sử dụng các nước Nam Á chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc như một cường quốc khu vực và thế giới. Oasinhton cũng đang thúc đẩy các kế hoạch phân chia Đông Á thành hai cực chính trị, quân sự và sử dụng cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên theo hướng như vậy.

Các quan chức Chính phủ Mỹ cũng như Lầu Năm Góc kiên quyết bác bỏ ý đồ của Trung Quốc và Nga nhằm xoa dịu cuộc xung đột và nối lại các cuộc đàm phán để tìm kiếm giải pháp hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Nga và Trung Quốc có chung biên giới với Triều Tiên, trong khi Mỹ ở rất xa. Do đó, một cuộc xung đột lớn nổ ra trên bán đảo sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hai nước đầu tiên. Mỹ có thể lợi dụng những xung đột để thâm nhập sâu khu vực châu Á - Thái Bình Dương và sử dụng sự ủy nhiệm của các nước như Nhật Bản hay Hàn Quốc để đạt được mục tiêu đó.

Cả Nga và Trung Quốc đều lo ngại trước hoạt động quân sự ngày càng tăng của Mỹ ở Đông Á, đặc biệt việc Mỹ thường xuyên triển khai hàng không mẫu hạm George Washington ở ngoài khơi bờ biển Trung Quốc và Nga cũng như các hòn đảo thuộc Nhật Bản, tổ chức các cuộc diễn tập quân sự trên các vùng biển Đông Á, các chuyến thăm Ôxtrâylia và 9 nước châu Á-Thái Bình Dương khác của Tổng thống Obama, bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates, Ngoại trưởng Hillary Clinton và Chủ tịch Tham mưu trưởng Liên quân Đô đốc Michael Mullen trong tháng 8/2010 và đầu tháng 11- 2010, cùng với chiến dịch tiến cũng ngoại giao và quân sự mà Oasinhton đang tăng cường trong khu vực mỗi ngày qua...

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực